28/03/2017 - 20:54

5 yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường ở trẻ em

Theo các chuyên gia sức khỏe, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tiểu đường đang ngày một gia tăng do những thay đổi về lối sống, môi trường, yếu tố di truyền… Bệnh khiến cơ thể không sản sinh đủ hoóc-môn insulin để phân hủy lượng đường trong thực phẩm và biến nó thành năng lượng. Hậu quả, đường huyết gia tăng và phá vỡ nhiều chức năng của cơ thể. Để bảo vệ con em khỏi nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, phụ huynh cần nhận biết và đẩy lùi các yếu tố nguy cơ phổ biến sau đây:

Tiêu thụ nhiều đường

Theo một nghiên cứu của Cao đẳng Imperial Luân Đôn (Anh), trẻ em và trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đang uống nước ngọt và tiêu thụ lượng đường cao gấp 3 lần giới hạn được khuyến cáo. "Kết quả của cuộc khảo sát này cực kỳ đáng lo ngại. Khi mà 1/3 số trẻ 10 tuổi bị thừa cân và 1/3 số trẻ 3 tuổi bị sâu răng, các nguy cơ sức khỏe gây ra bởi sự bất lực trong việc hạn chế tiêu thụ đường là rất nghiêm trọng" – tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Neena Modi, cảnh báo.

Chế độ ăn uống kém lành mạnh cũng là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em. Ảnh: healthpress.info

Bỏ bữa ăn sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, bởi nó đóng vai trò kích hoạt nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Theo nghiên cứu chung của các chuyên gia đến từ các trường đại học Oxford, Cambridge, Glasgow và St George (Anh), những trẻ ăn sáng thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 thấp hơn so với những em hay bỏ bữa sáng. Họ cho rằng không ăn sáng làm tăng nguy cơ kháng insulin ở trẻ, khiến nồng độ đường huyết gia tăng. Hơn nữa, bỏ ăn sáng còn dẫn tới ăn vặt không lành mạnh khiến các em dễ bị béo phì – một trong những nguyên nhân chính gây tiểu đường.

Gan nhiễm mỡ

Ngoài bia rượu, bệnh gan nhiễm mỡ còn bắt nguồn từ nguyên nhân khác không liên quan đến thức uống có cồn. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy khoảng 7 triệu trẻ em xứ cờ hoa bị bệnh gan nhiễm mỡ, trong đó gần 1/3 có triệu chứng tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Tiến sĩ Jeffrey B. Schwimmer – Giám đốc Viện Gan nhiễm mỡ tại Bệnh viện Nhi Rady ở San Diego – cho biết: "Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn tới phát triển tiểu đường típ 2 ở trẻ em".

Béo phì

Các bậc phụ huynh thường mong muốn con mình luôn khỏe mạnh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cho con ăn quá nhiều, mà không bận tâm đến việc trẻ ngày càng trở nên "mũm mĩm". Theo một nghiên cứu trên quy mô toàn quốc của Ấn Độ, tình trạng "béo bụng" ở trẻ em có liên quan trực tiếp đến các bệnh rối loạn chuyển hóa, bao gồm cao huyết áp và tiểu đường. Do vậy, điều vô cùng quan trọng là giúp trẻ giảm tiêu thụ các thực phẩm nhiều năng lượng và bổ sung thực phẩm chứa các dưỡng chất thiết yếu.

Nghiện thiết bị công nghệ, ít vận động

Thể chất khỏe mạnh là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em, bảo đảm các em có một cơ thể cân đối và linh hoạt. Nhưng theo một báo cáo bất ngờ, ngày càng có nhiều trẻ em ít tham gia các hoạt động thể chất, chủ yếu do các em dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV hay máy trò chơi điện tử), thay vì ra ngoài chơi thể thao.

Các nhà nghiên cứu ở Anh gần đây còn phát hiện những trẻ dành hơn 3 tiếng/ngày nhìn chằm chằm vào màn hình thiết bị có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường típ 2. Theo họ, việc ngồi một chỗ và "dán mắt" vào màn hình làm tích tụ mỡ thừa và tăng đề kháng insulin, dẫn đến bệnh.

AN NHIÊN (Theo NDTV Food )

Chia sẻ bài viết