25/03/2024 - 18:03

“Bom hẹn giờ” từ các trại giam IS 

Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố nhà hát Nga, giới chuyên môn càng lo ngại tàn dư IS nhen nhóm trỗi dậy với phạm vi vượt ra ngoài Trung Đông. Trong đó, mối đe dọa từ những nhà tù ở Syria được đặc biệt chú ý khi có hàng ngàn phần tử IS cùng người thân của chúng đang bị giam tại đây.

Hơn một nửa số cư dân các trại ở Syria là trẻ dưới 12 tuổi. Ảnh: NYT

Năm 2019, IS mất lãnh thổ cuối cùng ở Syria và cũng trong năm này, chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu tuyên bố tiêu diệt Abu Bakr al Baghdadi - thủ lĩnh tối cao của IS và thường tự xưng là “caliph (vua) của toàn bộ người Hồi giáo”. Thế giới sau đó dường như bắt đầu quên lãng phiến quân IS, mặc dù các phần tử ẩn náu trong khu vực vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công lẻ tẻ khiến hàng chục người thiệt mạng những năm qua. ISIS-K, một nhánh của IS bị tình nghi tấn công ở Nga, cũng liên quan đến các đợt đánh bom chết người gần đây tại Iraq.

Ngoài mối đe dọa trực tiếp từ các chiến binh tự do, giới chuyên môn cho biết vấn đề lớn hơn cần giải quyết là các trại giam giữ khủng bố ở Trung Đông. Theo tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ), ước tính có hàng chục ngàn thường dân chưa xác định được mối liên hệ với IS trú cùng gia đình các phiến quân tại các trại tị nạn ở Syria và Iraq, bao gồm trại Al-Hol và Roj ở Đông Bắc Syria. Vốn các trại này tồn tại từ nhiều thập kỷ trước, nhưng dân số tăng lên hơn 60.000 người sau khi IS bị đánh bật khỏi thành trì cuối cùng ở Thung lũng sông Euphrates. Hiện tổng dân số của 2 trại nói trên là 46.500 người, bao gồm trẻ em và những phụ nữ đã kết hôn hoặc bị ép có con với các tay súng IS. Trong cuộc truy quét gần đây, người ta phát hiện một loạt vũ khí được cất giấu trong trại cùng hàng chục chiến binh IS.

Ngoài Al-Hol và Roj, có 8 nhà tù khác ở miền Bắc Syria đang giam giữ khoảng 9.000 chiến binh IS từ nhiều quốc gia. Trong chuyến thăm vào năm ngoái, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Michael Kurilla lưu ý cư dân các trại giam giữ và tị nạn đang sống trong môi trường có hệ tư tưởng cực đoan mỗi ngày. Đây là “bom hẹn giờ” đối với an ninh khu vực cũng như toàn cầu bởi nếu được trả tự do, nhóm người này có thể là một đội quân IS thực sự khi các chiến binh đang ẩn náu không từ bỏ tham vọng lần nữa biến tổ chức này thành “Nhà nước Hồi giáo”.

Thách thức cấp bách

Các trại và trung tâm giam giữ IS ở Syria đang được kiểm soát bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo. SDF từng hợp tác với Mỹ chống IS và hiện tiếp tục nhận hỗ trợ từ Washington. Đặt trường hợp chính quyền mới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 ngừng hỗ trợ cho SDF hoặc rút lực lượng, các nhà chuyên môn cảnh báo an ninh tại các cơ sở có thể bị sụp đổ và châm ngòi cho sự hồi sinh của IS.

Vấn đề trở nên phức tạp khi các bên hiện không có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào cho kịch bản Mỹ rời Syria hay đối tác ở đây từ bỏ sứ mệnh. Gần đây, nhóm vũ trang người Kurd ở Syria đã lên tiếng về khả năng phải chuyển lực lượng sang các nhiệm vụ khác nếu tiếp tục hứng chịu đợt tấn công kéo dài của Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm hỗ trợ các chiến dịch ở Đông Bắc Syria cũng đang bị thách thức bởi tình hình bất ổn ở Iraq, khi các chính trị gia người Shiite theo đường lối cứng rắn muốn trục xuất 2.500 lính Mỹ đang triển khai ở đây.

Trong bối cảnh này, chuyên gia Devorah Margolin thuộc Viện Chính sách Cận Đông trụ sở ở Washington cho biết điều cần thiết mà Mỹ và các đối tác quốc tế cần ưu tiên thực hiện là cải thiện hoàn cảnh nhân đạo của cư dân trại tị nạn song song các biện pháp chống nỗ lực “cực đoan hóa” người dân của IS. Về lâu dài, có đề nghị tiến hành sàng lọc dân số trong các trại và trung tâm giam giữ đi kèm cách thức giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ sự cần thiết của việc hồi hương hàng ngàn cư dân tị nạn và các chiến binh bị cầm tù. Hiện tại, việc hồi hương diễn ra rất chậm khi nhiều quốc gia không muốn nhận lại công dân của họ. Theo WSJ, chỉ có khoảng 10.200 người ở hai trại Al-Hol và Roj được hồi hương trong 3 năm qua.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết