31/05/2017 - 09:29

Tập thể dục – giải pháp tốt nhất chữa rối loạn giấc ngủ

Hàng triệu người bị mất ngủ trên thế giới đang dựa vào thuốc ngủ mong có được một đêm yên giấc, nhưng nghiên cứu khoa học chứng minh có một giải pháp an toàn hơn cho họ – đó là tập thể dục.

Nhà tâm lý học Kelly Glazer Baron tại Đại học Rush cho biết trong thập niên qua đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể làm giảm chứng mất ngủ. "Chẳng hạn trong một nghiên cứu mà tôi đã làm, phụ nữ lớn tuổi bị chứng mất ngủ cho biết chất lượng giấc ngủ của họ cải thiện từ kém đến tốt từ khi tập thể dục. Họ cũng có nhiều năng lượng hơn và ít trầm cảm hơn", bà Baron dẫn chứng.

Đi bộ nhanh ngoài trời tốt cho người mắc chứng rối loạn giấc ngủ.
Ảnh: Healthy Living 

Theo Shawn Youngstedt, nhà nghiên cứu về giấc ngủ của Đại học bang Arizona, thể dục không tác dụng nhanh bằng thuốc ngủ, nhưng nếu xét đến những nguy cơ tiềm tàng của thuốc, cách nghĩ này sẽ thay đổi. "Thuốc ngủ cực kỳ có hại, giống như hút 1 gói thuốc lá mỗi ngày. Không chỉ gây viêm nhiễm, dễ té và mất trí nhớ khi về già, chúng còn trở nên vô hiệu sau vài tuần sử dụng", ông Youngstedt giải thích. Vì vậy, tập thể dục là cách ít tốn kém, lành mạnh và dễ áp dụng hơn.

Tin vui cho hàng triệu người bị ngưng thở khi ngủ – chứng bệnh nguy hiểm khiến người ta tạm ngừng thở khoảng 1 phút vào ban đêm, là tập thể dục cũng giúp ích cho họ. Christopher Kline, nhà nghiên cứu giấc ngủ trong lĩnh vực y học thể thao của Đại học Pittsburgh, cho biết nghiên cứu của ông chứng minh tập thể dục giúp giảm 25% triệu chứng ngưng thở khi ngủ trong vòng 12 tuần.

Trong một nghiên cứu khác, chuyên gia Youngstedt phát hiện tập thể dục cũng giúp giảm triệu chứng do hội chứng chân không nghỉ (Restless Legs Syndrome – RLS) ở mọi lứa tuổi. RLS là một rối loạn thần kinh, xuất hiện khi chân (hoặc các bộ phận khác như cánh tay hay mặt) ngứa, nóng ran hoặc chuyển động bất ngờ. Kiểu cử động không thể cưỡng lại này thường xảy ra vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.

Nói chung, các chuyên gia nhận định việc tìm ra giải pháp an toàn và lành mạnh để khắc phục các chứng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ và RLS rất quan trọng, bởi ngủ không yên là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, tiểu đường và béo phì.

Tập thể dục bao nhiêu là đủ?

Hầu hết các nghiên cứu về giấc ngủ đều khuyến cáo mọi người tập thể dục với cường độ vừa phải khoảng 150 phút/tuần, kết hợp rèn luyện sức mạnh hoặc sức bền cơ bắp 2 lần/tuần. Chuyên gia Kline cho biết đi bộ nhanh, đi xe đạp, dùng máy tập tại chỗ hay bất cứ hình thức vận động nào làm tăng nhịp tim mà chúng ta vẫn có thể nói chuyện được trong khi tập đều được xem là tập thể dục vừa phải. Ngoài ra, tập thể dục ngoài trời cũng giúp ích cho giấc ngủ, bởi ánh sáng tự nhiên có thể thúc đẩy giấc ngủ bằng cách hỗ trợ điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể – chuyên gia Youngstedt khuyến cáo. 

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết