19/11/2017 - 17:33

Vay tiêu dùng những điều cần lưu ý 

Trước khi đặt bút ký kết bất cứ hợp đồng vay tiêu dùng với các tổ chức tài chính, khách hàng cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ từng điều khoản trong hợp đồng vay vốn, nhất là về mức lãi suất của khoản vay, cân đối khoản thu nhập cá nhân. Có như vậy mới có thể tránh khỏi tình trạng phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng cho các giao dịch sau này.

Cách đây không lâu, chị Thanh Nga (Ninh Kiều – Cần Thơ) tỏ ra bức xúc về việc khi vay tín dụng để mua điện thoại. Song, đến kỳ thanh toán chị lại phải đóng thêm một số khoản phí, phạt cho khoản tiền vay do thanh toán chậm. Trên thực tế, không ít người tiêu dùng vẫn tỏ ra bất ngờ trước việc phải nộp phí phạt trả nợ trước hạn hoặc thắc mắc trước mức lãi suất luôn ở ngưỡng cao của dịch vụ cho vay này. Thậm chí, có khách hàng còn ngưng thanh toán giữa chừng và chấp nhận nộp phạt để chờ xử lý khiếu nại, khi cho rằng các điều khoản trong hợp đồng đã dẫn đến việc người tiêu dùng phải trả tiền cao vô lý. Để giải quyết những băn khoăn trên, lãnh đạo một công ty tài chính phân tích: Trước tiên, người tiêu dùng nên cân nhắc có cần thiết phải mua mặt hàng này hay chưa, xem xét các nguồn vay mượn khác như từ người thân, bạn bè trước khi tìm đến công ty tài chính. Nếu quyết định vay thì khả năng trả nợ sẽ như thế nào. Trước khi ký hợp đồng vay, người tiêu dùng nên hiểu hết các điều kiện và điều khoản vay, lãi suất và các khoản phí phải trả nếu thanh toán chậm hay trước hạn… để không bị phát sinh những tranh chấp sau này. Các công ty tài chính đều mong đợi khách hàng là những người đi vay có trách nhiệm, bằng cách cân đối các khoản thu nhập và chắc chắn rằng khoản vay phù hợp với tình hình tài chính của mình.

Nhằm tránh phát sinh các tranh chấp, hạn chế ảnh hưởng tới tài chính, tài sản và danh dự, sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung:

a) Cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

b) Chỉ ký các tài liệu khi đã nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung và đảm bảo chắc chắn các thông tin đó được thể hiện chính xác trên tài liệu được yêu cầu ký.

c) Yêu cầu cung cấp hợp đồng, tài liệu giao dịch có đầy đủ chữ ký, con dấu của đơn vị cung cấp dịch vụ để lưu giữ, đối chiếu và thực hiện đúng theo nội dung trong hợp đồng.

d) Khi có tranh chấp phát sinh, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới bộ phận có liên quan của đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư để đảm bảo lưu vết thông tin, tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng nên không có cơ sở giải quyết.

Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ thông tin hoặc đang có phát sinh tranh chấp liên quan tới lĩnh vực cho vay tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - 1800.6838 - để được tư vấn, hỗ trợ.

Một khi đã quyết định thực hiện khoản vay, khách hàng cần cố gắng sắp xếp các nhu cầu chi tiêu để không bị trễ hạn. Một số khách hàng tỏ ra khó chịu trước việc mình bị công ty tài chính nhắc nợ trước kỳ thanh toán. Song họ không biết rằng chỉ cần bỏ quên vài ngày, không chỉ người vay phải tốn thêm tiền đóng phí phạt, mà hồ sơ tín dụng của họ cũng sẽ ghi nhận một lần trễ hạn thanh toán.

Nếu hồ sơ tín dụng có quá nhiều lần trễ hạn hoặc đỉnh điểm là khách hàng “bỏ trốn”, điều này đồng nghĩa với việc ở những lần vay sau, kể cả ở những công ty tài chính hay ngân hàng khác, khách hàng sẽ phải đối mặt với lãi suất vay cao hơn; hoặc những thủ tục phức tạp hơn và thậm chí sẽ không thể vay được ở bất kỳ nơi đâu, bởi mọi tổ chức tín dụng đều có thể tìm hiểu hồ sơ tín dụng của từng cá nhân ở Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước.

Theo các chuyên gia tài chính, khách hàng cần bình tĩnh và suy xét kỹ để nhận định về những vụ kiện tụng xung quanh mức lãi suất cho vay tiêu dùng. Thậm chí có ý kiến cho rằng tổ chức tín dụng “bẫy” người vay trong các khoản vay tiêu dùng, nhất là tại các công ty tài chính. Rõ ràng, hoạt động cho vay tiêu dùng là việc thuận mua, vừa bán, chỉ khi được sự đồng ý của khách hàng ký vào bản hợp đồng vay, tổ chức tín dụng mới thực hiện được việc giải ngân.

Cùng với mở rộng tiếp cận dịch vụ vay tiêu dùng, câu chuyện giáo dục tài chính toàn diện cho người dân cũng cần thiết phải đề cập tới. Trong đó, có vai trò của các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan truyền thông, giúp người dân tiếp cận được những kiến thức đơn giản về tài chính. Cách quản lý đơn giản nhất là phải minh bạch những điểm mấu chốt như: Niêm yết công bố lãi suất, phương thức thu hồi lãi, phí phạt, phí trả trước… Hiểu rõ dịch vụ tài chính sẽ giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và quản lý tài chính tốt hơn. Trong đó, có những nội dung quan trọng để quan hệ giữa khách hàng và tổ chức cho vay phải thực sự hiểu nhau, tạo sự bình đẳng, không thiên vị bất cứ bên nào.

Lan Hương

Chia sẻ bài viết