08/10/2016 - 16:23

6 tác nhân ảnh hưởng thị lực ngoài lý do tuổi tác

Mọi người đều biết thị lực sẽ dần suy giảm khi chúng ta lớn tuổi. Trên thực tế, các bác sĩ nhãn khoa cảnh báo, có nhiều tác nhân khác cũng gây tình trạng suy giảm thị lực ngay cả khi bạn còn trẻ, như thói quen sinh hoạt hay ảnh hưởng từ một số bệnh lý nhất định.

"Dán mắt" vào màn hình cả ngày

Trong thời đại công nghệ hiện nay, đa số mọi người dành hơn 6 tiếng/ngày để nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử (như máy vi tính, điện thoại thông minh hay máy tính bảng). Khoảng thời gian chăm chú vào màn hình đó khiến bạn dễ có nguy cơ bị chứng "căng mắt kỹ thuật số" (DES), bao gồm các vấn đề như mỏi mắt và mờ mắt. Một phần nguyên nhân gây nên DES là do người dùng thiết bị điện tử ít chớp mắt, dẫn đến tình trạng khô và xốn mắt. Ngoài ra, đọc chữ trên màn hình còn đòi hỏi mắt làm việc cật lực hơn vì chữ kỹ thuật số được tạo thành từ các chấm nhỏ và không được rõ nét như chữ in trên giấy.

May mắn là chuyên gia đo thị lực Jeffrey Anshel ở Carlsbad (Mỹ) khẳng định các triệu chứng DES thường biến mất khi ngưng dùng màn hình điện tử và bạn có thể ngăn chặn nó ngay từ đầu bằng cách tuân thủ quy tắc "20:20:20" – tức định kỳ 20 phút thì nhắm mắt lại hoặc nhìn xa 20 feet (6 mét) trong khoảng 20 giây.

Thay đổi nội tiết tố cũng khiến thai phụ suy giảm thị lực. Ảnh: Shutterstock

Đeo kính áp tròng quá lâu

Thời gian đeo kính áp tròng càng lâu thì lượng bụi bẩn, chất nhầy, các prôtêin và khoáng chất tích tụ trong mắt càng cao. Không chỉ gây mờ mắt, tình trạng này còn gây khô và xốn mắt. Cách đơn giản để kiểm tra xem kính áp tròng có phải là nguyên nhân gây giảm thị lực hay không là thử đeo kính gọng, nếu nhìn thấy rõ hơn thì nghĩa là kính áp tròng của bạn quá bẩn. Do vậy, ngay cả khi mang kính áp tròng chất lượng cao, thì người dùng cũng cần vệ sinh kính mỗi ngày và thay kính mới theo hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.

Chuyên gia kính áp tròng Susan Resnick ở New York cho biết, đa số kính áp tròng hiện nay được thiết kế để thay thế theo thời gian định kỳ hằng ngày, hằng tuần và hằng tháng. Trong đó, kính áp tròng thay hằng ngày là loại kính sạch và an toàn nhất, có thể duy trì một thị lực sáng và ổn định.

Trầy xước giác mạc

Trầy xước giác mạc là tình trạng bề mặt trong suốt bảo vệ mắt có vết trầy. Điều này nghe có vẻ đau nhưng đôi lúc nó chỉ biểu hiện các triệu chứng như mờ mắt, đỏ, hoặc cảm thấy như có hạt cát lẫn trong mắt và thường chỉ xuất hiện vài giờ sau khi giác mạc bị tổn thương.

Để chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời khi nghi ngờ trầy giác mạc, tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ nhãn khoa. Thông thường, vết trầy nhỏ trên giác mạc sẽ tự lành sau ít ngày, nhưng bác sĩ sẽ cho dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng hoặc thuốc nhỏ mắt chứa steroid để giảm viêm và ngừa nguy cơ để lại sẹo (yếu tố có thể gây mất thị lực vĩnh viễn).

Trong thai kỳ

Những thay đổi về thị lực, chẳng hạn như nhìn mờ và chứng song thị (tức nhìn thấy hai hình ảnh của một vật thể) là tình trạng xuất hiện phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nguyên do là sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng làm thay đổi chất dịch phía sau giác mạc, khiến hình dạng và độ dày của nó cũng thay đổi. Tình trạng này khiến một số thai phụ dễ bị cận/viễn thị tạm thời, nhưng thị lực sẽ trở lại bình thường sau khi sinh con. Ngoài ra, các bà mẹ tương lai cũng dễ bị khô mắt, nhìn mờ nên thường thấy khó chịu khi mang kính áp tròng.

Đang uống thuốc

Thuốc điều hòa huyết áp, thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng histamine đều là những loại thuốc gây khô mắt (do chúng làm giảm mức độ sản xuất nước mắt hoặc thay đổi thành phần nước mắt khiến nó dễ bay hơi). Biểu hiện thường gặp là cảm thấy như có thứ gì đó mắc kẹt trong mắt, nhìn mờ, cảm giác đau mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt sống quá nhiều. Ngoài ra, một số bệnh khác như viêm khớp mãn tính và tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ khô mắt.

Giáo sư nhãn khoa Marguerite McDonald tại Đại học Tulane (Mỹ) khuyến nghị trong trường hợp bệnh không thuyên giảm sau khi đã tránh tiếp xúc với các tác nhân gây khô mắt (như gió, khói bụi) và nhỏ nước mắt nhân tạo, người bệnh nên gặp bác sĩ để kiểm tra bởi khô mắt dễ dẫn tới nhiễm trùng, gây mất thị lực vĩnh viễn.

Mắc bệnh tăng nhãn áp (Glaucoma)

Bệnh tăng nhãn áp xảy ra khi chất dịch dư thừa tích tụ trong mắt tạo nên áp lực gây hại cho dây thần kinh thị giác (bộ phận phụ trách chuyển hình ảnh từ võng mạc đến não). Trong khi đó, dây thần kinh này bao gồm rất nhiều dây dẫn, nên một khi bị tổn thương sẽ tạo nên những điểm mù làm suy giảm thị lực.

Đáng lo ngại là bệnh tăng nhãn áp thường không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, nên lúc bệnh nhân nhận ra thị lực thay đổi thì cũng là lúc đã mất đi vĩnh viễn một phần thị lực. Theo khuyến cáo từ bác sĩ, người từ 18-60 tuổi nên kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ ít nhất 2 năm/lần, còn người trên 60 tuổi thì nên kiểm tra hằng năm để sớm phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh làm tổn thương thị giác không thể phục hồi này.

AN NHIÊN (Theo Prevention)

Chia sẻ bài viết