10/01/2025 - 10:33

“Gia cố” trụ cột dự phòng trong hệ thống y tế TP Cần Thơ
Bài 3: Định vị lại vai trò của y tế dự phòng trong tình hình mới 

Gỡ khó cho y tế dự phòng (YTDP) cần quyết sách toàn diện hơn, nhất là nguồn lực về tài chính để YTDP thực hiện tròn sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ðảng, Nhà nước và Bộ Y tế đã có nhiều quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, thách thức cho hệ thống YTDP. Những chủ trương, cơ chế mới là động lực phát triển y tế cơ sở và đội ngũ cán bộ y tế làm công tác dự phòng vững tâm gắn bó với nghề.

Bộ Y tế dự kiến ban hành nhiều cơ chế đặt hàng cho hệ thống y tế cơ sở, góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng. Ảnh: THU SƯƠNG 

Phát triển đồng đều cả 3 trụ cột

Ðể củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, cuối năm 2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25-CT/TW về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Sở Y tế TP Cần Thơ đã tham mưu Thành ủy Cần Thơ ban hành kế hoạch 265-KH/TU và tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 95-KH/UBND để triển khai Chỉ thị 25. Theo PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, ngoài tăng đầu tư cho y tế cơ sở, YTDP, Bộ Y tế cần sớm có phương án tháo gỡ cho mô hình y tế ở tuyến quận, huyện và có cơ chế đặc thù cho trung tâm y tế 1 chức năng. Loại hình trung tâm này hiện không có nguồn thu từ dịch vụ, rất khó để tự chủ tài chính, thậm chí không đủ kinh phí chi trả lương cán bộ. Nếu không có biến chuyển, các trung tâm này có nguy cơ phải đóng cửa.

Trong vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở, Bộ Y tế chủ trương theo hướng chú trọng phòng bệnh và nâng cao sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Theo đó, nâng cao vai trò của hệ thống y tế tuyến đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Một trong những mục tiêu của Chỉ thị 25 là đến 2030, trên 95% dân số được quản lý sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở. Theo Quyết định 1300/QÐ-BYT về bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn đến năm 2030 thì người trên 40 tuổi phải được tầm soát các bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở phải phát triển đồng bộ 3 trụ cột: khám chữa bệnh, dự phòng và dân số. Mới đây nhất là Thông tư số 32/2024/TT-BYT ngày 15-11-2024, Bộ Y tế yêu cầu trung tâm y tế tuyến quận, huyện phải tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ của y tế cơ sở và đưa vào các chỉ tiêu của nghị quyết HÐND trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm. Ðặc biệt, trong kỳ đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, các chỉ tiêu của y tế cơ sở ở 3 lĩnh vực nêu trên phải được đề cập trong nghị quyết của đại hội Ðảng. Có như vậy, hệ thống y tế cơ sở mới phát triển đồng đều ở 3 trụ cột. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, “bỏ lơi, xem nhẹ 1 trong 3 trụ cột trên là xem như ngành y tế và địa phương đó chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Trung tâm Y tế huyện Phong Điền xuống cấp và gặp khó khăn trong nhiều mặt, trong đó có vần đề tự chủ tài chính. Ảnh: THU SƯƠNG 

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, giải quyết thách thức trong ứng phó dịch bệnh, không cách nào khác là các quốc gia phải tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh. Ðể thực hiện tốt công tác YTDP, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế cần phải có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ. Trong đó, YTDP không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. 

Cần cơ chế, đãi ngộ đặc thù

Theo BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, qua đại dịch COVID-19 ngành y tế thành phố đã đúc kết nhiều kinh nghiệm về nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Trước hết, phải tăng cường năng lực ứng phó của hệ thống y tế cơ sở; phân tuyến kỹ thuật các đơn vị y tế thực hiện chức năng vừa dự phòng vừa điều trị. Ðồng thời huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội, trong đó có y tế tư nhân đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp. Ðầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở y tế. Và quan trọng hơn hết là sự thống nhất trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND, sự phối hợp của ban ngành, đoàn thể các cấp trong công tác phòng, chống dịch.

Nói về tự chủ tài chính, BS CKII Trần Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền, kiến nghị Bộ Y tế có điều chỉnh hợp lý hơn đối với phương án tự chủ tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ thực hiện theo Nghị định 60/2021/NÐ-CP. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp công nói chung cũng như các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến quận huyện nói riêng chưa tính đủ chi phí vào giá. Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền hiện chỉ đảm bảo chi lương và các hoạt động, không đủ chi thu nhập tăng thêm cho viên chức và người lao động. Nếu không có sự thay đổi về cơ chế, sẽ rất khó cho hoạt động của các trung tâm y tế tuyến quận, huyện.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, Bí thư Quận ủy Ô Môn, để gỡ khó cho y tế cơ sở, quận chủ trương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; tăng chi cho y tế cơ sở dựa trên kết quả hoạt động và điều kiện thực tiễn; áp dụng phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản, chi trả theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe dân cư tại cộng đồng. Tăng cường nguồn lực cho YTDP, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm. Quận Ô Môn sẽ tiếp tục rà soát để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho cơ sở y tế tuyến quận và tuyến phường phù hợp với khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. 

Hiện nay, TP Cần Thơ có gần 2.000 nhân viên ở tuyến y tế quận, huyện, xã phường và gần 600 nhân viên y tế ấp. Trong 10 năm qua, 100% trạm y tế của Cần Thơ đều có bác sĩ, từ năm 2014 đến nay, tất cả trạm y tế đều đạt chuẩn y tế quốc gia và hơn 80% trạm có dược sĩ, cán bộ sản phụ khoa. Trong tình hình mới, các địa phương cùng ngành y tế triển khai nhiều giải pháp nâng cao nguồn nhân lực y tế cơ sở. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở. Rà soát vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và tuyển dụng với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tại y tế cơ sở. Ðồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở... 

Có thể nói, cơ chế tài chính là yếu tố tiên quyết cần được tháo gỡ để tăng cường nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, định hướng sẽ áp dụng phương thức Nhà nước đặt hàng và giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở. Với trung bình 10 triệu đồng mỗi năm không thể đảm bảo kinh phí hoạt động của trạm y tế. Vì thế, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành 2 thông tư rất quan trọng về định mức kinh tế kỹ thuật của khối dự phòng và định mức của gói dịch vụ y tế cơ bản của tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, hoàn thiện về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng tính đúng tính đủ để tăng nguồn thu cho y tế cơ sở, tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển đồng đều cả 3 trụ cột.

NGỌC YẾN - THU SƯƠNG

-----------

Bài cuối: Tạo đòn bẩy cho trụ cột YTDP

Chia sẻ bài viết