27/06/2018 - 21:43

Mở hướng liên kết, gia tăng hiệu quả kinh tế cho nhà nông 

Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở TP Cần Thơ đã mở hướng liên kết giữa các thành viên với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp để cùng phát triển các dịch vụ hậu cần từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho thành viên và nông dân tham gia hợp tác cùng với HTX. Hướng đi này đã tạo đột phá, từng bước gia tăng hiệu quả kinh tế cho nhà nông, góp phần nâng tầm hoạt động của HTX nông nghiệp trong tình hình mới.  

HTX nông nghiệp Đại Lợi ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã đưa máy sạ lúa công nghệ mới vào sử dụng nhằm phục vụ tốt nhu cầu gieo sạ cho xã viên và nông dân.

Năng động 

Theo Liên minh HTX TP Cần Thơ, toàn thành phố có 118 HTX nông nghiệp, trong đó nhiều HTX vừa năng động phát triển sản xuất, vừa tiên phong triển khai các dịch vụ hậu cần từ sản xuất đến tiêu thụ đầu ra cho thành viên và nông dân tham gia sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Bước chuyển này đã giúp các HTX thích nghi với cơ chế thị trường, tạo liên kết mạnh mẽ giữa các thành viên với nhau và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp với HTX nông nghiệp. Điển hình trong lĩnh vực này là HTX nông nghiệp Đại Lợi ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã mạnh dạn đầu tư phát triển các trạm bơm nước; đồng thời phát triển thêm các dịch vụ cày xới, gặt đập, sấy khô để phục vụ tốt cho 22 thành viên cũng như nông dân tham gia làm ăn với HTX. Ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lợi, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: Để xã viên và nông dân chủ động xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, năm 2012, HTX nông nghiệp Đại Lợi đã huy động nhiều xã viên cùng nhau góp vốn, khởi đầu làm dịch vụ bơm tát.  HTX nông nghiệp Đại Lợi đã từng bước xây dựng được 10 trạm bơm, mỗi trạm có công suất bơm tát phục vụ cho khoảng 100ha; giá dịch vụ bơm tát từ 60.000 đồng-80.000 đồng/công (1.000m2). Không chỉ đầu tư các trạm bơm nước, HTX còn liên kết thực hiện dịch vụ cày xới; đầu tư thêm máy sạ lúa công nghệ mới, có khả năng sạ được 5 ha lúa/ngày, giúp giảm được 50% lượng giống so với gieo sạ thủ công. Hiện, HTX  nông nghiệp Đại Lợi còn đầu tư được lò sấy lúa, có công suất sấy khoảng 80 tấn lúa/ngày... Theo ông Đào Minh Tuấn, phát triển đa dạng các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp không chỉ hỗ trợ cho 22 thành viên của HTX chủ động được các khâu trong hoạt động sản xuất mà còn giúp anh em có thêm thu nhập ngoài trồng lúa. Song song đó, giúp nông dân hợp tác cùng với HTX tiết giảm chi phí trong quá trình sản xuất, tăng năng suất và chất lượng đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với phương châm phục vụ tối đa lợi ích cho xã viên và nông dân tham gia hợp tác với HTX trên các cánh đồng lớn, HTX nông nghiệp An Xuân, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ đã vận động các thành viên có sẵn máy móc, thiết bị cơ giới hóa hiện đại cùng thực hiện các dịch vụ bơm tưới, cài xới, chăm sóc, thu hoạch; đầu tư 4 lò sấy và một kho trữ lúa có quy mô dự trữ 1.300 tấn… góp phần đảm bảo chất lượng lúa để cung ứng cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, HTX nông nghiệp An Xuân còn đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa đầu ra với giá ổn định cho nông dân cùng làm ăn với HTX. Ông Nguyễn Văn Xuân, ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Trước đây, nông dân trồng lúa phải tự lo việc tìm kiếm nhân công làm đất, gieo sạ, bón phân, phun xịt, bơm nước, gặt lúa đến việc vận chuyển, phơi sấy lúa và bán lúa còn phải nhờ đến “cò lúa” mới bán được… Nhưng khi vào HTX, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều có HTX hỗ trợ nhà nông chỉ cần tập trung chăm sóc lúa sao cho đạt năng suất và chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Phạm Hữu Bích, Giám đốc HTX nông nghiệp An Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Vụ lúa thu đông 2018, HTX đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện  dịch vụ hỗ trợ đầu vào và bao tiêu lúa đầu ra cho hơn 310 hộ nông dân ở xã Thới Xuân, Đông Thắng và Thới Đông, huyện Cờ Đỏ với tổng diện tích hơn 350ha. Ước tính, năng suất vụ này đạt từ 6-6,5 tấn/ha, với giá bán trên 5.400 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí nông dân còn lãi trên 20 triệu đồng/ha. Do đó, mô hình cung ứng dịch vụ trong các HTX nông nghiệp đã giải quyết tốt các vấn đề đầu vào và đầu ra, góp phần gia tăng thu nhập cho xã viên và nông dân cùng làm ăn với HTX, giúp cho các HTX từng bước nâng cao năng lực nội tại, thu hút doanh nghiệp cùng tham gia.

Vẫn cần hỗ trợ 

Hiện, mô hình liên kết thực hiện dịch vụ hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ đầu ra của các HTX nông nghiệp đã phát huy hiệu quả liên kết hợp tác giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đa phần HTX nông nghiệp cung ứng dịch vụ ở TP Cần Thơ vẫn còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ bơm tát, thu hoạch hay đầu tư mở rộng kho bảo quản, lò sấy... Theo ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lợi, huyện Cờ Đỏ, hiện các trạm bơm của HTX đều sử dụng máy bơm thô sơ có công suất thấp nên HTX tốn khá nhiều chi phí cho khâu bơm tát nước vào đầu vụ sản xuất. Ngoài ra, với diện tích canh tác gần 1.000ha như hiện nay, HTX cũng chưa đủ điều kiện trang bị đủ máy gặt trong khâu thu hoạch, chưa thể mở rộng kho tạm trữ lúa hay phục vụ nhu cầu sấy lúa cần thiết cho nhà nông mỗi khi vào chính vụ. Vì vậy, HTX mong muốn ngành nông nghiệp và các ngành chức năng thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) để giúp cho HTX đầu tư trạm bơm điện, mở rộng kho trữ lúa, phát triển thêm lò sấy lúa,... phục vụ tốt cho bà con xã viên và nông dân canh tác ở các cánh đồng lớn trong và ngoài HTX.

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tuyển chọn được 7 HTX để triển khai hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong Dự án VnSAT. Trong đó, hỗ trợ cho HTX nông nghiệp An Xuân, huyện Cờ Đỏ đầu tư tổ hợp cống điều tiết và trạm bơm kết hợp là 4,5 tỉ đồng...; hỗ trợ cho HTX nông nghiệp Đại Lợi, huyện Thới Lai phát triển thêm kho trữ lúa và lò sấy là 5,3 tỉ đồng; tổ hợp cống điều tiết và trạm bơm kết hợp là 4,3 tỉ đồng... Cùng với nguồn vốn hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ Dự án VnSAT, sự năng động phát triển đa dịch vụ của các HTX nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng tập trung với quy mô lớn. 

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết