12/05/2024 - 21:07

Đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng

Cử tri quận Thốt Nốt phản ánh tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cử tri đề nghị ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn. Nội dung trả lời của Công an TP Cần Thơ như sau:

- Thời gian qua, Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-5-2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Năm 2023, Công an thành phố đã viết 54 tin, bài tuyên truyền về phòng, chống tội phạm công nghệ cao, cách sử dụng mạng xã hội, cách nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao và cách phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng hiện nay... Đồng thời, khởi tố điều tra 52 vụ phạm tội liên quan đến công nghệ cao, so với cùng kỳ năm 2022 phát hiện nhiều hơn 48 vụ, gồm: 43 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; 6 vụ sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; 2 vụ mua, bán trái phép chất ma túy qua mạng xã hội; 1 vụ môi giới mại dâm qua mạng xã hội. Đấu tranh, triệt xóa 29 điểm đánh bạc qua hình thức sử dụng mạng xã hội, bắt xử lý 311 đối tượng.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng trên cả nước nói chung và địa bàn thành phố nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Những phương thức, thủ đoạn phổ biến vẫn là: (1) giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án để thông báo bị hại có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật; giả danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ vay tiền; (2) giả danh nhân viên bưu điện yêu cầu chuyển tiền phí để nhận bưu kiện; hack tài khoản Zalo của bị hại để yêu cầu người thân chuyển tiền; (3) dụ dỗ bị hại đăng nhập và nạp tiền vào tài khoản trên app (ứng dụng) tìm việc làm và cung cấp các đơn hàng trên web để bán hàng; (4) các đối tượng sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để giả dạng khuôn mặt, giọng nói của người nhà, bạn bè... nạn nhân để gọi điện qua các nền tảng ứng dụng điện thoại trực tuyến như Facebook, Zalo, messenger... để lừa nạn nhân chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng ảo, không chính chủ để chiếm đoạt tiền, tài sản của nạn nhân... 

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết