06/02/2019 - 10:46

Hòa nhịp giao thương

“Nối vòng tay lớn" 

Được mệnh danh Thủ phủ Tây Đô - Cần Thơ là đô thị trẻ năng động với hoạt động giao thương được đánh giá sôi động và sầm uất bậc nhất vùng ĐBSCL. Đến cuối năm 2018, doanh số bán hàng của Cần Thơ đứng thứ 3 trong số 5 thành phố lớn cả nước. Vai trò kết nối giao thương của Cần Thơ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, các vùng miền trong cả nước đang được khẳng định và dần vươn tầm ra thế giới.

DN TP Cần Thơ giới thiệu sản phẩm khô cá tra sấy ăn liền với các đại biểu, DN đến từ tỉnh Lâm Đồng.

“Hạt nhân” kết nối

Thời điểm mới chia tách và thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, những số liệu ban đầu của thành phố rất khiêm tốn như: diện tích tự nhiên khoảng 138.959ha và dân số lúc bấy giờ là 1,112 triệu người, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 8,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thành phố chiếm đến 21,4%. Song đến cuối năm 2018, trong cơ cấu GRDP tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm 8,14%, trong khi khu vực thương mại- dịch vụ chiếm 59,16%, còn lại là khu vực công nghiệp - xây dựng.

Sự chuyển dịch rõ nét này đã góp phần khẳng định vị thế trung tâm thương mại vùng ĐBSCL của TP Cần Thơ. Xuất phát từ nền tảng ban đầu là nơi tập trung nguồn nguyên liệu và cung ứng sản phẩm nông, thủy hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu. Hằng năm, TP Cần Thơ có nhiều hoạt động giao thương với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế như Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam, Hội chợ Thương mại tiêu dùng ĐBSCL, Hội chợ Mua sắm và Ẩm thực Thái Lan, Triển lãm Xây dựng và Trang trí nội thất Vietbuild thường niên… Những hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho người dân trong khu vực mà còn là cơ hội để doanh nghiệp (DN) cả nước hội tụ tìm đối tác, ký kết hợp tác làm ăn lâu dài.

Trao đổi thông tin, tiến đến ký kết làm ăn lâu dài tại một Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa do TP Cần Thơ tổ chức.

Gặp gỡ tôi sau khi hoàn thành thủ tục ký kết bản ghi nhớ với một số DN đến từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại Hội nghị “Kết nối giao thương giữa DN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và DN ĐBSCL” vừa diễn ra vào tháng 11-2018, ông Hà Văn Thống, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Xanh Cần Thơ, chia sẻ: “Qua hoạt động kết nối giao thương, chúng tôi đã mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm rau quả, trái cây, sản phẩm chăn nuôi đến tiêu thụ tại thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu và đang định hướng liên kết phát triển thêm nhiều sản phẩm khác”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong rừng Forny (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), cho biết: “Sản phẩm của Forny đã có mặt tại hơn 1.000 siêu thị, nhà thuốc trên toàn quốc. Qua chuyến kết nối giao thương Bà Rịa-Vũng Tàu với ĐBSCL, chúng tôi sẽ “tiến quân” vào thị trường Cần Thơ và từ đó mang sản phẩm của đi chinh phục rộng ra cả ĐBSCL”.

Không chỉ tổ chức các hoạt động kết nối tại “sân nhà”, TP Cần Thơ còn làm đầu mối hỗ trợ, dẫn dắt DN thành phố đi kết nối tại các địa phương khác. Đơn cử như: Hội nghị Kết nối cung cầu với TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre; Hội chợ quốc tế Tịnh Biên - An Giang; Hội chợ Đặc sản vùng miền tại Hà Nội… Đặc biệt, tại Hội chợ Foodexpo tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, giá trị hợp đồng ghi nhận của các DN Cần Thơ tham gia Hội chợ lên đến 280.000 USD. Và các mặt hàng của thành phố được quan tâm nhiều nhất trong dịp này là trái cây sấy, trái cây tươi, nước tương, nước mắm, trà thảo mộc… DN Cần Thơ còn tham gia chương trình Giao dịch thương mại (B2B) trực tiếp với các DN sản xuất, xuất khẩu thực phẩm - đồ uống của Việt Nam và nhà nhập khẩu đến từ Hàn Quốc, Nga, Hồng Công...; các tập đoàn thu mua, các đại siêu thị trong và ngoài nước.

Chặng đường mở rộng kết nối giao thương 15 năm qua, TP Cần Thơ còn ghi dấu ấn với hoạt động kết nối giao thương tại thị trường nước ngoài và đưa các DN của thành phố đi quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra quốc tế. Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa, quận Cái Răng, cho biết: “Hội chợ Thaifex năm nay, chúng tôi tham gia với mong muốn giới thiệu đến khách hàng quốc tế sản phẩm của Phạm Nghĩa cũng như đưa đặc sản của Cần Thơ ra nước ngoài bao gồm: Cá thát lát rút xương kim sa, Chả cá thát lát nguyên chất, Chả miếng thì là, Chả viên và Lươn fillet. . . Việc tham gia các buổi hội chợ ở nước ngoài là điều kiện để Phạm Nghĩa cọ xát, học hỏi lấy kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác phù hợp để chuẩn bị xuất khẩu. Sau Hội chợ Thaifex, công ty đã có được danh sách khách hàng tiềm năng để liên hệ xúc tiến”.

Thực tế phản hồi từ phía DN cho thấy, công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cả ở thị trường nội địa và quốc tế được thực hiện khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu và tiếp cận, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Liên kết bền vững

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, bộc bạch: “Diện tích đất lúa TP Cần Thơ khoảng 80.000ha, nhưng hằng năm thành phố xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo. Có được kết quả này là do DN thành phố kết nối, thu mua nguyên liệu khắp các tỉnh, thành ĐBSCL. Ở lĩnh vực thủy sản, mà tiêu biểu là con cá tra, DN thủy sản của thành phố vươn lên đứng nhứt, nhì cả nước về sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với vùng nguyên liệu phủ khắp các tỉnh, thành trong vùng. Mỗi dịp Tết đến, thành phố liên kết với ngành công thương 12 tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh để bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; không để xảy ra tình trạng lũng đoạn thị trường, khan hàng, sốt giá. Điều đó cho thấy, TP Cần Thơ có mối liên kết bền vững với các tỉnh trong vùng và mối liên kết này tiếp tục thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa giới thiệu, mời khách hàng dùng thử sản phẩm tại một buổi kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn diễn ra trên địa bàn thành phố.

Theo phản ánh từ nhiều DN, ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng là nơi có vùng nguyên liệu nông, thủy sản, vườn cây ăn trái quy mô lớn. Đây là yếu tố quan trọng để các bên đi đến làm ăn, kết nối lâu dài. “Người tiêu dùng ngày nay có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. ĐBSCL có nhiều vườn cây ăn trái, rừng tràm… rất thích hợp với nghề nuôi ong lấy mật. Do đó, công ty mong muốn hợp tác với các nhà vườn có diện tích từ 5-10ha để phát triển đàn ong, tìm nguồn mật phù hợp”- bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hạnh Phúc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ.

TP Cần Thơ thực hiện nghi thức ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa bốn thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh thành phía Nam tại TP Cần Thơ”.

Nói về định hướng xúc tiến thương mại của thành phố trong năm 2019, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho biết: Năm 2019, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung các lĩnh vực là thế mạnh của các DN thành phố như: nông sản, nông sản chế biến, đặc biệt là ngành hàng trái cây. Trung tâm sẽ phối hợp với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, Malaysia, Liên bang Nga, New Zealand và các cơ quan của nước sở tại nhằm hỗ trợ tích cực các DN mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng nước ngoài. Đối với xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thành phố phối hợp với Bộ Công thương, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, các sở ngành hữu quan và các quận, huyện để tạo điều kiện cho các DN quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và củng cố mạng lưới phân phối ở các tỉnh, thành.

Có vị thế “địa lợi”- trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng và phát triển các chợ đầu mối, chuyên doanh như: chợ bán buôn nông sản cấp vùng, chợ văn hóa-du lịch, chợ ẩm thực... Song song đó, nền kinh tế thế giới và trong nước có dấu hiệu phục hồi tích cực, các Hiệp định Thương mại tư do mà Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực. Đây là những “tín hiệu vàng” để hoạt động kết nối giao thương của TP Cần Thơ tiếp tục gặt hái thành công và vươn mình bứt phá trong năm mới...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết