07/01/2025 - 23:57

“Gia cố” trụ cột dự phòng trong hệ thống y tế TP Cần Thơ
Bài 1: Xây dựng “lá chắn” bảo vệ sức khỏe nhân dân 

Y tế dự phòng (YTDP) đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mạng lưới YTDP từng bước được mở rộng và củng cố, đảm đương sứ mệnh phòng bệnh từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, mức đầu tư cho hệ thống YTDP chưa tương xứng, điều này cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Trong giai đoạn hiện nay, với nhiều thách thức phi truyền thống, nhất là dịch bệnh mới nổi, rất cần xác định lại vai trò của hệ thống YTDP để thực hiện tốt phương châm “YTDP là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” theo chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác YTDP.

Tại TP Cần Thơ, hệ thống YTDP đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của người dân thành phố. Nguồn lực đầu tư cho YTDP được thành phố quan tâm, năng lực của hệ thống YTDP từng bước được nâng chất.

Những quyết sách quan trọng

Trong kháng chiến chống Pháp, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam chưa tới 40, nhiều bệnh tật bùng phát thành dịch cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Trước tình hình đó, Bác Hồ phát động nhiều phong trào vệ sinh phòng bệnh để nâng cao sức khỏe toàn dân, đặt nền tảng cho y học dự phòng phát triển. Qua từng giai đoạn, Đảng, Nhà nước ta chú trọng công tác YTDP, xác định đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, tổ chức đảng, đoàn thể. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực cho hệ thống YTDP thích ứng với tình hình mới. Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 yêu cầu phải dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP. Đến năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ cấp bách và giải pháp thực hiện các mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trạm Y tế Định Môn là địa chỉ tin cậy của người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Ảnh: THU SƯƠNG 

Nghị quyết số 20 của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; tiếp tục đề cập việc dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác YTDP và đã góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch, giúp nước ta kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên qua đại dịch, hệ thống y tế cũng đã bộc lộ những yếu kém cần được khắc phục ngay. Tỷ lệ chi cho YTDP trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động YTDP, nhất là Chương trình trình tiêm chủng mở rộng.

Thông qua giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Quốc hội (Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24-6-2023) đã ghi nhận những bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, YTDP. Vì vậy, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị 25 là kim chỉ nam cho ngành chức năng và các cấp, các ngành, các tổ chức cơ sở đảng nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở, tăng cường năng lực ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh. Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chính của chiến lược là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, những quyết sách của Đảng và Nhà nước về YTDP đã được ngành y tế và các địa phương cụ thể hóa bằng các chương trình, hành động để phát triển hệ thống y tế. Từ đó, mạng lưới y tế của các địa phương từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân địa phương.

Thành trì phòng, chống dịch

Tại TP Cần Thơ, sự thông suốt trong công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã góp phần xây dựng và củng cố hệ thống YTDP thành phố phát triển ổn định. BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết nhiều năm qua thành phố đã thanh toán được nhiều loại dịch bệnh, chủ động kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch. Hơn 90% trẻ được tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh được kéo giảm thấp nhất; chỉ số sức khỏe và tuổi thọ của người dân không ngừng tăng cao. Tuổi thọ bình quân của người dân Cần Thơ gần 76 tuổi. Nhiều năm liền, TP Cần Thơ là điểm sáng trong công tác phòng chống HIV/AIDS, được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Hệ thống y tế cơ sở đã triển khai các chương trình tầm soát, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Các chương trình về y tế học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được kiểm soát tốt.

Cán bộ Trạm Y tế Đông Thuận (huyện Thới Lai) thường xuyên đến cộng đồng, tư vấn các vấn đề chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG

Để xây dựng được thành trì hôm nay là nỗ lực của cả hệ thống y tế và sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền. Từ ca bệnh sốt xuất huyết tử vong vào năm 2018, đến nay Trạm Y tế xã Định Môn (huyện Thới Lai) luôn trong thế chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Diễm Trang, Điều dưỡng CKI, Trưởng Trạm Y tế  Định Môn, cho biết trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là một bài học kinh nghiệm sâu sắc, nên địa phương không dám xem nhẹ công tác phòng, chống dịch. Trạm luôn giám sát chặt chẽ các nguy cơ dịch tễ, kịp thời điều tra xử lý khi có thông tin ca bệnh. Hằng năm, ngoài những chiến dịch lớn, định kỳ hằng tuần, hằng tháng, Trạm tổ chức các chương trình tuyên truyền đến cộng đồng với phương châm mưa dầm thấm lâu; từng bước nâng cao ý thức người dân. Lực lượng cán bộ, cộng tác viên y tế phủ khắp 8 ấp, thường xuyên vãng gia đến hộ gia đình.

Theo bà Trần Thị Vĩnh Nghi, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, Huyện ủy đã phân công đồng chí ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo công tác y tế của huyện. Hằng năm Huyện ủy đều đưa công tác y tế vào nghị quyết năm và cố gắng thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra. UBND huyện đưa chỉ tiêu y tế cơ sở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; chỉ đạo ngành y tế tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân từ huyện đến xã, huy động các ngành tham gia công tác y tế. Huyện ủy cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống y tế cơ sở.

Bên cạnh công tác YTDP, ngành y tế TP Cần Thơ phát triển đồng bộ chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở. Mạng lưới 80 trạm y tế toàn thành phố đều có bác sĩ, được trang bị nhiều máy móc thiết bị cơ bản phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế cơ sở ngày càng tăng. PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, YTDP và công tác dân số là 3 trụ cột làm nên xương sống của hệ thống y tế cơ sở thành phố. Tuy nhiên, công tác YTDP của TP Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, do những bất cập về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, hệ thống tổ chức y tế chưa đồng bộ, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động... Trong tình hình mới với nhiều thách thức mới, rất cần giải pháp đồng bộ để đảm bảo năng lực YTDP nhằm đảm đương vai trò then chốt trong bảo vệ sức khỏe nhân dân.

NGỌC YẾN - THU SƯƠNG

-------------

Bài 2: Thách thức của hệ thống YTDP TP Cần Thơ

Chia sẻ bài viết