15/01/2012 - 20:45

Thị trường gas

“Nóng” vào dịp cận Tết

Mua bán tại cửa hàng kinh doanh gas của Công ty Cổ phần vật tư Hậu Giang (Hamaco), quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG 

Thời gian gần đây, các nhà cung cấp gas liên tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ, khiến người tiêu dùng thêm gánh nặng. Giới kinh doanh gas cũng tỏ ra lo ngại, bởi giá tăng làm sức mua bị ảnh hưởng và họ gặp khó khi Nghị định 105/2011/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 16-11-2011) quy định xử phạt hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) chính thức có hiệu lực từ 1-1-2012.

Chất lượng gas, giá: nhiều việc phải bàn!

Trong tháng 11-2011, giá gas bình ổn nhưng bước sang tháng 12-2011 đã tăng 5.000-6.000 đồng/bình(12-13kg). Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1-2012, giá gas có 2 thêm lần điều chỉnh tăng, với mức tăng tổng cộng khoảng 33.000-34.000 đồng/bình (12-13kg). Ngày 12-1-2012, giá bán lẻ nhiều loại gas PetroVietnam, Gia Đình gas, Vinagas, Petrolimex, VT, Total... bình 12kg tại các cửa hàng ở TP Cần Thơ dao động từ 383.000-399.000 đồng/bình; Shell gas (12kg): 421.000 đồng/bình; Elf gas (12,5kg) 418.000 đồng/bình; Petrolimex bình 13kg: 430.000 đồng/bình. Tính từ tháng 12-2011 đến nay, giá gas đã 3 lần điều chỉnh tăng, với mức tăng tổng cộng khoảng 39.000-40.000 đồng/bình (12-13kg).

Theo giới kinh doanh, gần đây giá gas liên tục tăng, do giá gas trên thế giới tăng mạnh trước nhu cầu tiêu thụ gia tăng vào mùa đông. Mặt khác, giá gas trong nước tăng do ảnh hưởng của thuế nhập khẩu gas tăng và các chi phí sản xuất gas trong nước tăng từ 2% lên 5% vào đầu năm 2012. Trong thời gian tới, theo dự đoán của giới kinh doanh giá gas có nhiều khả năng còn biến động theo giá gas thế giới. Giá gas trên thế giới từ ở mức 795 USD/tấn hiện đã tăng lên ở mức 880 USD/tấn.

Gas được nhiều hộ gia đình sử dụng cho việc nấu nướng hàng ngày, giá gas tăng cao đã làm cho người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Ông Bùi Văn Hậu ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho rằng: “Xài bếp gas sạch và tiện lợi. Nấu ăn tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với bếp củi, nhưng gần đây giá gas liên tục tăng, gia đình tôi phải hạn chế xài bếp gas. Hiện gia đình tôi đã ưu tiên chuyển sang xài bếp củi, chỉ sử dụng bếp gas khi cần hâm nóng lại đồ ăn hay có nhu cầu nấu nước uống gấp khi có khách đến nhà chơi. Chỉ khi nào giá gas giảm và ổn định trở lại, gia đình tôi mới an tâm xài gas thoải mái như trước đây”. Cách làm của ông Hậu cũng được nhiều hộ gia đình khu vực ngoại thành áp dụng để hạn chế chi tiêu gia đình trong điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, đối với nhiều hộ gia đình ở đô thị, việc tiết kiệm chi tiêu trong sử dụng gas là điều khó thực hiện. Bà Trần Thị Phượng ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với các hộ gia đình ở khu vực nội thành, rất khó sử dụng các loại củi, than để làm chất đốt nên việc nấu nướng hàng ngày phụ thuộc chủ yếu vào gas, dù giá mắc rẻ cũng phải mua. Cách nay hơn 1 tháng, bình gas chỉ có giá 352.000 đồng nhưng mấy ngày nay khi gia đình xài hết gas kêu đổi gas mới với giá 392.000 đồng/bình. Trong khi đó, gia đình tôi hiện không chỉ lo giá gas có khả năng còn tăng mà còn lo tình trạng chất lượng và trọng lượng của một số loại bình gas bán trên thị trường không đảm bảo khi giá cả tăng cao”. Bởi, người tiêu dùng hầu như thiếu thông tin về cách nhận biết các bình gas thế nào là đảm bảo an toàn, chất lượng, hết gas là họ gọi điện kêu cửa hàng kinh doanh gas đến đổi và phó mặc cho cửa hàng lựa chọn bình gas.

Siết chặt quản lý...

Nhiều cửa hàng kinh doanh gas tại TP Cần Thơ cũng thừa nhận rằng, giá gas tăng cao trong thời gian gần đây cũng đã ảnh hưởng xấu đến sức tiêu thụ gas. Ông Dương Hoàng Minh, chủ cửa hàng Hoàng Minh ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Sức tiêu thụ gas đang giảm so với trước do nhiều người có xu hướng sử dụng gas tiết kiệm, nhất là người dân tại các vùng ven và vùng nông thôn đã rất hạn chế sử dụng gas và chuyển sang sử dụng các loại chất đốt khác có giá rẻ hơn như: than, củi, trấu... Do ảnh hưởng của giá gas, hiện sức tiêu thụ các loại bếp gas cũng trở nên khá chậm”. Theo ông Minh, tới đây giá gas diễn biến thế nào, các cửa hàng kinh doanh rất khó đoán biết trước vì còn phụ thuộc nhiều vào giá gas thế giới và các nhà sản xuất, cung cấp gas lớn trong nước.

Hiện nay, doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh gas ở TP Cần Thơ không chỉ lo việc kinh doanh bị ảnh hưởng do giá cả gas biến động, mà cũng rất ngại khi ngày 1-1-2012 Nghị định 105/2011/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 16-11-2011) quy định xử phạt hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) bắt đầu có hiệu lực. Nghị định 105 được nhiều người đánh giá sẽ là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước nhằm siết chặt việc quản lý thị trường LPG, tránh tình trạng lưu thông, mua bán các loại LPG giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Theo Nghị định 105, các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh LPG thực hiện không đúng theo các quy định, không chỉ bị xử phạt hành chính và các hình phạt bổ sung như: bị tịch thu tang vật, buộc khắc phục hậu quả... mà có thể còn bị tước giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo phản ảnh của giới kinh doanh gas tại thành phố, Nghị định 105 vẫn còn một số quy định chung chung, chưa thật xác với tình hình thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và các cửa hàng kinh doanh.

Theo bà Đặng Thị Phượng, Trưởng phòng Kinh doanh LPG, Công ty Cổ phần Vật tư Hậu Giang, tại mục Đ khoản 1 điều 8 và mục C khoản 2 điều 9 của Nghị định 105 quy định “phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi: có hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý nhưng không đáp ứng đủ điều kiện quy định”, thì nhiều ý kiến cho rằng, thương nhân hoặc tổng đại lý không đủ điều kiện kinh doanh mà các cấp ban ngành lại cho phép, kể cả cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh. Cho phép họ hoạt động rồi sau đó phạt đơn vị cấp dưới, đây là điều chưa thỏa đáng. Hoặc tại mục D khoản 3 của Điều 19 quy định “phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm: Không hoàn trả cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối toàn bộ số chai LPG đã ký cược vào hồ sơ chai LPG khi thanh lý hợp đồng đại lý, tổng đại lý” thì khó có tổng đại lý và đại lý nào thực hiện được. Các quy định tại khoản 1 của Điều 19,20,21 còn chung chung, chưa cụ thể về việc: cán bộ nhân viên cần được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ và phải học lớp nghiệp vụ nào do sở ngành nào tổ chức, tổ chức liên tục hay không? Vì nhân viên của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh có thể thay đổi thường xuyên. Do vậy, các ngành chức năng cần sớm xem xét có kiến nghị về trên và có các hướng dẫn để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh LPG thuận lợi trong thực hiện.

KHÁNH TRUNG

Mua bán tại cửa hàng kinh doanh gas của Công ty Cổ phần vật tư Hậu Giang (Hamaco), quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: NAM H

Chia sẻ bài viết