Năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ tiếp tục đóng vai trò là cơ quan tham mưu quan trọng của thành phố trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ vốn đầu tư công, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, phát triển… Bước sang năm 2025, Sở tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy hoạt động đảm bảo hiệu lực, hiệu quả gắn với tập trung tham mưu đề xuất các giải pháp chiến lược để thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2024, tập thể lãnh đạo Sở KH&ĐT luôn theo dõi sát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Năm 2024, thành phố ước hoàn thành 14/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó ở 4 chỉ tiêu do Sở tổng hợp và theo dõi, GRDP bình quân đạt 105,07 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với năm 2023; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,12%; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt chiếm 9,96%, 30,88%, 53,12% và 6,04% trong cơ cấu GRDP. Ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến 31-1-2025 đạt trên 95% kế hoạch vốn HĐND thành phố giao. Bên cạnh đó, Sở cũng làm tốt các công tác chuyên môn liên quan đến thẩm định, đấu thầu, giám sát, đánh giá đầu tư, thực hiện các giải pháp thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, phát triển doanh nghiệp (DN)…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thứ 5 từ trái sang) trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ.
Về quản lý đầu tư ngoài ngân sách (vốn trong nước), lũy kế đến hiện nay có 95 dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất trên 1.923ha. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 2.219 triệu USD. Thời gian qua, Sở KH&ĐT đã ký kết 33 biên bản ghi nhớ (MOU) với các nhà đầu tư. Trong năm 2024, Sở thường xuyên liên hệ, hỗ trợ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đã ký kết bản ghi nhớ với thành phố để nghiên cứu, sớm triển khai đề xuất các dự án. Năm 2024, Sở đã cấp mới 1.800 lượt hồ sơ đăng ký mới DN với tổng vốn 14.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch về số lượng DN và tăng 7,7% kế hoạch về vốn, tăng 5,6% về số lượng DN và tăng 8,3% về vốn so cùng kỳ 2023.
Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố, về đầu tư trong nước, DN của thành phố chủ yếu là vừa, nhỏ và siêu nhỏ dễ chịu tác động của những biến động thị trường. DN chủ yếu sản xuất, chế biến thô, dịch vụ giá trị gia tăng chưa cao, khó tìm kiếm các đơn hàng lớn. Thành phố cũng chưa có những DN, nhà đầu tư lớn trong những ngành có ý nghĩa dẫn dắt, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, các DN nước ngoài khi muốn đầu tư vào thành phố thường quan tâm đến nhiều yếu tố trong đó bên cạnh các yếu tố liên quan trực tiếp đến dự án, đến môi trường đầu tư còn quan tâm đến các hạ tầng thiết yếu về y tế, giáo dục, nơi vui chơi giải trí. Bởi khi vào đầu tư họ sẽ đưa gia đình đến sinh sống ổn định, lâu dài, thậm chí thu hút các nhà đầu tư cung cấp các dịch vụ phụ trợ cho ngành sản xuất chính mà ở Việt Nam chưa phát triển. Đây là những vấn đề cần lưu ý để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.
Khai thác hiệu quả các nguồn lực
Năm 2025, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác đánh giá, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng nhằm kịp thời tham mưu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trong chỉ đạo điều hành sát thực tế phù hợp với tình hình tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phối hợp tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển thành phố. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đối với các đề xuất dự án tại các bản ghi nhớ đầu tư đã ký kết trong hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư thành phố; các dự án thuộc danh mục dự án thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, lĩnh vực công nghiệp chế biến chuyên sâu, công nghiệp hỗ trợ; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở KH&ĐT, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở KH&ĐT tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư ngoài ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sẵn sàng đồng hành hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai triển khai dự án… Sở KH&ĐT cần thành lập các tổ chuyên trách về đầu tư công, đầu tư trong nước và đầu tư FDI để kịp thời giải quyết khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư. Khó đến đâu tham mưu đến đó, hướng dẫn thủ tục cho nhà đầu tư. Lãnh đạo thành phố đang nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư. Sắp tới sẽ có một số nhà đầu tư gửi đề nghị chủ trương đầu tư các khu, cụm công nghiệp và cần hỗ trợ hướng dẫn kịp thời cho nhà đầu tư.
Ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: Muốn tăng trưởng theo mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần phải quan tâm đầu tư hạ tầng, trong đó có hạ tầng logistics cả về cảng biển, cảng hàng không, các khu, cụm công nghiệp. Năm 2025 có rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, do đó Sở KH&ĐT phải tham mưu thành phố hoạch định chiến lược phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025 và trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có việc quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn như Trung tâm Thương mại Aeon Mall, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II của Tập đoàn Marubeni... khởi công trong năm 2025. Tạo điều kiện cho Công ty CP VSIP Cần Thơ để đến tháng 4, tháng 5 có nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất tại khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Cần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp - xây dựng nhất là xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, hạ tầng giao thông, quy hoạch mở rộng hạ tầng giao thông, nghiên cứu phương án giao thông trên cao, các trục metro hiện đại... Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch ở các khu vực quy hoạch logistics, bến cảng, hàng không là những hạ tầng thiết yếu, chiến lược; khai thác đấu giá quỹ đất công để tái đầu tư, tạo nguồn lực cho đầu tư, phát triển…
Bài, ảnh: MINH HUYỀN