21/04/2009 - 20:26

Làm gì để nâng cao vai trò giám sát của đại biểu Hội đồng Nhân dân ?

Các đại biểu HĐND thành phố khảo sát khu vực quy hoạch cồn Cái Khế, phục vụ hoạt động giám sát công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tại Sở Xây dựng.

Giám sát là chức năng quan trọng của Thường trực, các Ban và mỗi đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND). Cùng với sự điều hành của UBND, thời gian qua công tác giám sát của HĐND đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết của HĐND, thúc đẩy kinh tế- xã hội (KT-XH) của địa phương phát triển. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, công tác giám sát của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND, nhất là ở cấp quận, huyện còn một số hạn chế nhất định, hiệu quả giám sát chưa cao. Vì vậy, vào cuối tháng 3 vừa qua, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để công tác giám sát của HĐND đi vào thực chất và hiệu quả hơn?”, nhằm tìm ra giải pháp chấn chỉnh nâng cao chất lượng công tác giám sát.

* Chất lượng, hiệu quả giám sát chưa đạt yêu cầu

Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND (cùng với chức năng quyết định), bao gồm giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tại các kỳ họp và giữa hai kỳ họp HĐND. Hoạt động giám sát là một trong những cơ sở để giúp HĐND phát hiện những hạn chế, bất cập trong thực hiện để kịp thời sửa đổi và quyết định những chủ trương sát hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhận định về hoạt động giám sát của HĐND thành phố, bà Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố, nói: “Nhìn chung, công tác giám sát của Thường trực và các Ban, đại biểu HĐND thành phố đảm bảo theo luật định, từng bước đi vào nền nếp, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình giám sát, các đoàn giám sát mạnh dạn trao đổi, đóng góp ý kiến cho các đơn vị được giám sát, sau giám sát kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy, kiến nghị UBND thành phố những vấn đề cần quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển KT-XH ở địa phương, nhằm góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND thành phố”.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát còn nhiều khó khăn, chất lượng giám sát chưa đạt yêu cầu, nhất là HĐND cấp quận huyện. Ông Nguyễn Hữu Lý, Phó Chủ tịch HĐND quận Cái Răng, nhìn nhận: “Nhìn chung, thời gian qua, HĐND quận chú trọng hoạt động giám sát, số cuộc và chất lượng giám sát từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, đôi lúc hiệu quả giám sát chưa được như mong muốn, do thời gian dành cho hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND chưa nhiều, kế hoạch giám sát chưa sâu, chưa tập trung vào các vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm”. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Lý, bên cạnh đó vẫn còn có một số cuộc giám sát chỉ giới hạn trong việc nghe báo cáo, mà không “đeo bám”, đôn đốc kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các kiến nghị sau giám sát. Một hạn chế nữa là thành viên các Ban của HĐND quận hoạt động kiêm nhiệm, nên nghiệp vụ chuyên môn các lĩnh vực chuyên sâu còn hạn chế. Mặt khác, một số đại biểu tham gia giám sát nghiên cứu chưa sâu, còn ngại va chạm, chưa làm tròn chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu HĐND trong khi thực hiện chức năng giám sát. Cùng quan điểm này, ông Lương Thanh Hải, Phó Chủ tịch HĐND quận Ô Môn, cho biết: “Ở quận Ô Môn, thời gian qua hoạt động giám sát còn những hạn chế, như: Chương trình giám sát chưa sâu, chưa tập trung vào các vấn đề cử tri và dư luận quan tâm. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kết quả sau giám sát chưa hiệu quả. Chưa quan tâm tổ chức giám sát lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo...”.

Ông Trần Ngọc Nhẫn, Phó Chủ tịch HĐND quận Bình Thủy, cho biết: Để tăng cường công tác giám sát, ngoài việc tổ chức giám sát theo chương trình, kế hoạch của HĐND quận, Thường trực HĐND quận còn phối hợp với Quận ủy, Ủy ban Nhân dân làm việc với các ngành, phường về KT-XH, để lắng nghe ý kiến của cử tri. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, ông Trần Ngọc Nhẫn thừa nhận: “Thời gian qua, hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp chưa nhiều, ít có giám sát chuyên sâu, chuyên đề, một số cuộc giám sát còn hình thức; giám sát lĩnh vực, vấn đề chỉ giới hạn ở mức độ nắm tình hình...”.

Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu HĐND băn khoăn nhất là kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan, ban hành, thủ trưởng các đơn vị quan tâm thực hiện. Trong khi đó, chưa có quy định, hay ràng buộc pháp lý cụ thể nào về trách nhiệm giải quyết kiến nghị của đoàn giám sát. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chất lượng và hiệu quả giám sát của HĐND thời gian qua chưa như mong muốn.

* Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát?

Đây là vấn đề trăn trở đối với lãnh đạo HĐND các cấp. Mới đây, Thường trực HĐND thành phố đã cùng Thường trực HĐND các quận, huyện thảo luận sâu vấn đề này. Ông Nguyễn Hữu Lý, Phó Chủ tịch HĐND quận Cái Răng, đề nghị: Trước nhất, cấp ủy phải quan tâm tạo điều kiện để HĐND thực hiện vai trò giám sát. Đại biểu HĐND phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho hoạt động giám sát, không ngại va chạm và phải có năng lực, hiểu biết nhất định về lĩnh vực giám sát. Trước khi giám sát phải tổ chức khảo sát trên diện rộng các vấn đề có liên quan để phản biện, không nghe báo cáo một chiều. Ngoài ra, thành viên đoàn giám sát phải nghiên cứu các tài liệu, báo cáo có liên quan, giám sát và kiến nghị sau giám sát. Đồng thời, tái giám sát các vấn đề đã giám sát, nhằm đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng yêu cầu. Ông Trần Ngọc Nhẫn, Phó Chủ tịch HĐND quận Bình Thủy, cho rằng: “Một trong những vấn đề quan trọng để hoạt động giám sát hiệu quả là phát huy vai trò của Tổ đại biểu HĐND. Bởi vì, họ là những người gắn chặt với cơ sở, hiểu rõ các vấn đề bức xúc của cử tri ở địa phương, những ý kiến, kiến nghị của họ sẽ sát thực tế hơn...”.

Để khắc phục những mặt yếu kém tồn tại, ông Lương Thanh Hải, Phó Chủ tịch HĐND quận Ô Môn, khẳng định: Để phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện nhân dân ở địa phương, thời gian tới HĐND quận sẽ cải tiến hình thức và nội dung giám sát, chú trọng giám sát các lĩnh vực được cử tri và dư luận quan tâm, như: Thu, chi ngân sách, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư; khiếu nại tố cáo của công dân; các lĩnh vực đất đai, môi trường... HĐND quận cũng sẽ tiến hành phân công Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND bám sát cơ sở để lắng nghe, ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri; đồng thời, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, của các đoàn giám sát đối với cơ quan, đơn vị được giám sát. Những trường hợp chậm giải quyết do trì trệ, né tránh trách nhiệm sẽ được thông tin công khai tới cử tri biết”. Trong tham luận của mình, ông Lâm Văn An, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả giám sát, tất yếu phải đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng hoạt động của HĐND, đảm bảo đầy đủ biên chế cán bộ chuyên trách phục vụ hoạt động HĐND và nhất là phải nâng cao chất lượng, cơ cấu đại biểu HĐND cho phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ ở từng lĩnh vực”.

Bà Trần Thị Kim Một, đại biểu HĐND thành phố, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nhận xét: “Hoạt động của các địa phương, sở, ngành suôn sẻ, thì nghị quyết của HĐND mới hiệu quả, đi vào cuộc sống. Do đó, giám sát là cùng nhau tháo gỡ khó khăn, qua đó đề xuất các giải pháp thực hiện”. Từ nhận định đó, bà Trần Thị Kim Một đề nghị: “Đại biểu phải nắm rõ vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật khi giám sát. Nếu không sẽ dễ “cho qua” những thiếu sót. Giám sát phải chỉ ra cho được cái được và chưa được, đảm bảo các vấn đề được thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân”.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND thành phố, chỉ đạo: “UBND thành phố cần có những giải pháp khắc phục, hoặc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, quận, huyện có giải pháp khắc phục những vấn đề còn hạn chế, những lĩnh vực hoạt động còn yếu kém mà kết quả giám sát của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND đã chỉ ra và kiến nghị; đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, chủ trương, nghị quyết của HĐND thực sự đi vào cuộc sống, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ”. Đồng chí cũng yêu cầu Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND thành phố và các địa phương kiện toàn tổ chức, bộ máy ở những nơi còn thiếu do chia tách; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao chất lượng giám sát.

***

Quốc hội đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở một số tỉnh, thành (không có TP Cần Thơ), nhưng nhiệm kỳ HĐND đương nhiệm lại được kéo dài đến năm 2011 (thay vì năm 2009). Do đó, Thường trực HĐND các quận, huyện cần quan tâm củng cố tổ chức, khắc phục tồn tại, tăng cường vai trò trách nhiệm trong giám sát, thực hiện tốt nghĩa vụ “đại diện” cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, góp phần giúp các cơ quan chuyên môn, UBND thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết