Nhằm đảo ngược xu hướng suy giảm dân số của đất nước, Chính phủ Iran đang hạn chế phá thai. Nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ phá thai bất hợp pháp để chấm dứt tình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Theo trang thống kê toàn cầu Worldometer, có hơn 73 triệu ca phá thai được thực hiện trên thế giới vào năm 2024. Ảnh: Public Health Post
Theo số liệu từ Bộ Y tế Iran, có hơn 600.000 ca phá thai trái phép được thực hiện tại nước này mỗi năm. Các chuyên gia cho biết tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và thiếu chính sách an sinh xã hội là những yếu tố góp phần khiến phụ nữ Iran lựa chọn phá thai, bất chấp những rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân.
Hồi tháng 11-2021, các nhà lập pháp Iran đã thông qua một đạo luật mang tên “trẻ hóa dân số và hỗ trợ gia đình” để gia tăng dân số quốc gia. Theo đó, phá thai trong trường hợp có mối đe dọa đến tính mạng của người mẹ/thai nhi chỉ được phép thực hiện khi có sự cho phép của một hội đồng gồm 1 thẩm phán, 1 bác sĩ do tòa án chỉ định và 1 bác sĩ pháp y. Những bác sĩ hoặc phẫu thuật viên thực hiện phá thai bất hợp pháp có nguy cơ bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn, bị phạt tù từ 2-5 năm và bị phạt tiền nặng. Ngoài ra, bộ luật dân số này còn xem mọi hình thức triệt sản là phạm tội, bao gồm các thủ thuật như thắt ống dẫn tinh và thắt ống dẫn trứng. Các biện pháp tránh thai cũng không còn được cung cấp miễn phí tại các trung tâm y tế hoặc hiệu thuốc.
Tuy nhiên, bộ luật dân số của Iran sau đó nhanh chóng bị lên án. Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ trích bộ luật đã vi phạm trực tiếp quyền con người của phụ nữ theo luật pháp quốc tế và kêu gọi Iran bãi bỏ luật.
Bên cạnh đó, bộ luật cũng bắt buộc các phòng xét nghiệm phải đăng ký dữ liệu bệnh nhân theo hình thức trực tuyến. Điều này nhằm cho phép xác định và xử phạt những phụ nữ mang thai nếu sau đó họ không sinh con, mà phá thai bất hợp pháp. Còn Luật hình sự Hồi giáo thì cho phép người chồng báo cáo việc vợ mình đi phá thai.
Tuy nhiên, các chuyên gia LHQ cho biết dữ liệu mà họ thu thập được cho thấy việc hình sự hóa hành vi chấm dứt thai kỳ đã không giúp làm giảm số lượng phụ nữ Iran phá thai. Thay vào đó, nó khiến nhiều phụ nữ phải mạo hiểm mạng sống của mình bằng cách trải qua các thủ thuật phá thai bí mật và không an toàn. Việc giới chức Iran hạn chế phụ nữ chấm dứt thai kỳ cũng biến nước này thành một thị trường chợ đen đang bùng nổ về thuốc phá thai. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Iran, 60% số ca phá thai được thực hiện tại nhà bằng thuốc, 30% tại phòng khám và 10% tại các “cửa hàng thảo dược” bằng chế phẩm thảo dược.
Tiến sĩ Parvin Delshad, bác sĩ và giảng viên tại Đại học Queensland (Úc), nhận định những luật hạn chế như tại Iran chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong ở bà mẹ thông qua “phá thai chui”. Bà cho biết bất kể phá thai được thực hiện tại nhà bằng thuốc hay can thiệp phẫu thuật đều phải được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn tính mạng cho thai phụ. Ngoài ra, những phụ nữ có kế hoạch phá thai cũng cần đảm bảo không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục để tránh nguy cơ nhiễm trùng vùng chậu và vô sinh sau đó.
Hiện tại, dân số Iran ước tính hơn 92 triệu người và trung bình một phụ nữ nước này sinh 1,7 con. Bộ Y tế Iran cảnh báo rằng với xu hướng giảm tỷ lệ sinh hiện tại thì dân số Iran có thể giảm 50% trước năm 2100. Nhằm khuyến khích người dân sinh con, Chính phủ Iran đã đưa ra nhiều “ưu đãi” theo luật dân số. Trong đó có việc cấp 200m2 đất cho mỗi gia đình sinh con thứ 3, cấp xe mới cho những bà mẹ sinh con thứ 2 và bảo hiểm y tế đầy đủ cho những bà mẹ thất nghiệp đang nuôi từ 3 con trở lên.
NGUYỆT CÁT (Theo DW)