Mặc dù vitamin C có thể là dưỡng chất nổi tiếng nhất về công dụng tăng cường hệ miễn dịch, nhưng các chuyên gia sức khỏe Mỹ cho biết vitamin D cũng có nhiều tác động có lợi đến khả năng miễn dịch của cơ thể. Loại vitamin thiết yếu này đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh tự miễn.
Nhóm thực phẩm giàu vitamin D. Ảnh: Healthshots
Bệnh tự miễn là gì?
Bệnh tự miễn là những bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể mất đi khả năng nhận biết và phân biệt các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài. Tình trạng này khiến các kháng nguyên nhầm lẫn và tấn công vào chính các cơ quan trong cơ thể, trong khi không ngăn chặn các virus, vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể.
Các nhà khoa học hiện đại đã xác định được một số nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn, bao gồm: ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng, xáo trộn hệ vi khuẩn đường ruột và thiếu hụt vitamin D. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tự miễn là người từ 20-40 tuổi. Trẻ em và người già ít gặp hơn, nữ gặp nhiều hơn nam.
Vai trò của vitamin D trong phòng ngừa các bệnh tự miễn
Nhiều nghiên cứu phát hiện việc duy trì nồng độ vitamin D lành mạnh trong cơ thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tự miễn. Bởi vì vitamin D có vai trò kiểm soát tình trạng viêm và giúp nhận biết tế bào nào là “tốt” hay “xấu” - tức là tế bào nào gây nguy hiểm cho cơ thể và tế bào nào không. Loại vitamin tan trong chất béo này đã được chứng minh là có thể thúc đẩy sự biệt hóa của các tế bào T điều hòa, giúp ngăn ngừa bệnh tự miễn bằng cách ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch khác tấn công các mô của cơ thể. Hơn nữa, vitamin D còn có thể làm giảm sản xuất các phân tử gây viêm cytokine, một yếu tố góp phần vào sự phát triển và tiến triển của các bệnh tự miễn.
Hiện nay, có rất ít phương pháp điều trị hiệu quả bệnh tự miễn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc bổ sung “vitamin ánh nắng” mang lại những tác dụng hữu ích trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tự miễn.
Một số bệnh tự miễn liên quan đến thiết hụt vitamin D gồm:
+ Viêm khớp dạng thấp. Nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể góp phần gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp, cũng như có mối tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Clinical and Experimental Rheumatology, 55% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị thiếu vitamin D. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng việc tăng lượng vitamin D hấp thụ có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
+ Lupus. Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Arthritis Research & Therapy năm 2023, 42% bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống (SLE) được phát hiện thiếu vitamin D.
+ Bệnh đa xơ cứng. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Neurology and Therapy, nồng độ vitamin D thấp hơn được phát hiện có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của các tổn thương T2 mới, tức là tổn thương lớp ngoài của tế bào thần kinh do tác động của bệnh đa xơ cứng gây ra.
+ Tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy vitamin D giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và thúc đẩy mức insulin lành mạnh. Điều này có thể giải thích tại sao bệnh tiểu đường cũng có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin D. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Diabetes năm 2022, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện khoảng 49% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thiếu hụt vitamin D.
Các biện pháp bổ sung vitamin D hiệu quả
Ngoài biện pháp tự nhiên là phơi nắng sáng, chúng ta còn có thể dễ dàng bổ sung vitamin D bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, các loại cá béo, gan và bơ. Còn về lâu dài, các chuyên gia cho biết cách hiệu quả nhất để bổ sung đầy đủ và duy trì mức vitamin D ổn định là dùng sản phẩm bổ sung vitamin D. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, lượng vitamin D được khuyến nghị bổ sung hàng ngày cho người lớn từ 19-70 tuổi là 15mg hoặc 600 đơn vị quốc tế (IU). Hàm lượng cao nhất được coi là an toàn đối với người lớn là 4.000 IU/ngày.
AN NHIÊN (Theo Mindbodygreen.com)