Trước những thách thức mới nổi, đòi hỏi y tế dự phòng (YTDP) phải thay đổi toàn diện mới có thể ứng phó với các dịch bệnh mới nổi, nâng cao năng lực dự phòng. Không chỉ tăng nguồn lực đầu tư từ Nhà nước mà cần tranh thủ nhiều nguồn lực từ xã hội để phát huy tối ưu vai trò phòng, chống dịch chủ động, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hiện thực hóa chủ trương, chính sách
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở thì nơi đó hệ thống y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Còn chính quyền địa phương không quan tâm thì y tế gặp nhiều khó khăn. Thực tiễn cho thấy vai trò rất quan trọng của lãnh đạo địa phương trong việc thúc đẩy, trợ lực cho công tác YTDP phát triển.
Trạm Y tế xã Định Môn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền địa phương và ban ngành đoàn thể các cấp trong công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch tại cộng đồng. Ảnh: THU SƯƠNG
Bà Trần Thị Vĩnh Nghi, Bí thư Huyện ủy Thới Lai cho biết, về đầu tư nguồn lực cho y tế, Thới Lai thực hiện đầy đủ các nguồn lực từ tuyến trên. Huyện dành một phần ngân sách để sửa chữa, nâng cấp cơ sở, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện; xây dựng mới và nâng cấp nhiều trạm y tế với tổng kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Huyện đã đưa vào nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 xây mới và nâng cấp Trung tâm Y tế huyện và tất cả các trạm còn lại. Ngoài ra huyện cũng tranh thủ nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ y tế 1 ô tô cứu thương và nhiều thiết bị y tế như máy siêu âm màu, các hệ thống xét nghiệm… để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Theo BS CKII Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn, công tác dự phòng thực ra là chuyển hóa, cụ thể các chủ trương, chỉ đạo thành nhiệm vụ trọng tâm đến cơ sở. Thời gian qua, Trung tâm thực hiện đầy đủ các nội dung mà Đảng, chính quyền đã giao; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện các chương trình dự phòng đến cộng đồng. Bên cạnh đó, quản lý mạng lưới nhân lực tuyến xã phường, bố trí đầy đủ chức danh để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức đánh giá phát huy những thế mạnh, khắc phục những hạn chế yếu kém.
BS CKII Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Lai, cho biết, ngay từ đầu năm Trung tâm đã triển khai chiến dịch phòng, chống dịch chủ động kết hợp với vệ sinh môi trường. Trong năm, Trung tâm tổ chức hàng loạt chương trình, chiến dịch huy động nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức cộng đồng. Khi xảy ra ca bệnh, Khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm kết hợp với trạm y tế nhanh chóng xử lý dập dịch. Bám sát nhiệm vụ chủ động phòng, chống dịch, Trung tâm đặt mục tiêu khống chế không để dịch lớn xảy ra và lây lan, hằng năm các dịch bệnh giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh chuyển động của ngành y tế thành phố, một số tổ chức quốc tế cũng dành sự quan tâm đầu tư cho y tế Cần Thơ trong lĩnh vực dự phòng và khám chữa bệnh ban đầu. Theo ThS.BS Nguyễn Thanh Hà, cán bộ chương trình khí hậu và sức khỏe của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ĐBSCL là khu vực chịu tác động trầm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề về sức khỏe. Qua khảo sát hệ thống y tế cơ sở tại Cần Thơ cho thấy cán cân đầu tư lệch về phần khám chữa bệnh. Vì vậy, muốn tăng cường năng lực dự phòng nói riêng và phát triển hệ thống y tế cơ sở nói chung, cần sự chung tay, góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành và cả y tế tư nhân. Chẳng hạn để phòng tránh các bệnh lây truyền từ động vật sang người, phải có sự tham gia của ngành Thú y, ngành Nông nghiệp; hay các bệnh liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu thì ngành Tài nguyên và Môi trường không thể đứng ngoài cuộc. UNDP sẽ chính thức triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” tại TP Cần Thơ. Dự án đã được phê duyệt theo Quyết định 1164 ngày 27-5-2024 của Chủ tịch UBND thành phố. Dự án bao gồm một số hoạt động hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ trạm y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, thiết lập phòng khám chữa bệnh từ xa tại tuyến cơ sở.
Củng cố nội lực
BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, cho biết trong công tác phòng, chống dịch không thể thiếu vai trò của truyền thông. Lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe của TP Cần Thơ nhiều lần được Bộ Y tế biểu dương. Ngoài hình thức truyền thống, các đơn vị y tế hiện nay tăng cường truyền thông qua mạng xã hội. Các trung tâm y tế quận, huyện cũng đầu tư thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền như nâng cấp phần cứng, chuyển đổi cấu hình mạng hệ thống máy tính. Sắp tới với gói kinh phí từ dự án phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương có kế hoạch dành phần chi ưu tiên cho truyền thông y tế. Hy vọng với nhiều sự đầu tư từ các nguồn, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin của mạng lưới YTDP Cần Thơ sẽ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Trạm Y tế phường Trường Lạc sử dụng Zalo lập nhóm tư vấn bệnh từ xa, kết nối cán bộ y tế và người dân trên địa bàn, giải đáp các thắc mắc về các vấn đề sức khỏe. Ảnh: THU SƯƠNG
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cơ sở rất chú trọng tạo uy tín trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương. Điều dưỡng CKI Nguyễn Thị Diễm Trang, Trưởng Trạm Y tế xã Định Môn, huyện Thới Lai cho biết, nhân lực của trạm đều có trình độ từ đại học trở lên là nhờ sự đồng lòng của tập thể, tạo điều kiện cho cá nhân đi học. Trong quá trình học, anh em tranh thủ cuối tuần về Trạm tiếp khám chữa bệnh và tham gia các chương trình cộng đồng. Ngoài ra, uy tín của Trạm Y tế xã Định Môn được gia tăng nhờ sự kết nối của các thầy thuốc đến với từng hoàn cảnh neo đơn trên địa bàn. Hằng tháng, Trạm tổ chức chương trình khám bệnh ở các ấp để tầm soát sức khỏe và tư vấn các bệnh thường gặp cho người cao tuổi. Những trường hợp không có con cháu, đi lại khó khăn, cán bộ Trạm hỗ trợ phát thuốc tận nhà cho các cụ. Trạm còn dùng Zalo thành lập tổ khám bệnh từ xa, hội chẩn tư vấn bệnh cho người dân tại cộng đồng. Các bệnh mạn tính được Trạm quản lý, theo dõi chặt chẽ với hơn 1.800 người mắc bệnh tăng huyết áp và gần 650 trường hợp đái tháo đường.
Tuyến xã phường cũng dành nhiều sự ủng hộ cho y tế cơ sở. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Định Môn, chia sẻ ngoài kinh phí được phân bổ từ đầu năm cho Trạm Y tế xã là 14 triệu đồng thì trong năm có những trường hợp đột xuất, xã hỗ trợ thêm kinh phí và nhân lực. Mặc dù nguồn bổ sung thêm không nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm và chia sẻ của chính quyền địa phương đối với những khó khăn của Trạm Y tế. Lãnh đạo địa phương thường xuyên động viên tinh thần đội ngũ cán bộ y tế để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Gần đây, Trạm Y tế phường Trường Lạc đã phát huy lợi thế của mạng xã hội, tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Anh Lương Quang Vinh, Trưởng Trạm Y tế phường Trường Lạc, cho biết trong năm 2024, Trạm đã vận hành nhóm tư vấn bệnh từ xa qua Zalo để giải đáp vấn đề về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, công tác tiêm chủng, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Qua đó, Trạm cũng tranh thủ cung cấp thông tin các chương trình y tế đến cộng đồng, bà con ở địa phương cũng biết thông tin, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Năm 2024, ngành Y tế TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở. Trong đó, điểm nhấn là xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế. PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, ngành Y tế đã tập trung phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bác sĩ gia đình ở y tế cơ sở. Đồng thời tranh thủ vận động xã hội hóa đầu tư cho y tế cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến y tế cơ sở, đồng thời cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế để họ gắn bó với trạm. Tập trung vào công tác khám chữa bệnh ban đầu nhưng cũng đồng thời chú trọng các lĩnh vực dự phòng như quản lý bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, công tác dân số, an toàn thực phẩm, phòng, chống HIV, lao, tâm thần… Sở xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người dân Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm giúp ngành Y tế có nguồn lực để chủ động thực hiện các chương trình dự phòng tại cộng đồng.
NGỌC YẾN - THU SƯƠNG