Đa phần người dân thế giới nhận thấy bất bình đẳng kinh tế là vấn đề nghiêm trọng đối với đất nước của họ và sự chi phối chính trị quá mức của người giàu là nguyên nhân chính, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Chủ sạp rau củ chờ khách tại một khu chợ ở Argentina. Ảnh: AP
Lo ngại về bất bình đẳng kinh tế lan rộng hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, dẫn đến các phong trào biểu tình như “Chiếm giữ Phố Wall”. Nhưng trong khi phần lớn sức nóng xung quanh vấn đề này đã lắng xuống trong những năm gần đây, cuộc khảo sát của Pew cuối năm ngoái chỉ ra rằng khoảng cách về mức sống vẫn là nỗi bận tâm của nhiều người trên khắp thế giới.
Qua khảo sát người dân tại 36 quốc gia, nhóm nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Mỹ phát hiện 54% ý kiến đánh giá khoảng cách giàu nghèo là vấn đề “rất lớn” ở đất nước họ, trong khi 30% khác xem đây là vấn đề “khá lớn”.
Trong đó, những người Thổ Nhĩ Kỳ tham gia khảo sát bộc lộ mức độ lo ngại cao nhất, với 92% coi bất bình đẳng kinh tế là chuyện lớn, trong khi người dân Thụy Điển và Ba Lan ít lo ngại nhất (70%). Tại Mỹ, tỷ lệ này là 83%.
Theo hệ số Gini thường được sử dụng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong thu nhập, tình trạng này ở Thụy Điển và Ba Lan thấp hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2022, năm gần nhất có dữ liệu so sánh. Trong khi đó, bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ cao hơn so với phần lớn các nước châu Âu, nhưng thấp hơn Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Mỹ Latinh tham gia khảo sát.
Những “thủ phạm” chính
Trong số 6 nguyên nhân tiềm năng mà Pew liệt kê, phần lớn những người nghiêm trọng hóa bất bình đẳng đều tin rằng việc người giàu sử dụng quyền lực chính trị là thủ phạm hàng đầu.
Trong 36 quốc gia, 60% số người được hỏi cho biết ảnh hưởng chính trị của những người giàu đã góp phần “rất nhiều” vào vấn đề bất bình đẳng thu nhập, so với 26% mô tả ảnh hưởng này ở mức “khá nhiều”. Để so sánh, 48% ý kiến tin rằng hệ thống giáo dục có liên quan “rất nhiều” đến bất bình đẳng.
Nhiều người cũng cho rằng bất bình đẳng là do một số người làm việc chăm chỉ hơn những người khác hoặc một số người sinh ra đã có nhiều cơ hội hơn. Một số ý kiến đề cập các yếu tố khác, bao gồm robot và máy tính đã đảm trách công việc mà trước đây con người thực hiện và nạn phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, các câu trả lời khác nhau đáng kể theo hệ tư tưởng chính trị của người được khảo sát. Đơn cử như với câu hỏi về nguyên nhân gây bất bình đẳng, thì so với những người cánh hữu, những người cánh tả có xu hướng viện dẫn ảnh hưởng chính trị của người giàu, sự phân biệt chủng tộc và việc một số người sinh ra đã có nhiều cơ hội hơn những người khác.
Cần những cải cách mạnh mẽ
Cuộc khảo sát cũng ghi nhận sự bi quan ngày càng tăng ở các nước giàu về triển vọng kinh tế của thế hệ trẻ.
Xét ở tất cả các quốc gia, trung bình 57% ý kiến dự đoán thế hệ tiếp theo sẽ đối mặt với tình hình tài chính tệ hơn cha mẹ họ. Ở Pháp và Anh, nơi lo ngại gia tăng về nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ này lên tới 81% và 79%.
Ngược lại hoàn toàn, một số quốc gia ở châu Á và Mỹ Latinh lạc quan hơn về tương lai. Các nước như Bangladesh, Ấn Độ và Philippines bày tỏ hy vọng rằng thế hệ trẻ em tiếp theo sẽ có điều kiện tài chính tốt hơn cha mẹ họ.
Quan điểm bi quan về tương lai kinh tế chủ yếu được chia sẻ bởi cả người lớn tuổi và người trẻ, cũng như nhóm người có thu nhập thấp và cao. Do đó, nhiều người muốn chứng kiến những thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của nền kinh tế. Ở Nigeria, 94% số người được hỏi đề nghị cải cách mạnh mẽ hoặc toàn diện hệ thống kinh tế, trong khi chỉ có 29% người Singapore đồng quan điểm. Tại Mỹ, tỷ lệ này là 66%.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)