Sự phát triển và biến đổi không ngừng của thế giới hiện nay đã đặt ra những thách thức mới về an ninh phi truyền thống, trong đó có vấn đề dịch bệnh. Ðại dịch COVID-19 và những hệ lụy của nó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn cầu. Thêm vào đó, những dịch bệnh mới nổi, những dịch bệnh đã được thanh toán nhiều năm qua lại quay trở lại trong 2 năm gần đây... đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác y tế dự phòng (YTDP). Hệ thống dự phòng của ngành y tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới và ngành y tế TP Cần Thơ cũng không ngoại lệ trước thách thức này.
Bảo hiểm y tế phân bổ nguồn quỹ rất thấp cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời, chưa chi trả cho tầm soát bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG
Khó khăn chồng chất
Cử nhân Y tế công cộng Nguyễn Vi Linh, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền nhớ lại thời điểm dịch COVID-19. Ban đầu, Trạm nhận thông tin chỉ đạo của Trung tâm Y tế huyện về công tác điều tra dịch tễ, sàng lọc ca bệnh dương tính, tổ chức cách ly và điều trị. "Chúng tôi bối rối lắm. Cán bộ y tế Trạm chưa từng thao tác test COVID. Chúng tôi dựa vào hướng dẫn kỹ thuật của cấp trên rồi test lẫn nhau trước khi làm cho người dân. Khi xã Tân Thới có ca bệnh, cán bộ của Trạm cùng chính quyền địa phương đến hộ dân để đưa người bệnh đi điều trị. Lúc đó, ai cũng sợ, nhưng nhiệm vụ thì phải làm. Tất cả cán bộ, nhân viên phải trực suốt nhiều tháng liền để kiểm soát và xử lý tình hình dịch bệnh tại địa phương" - anh Linh chia sẻ.
Theo anh Linh, nếu hiện nay có dịch bệnh khác bùng phát, Trạm Y tế xã vẫn ở trong tình trạng bị động. Do nhân lực của Trạm mỏng, mỗi cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị sơ sài, hư hỏng. Kinh phí cấp cho Trạm Y tế mỗi năm 10 triệu đồng bao gồm kinh phí cho các chương trình phòng, chống dịch, chưa kể chi cho các hoạt động thường xuyên bao gồm điện nước, văn phòng phẩm, vệ sinh môi trường… thì khó mà ứng phó được với các tình huống khẩn cấp.
Kết quả giám sát ngẫu nhiên của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đối với 10 trạm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ, năm 2024 có đến 8 trạm không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, tình hình cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng là trụ cột dự phòng bị xem nhẹ so với trụ cột khám điều trị bệnh. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế đều chú trọng khám chữa bệnh để tạo nguồn thu. Ðiều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ các đơn vị phải thực hiện lộ trình tự chủ chi thường xuyên.
Theo BS CKII Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn, đơn vị hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Trung tâm được giao 50 biên chế nhưng hiện có 45 người và không thể tuyển thêm vì Trung tâm không có đủ kinh phí chi trả. Mặc dù Quốc hội đã ban hành nghị quyết quy định dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác dự phòng, nhưng thực tế TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung chưa thực hiện được chủ trương này. "Chính sách khi áp dụng vào thực tiễn thì vướng những quy định ràng buộc. Ngoài ra, quy định về thù lao cho cán bộ phòng, chống dịch cũng gây tâm tư cho đội ngũ. Khi dịch bùng phát thì tất cả nhân lực của đơn vị đều ra tuyến đầu nhưng khi chi trả thù lao, chênh lệch mức hưởng giữa các cán bộ y tế, từ mức 20%-70% gây tâm lý so kè, làm mất đoàn kết nội bộ" - bác sĩ Dũng cho biết.
Một vướng mắc khác là thù lao chi cho cộng tác viên y tế ở các ấp, khu vực trong công tác điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch tại cộng đồng cũng khó. Các trạm y tế kinh phí hạn hẹp, nên không có nguồn để hỗ trợ chi phí (xăng xe, nước uống) cho lực lượng này. Ngoài ra, mỗi trạm y tế chỉ được phân bổ 5-7 biên chế nhưng lại đảm đương 18-20 chương trình, gồm cả phòng chống dịch, khám chữa bệnh và công tác dân số. Anh Lương Quang Vinh, Trưởng Trạm Y tế phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cho biết ngoài công tác chỉ đạo toàn diện, khám chữa bệnh, anh còn phụ trách 3 chương trình lớn gồm tâm thần kinh, phong - da liễu và người cao tuổi. Nhiều việc nhưng thù lao chưa tương xứng. Chẳng hạn, quy định hiện nay 1 đêm trực của cán bộ trạm y tế được trả gần 19.000 đồng, mức này có tăng thêm vào ngày nghỉ, lễ, Tết. Thu nhập thấp cũng ảnh hưởng đến việc gắn bó lâu dài với trạm y tế của cán bộ y tế, nhân viên.
Bên cạnh đó, sự không đồng nhất về mô hình trung tâm y tế tại các quận, huyện cũng gây khó khăn cho hệ thống y tế cơ sở trong lĩnh vực dự phòng. BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết, mô hình 1 chức năng hay 2 chức năng đều có ưu điểm và hạn chế. Ðối với mô hình trung tâm y tế 2 chức năng, lãnh đạo phải có tâm huyết đối với công tác dự phòng; nếu không, dễ xem nhẹ, lơ là, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch đe dọa cộng đồng. Còn mô hình 1 chức năng lại gặp khó về tài chính vì ngân sách hạn hẹp.
Thực tế nữa là, chính sách bảo hiểm y tế hiện chưa tương hợp với chính sách phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chính sách bảo hiểm y tế cũng chưa dành phần chi cho tầm soát, phòng bệnh, nên YTDP dễ bị xem nhẹ.
Trong các đợt điều tra dịch tễ, xử lý dịch, cán bộ y tế trực tiếp phun xịt hóa chất tại cộng đồng. Ảnh: THU SƯƠNG
Nguy cơ mới đặt gánh nặng lên YTDP
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn trong cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 cho trẻ em là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có sởi. Tính đến giữa tháng 12-2024, Cần Thơ ghi nhận hơn 1.000 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023, thành phố không ghi nhận ca sởi nào. Theo CDC Cần Thơ, hơn 90% trường hợp dương tính với virus sởi ở nhóm chưa tiêm, nhóm không rõ tình trạng tiêm chủng và nhóm chưa đủ tuổi tiêm ngừa. Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành Y tế thành phố đã tăng cường công tác khám và điều trị, điều tra, giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch. Cần Thơ đã xin Trung ương cấp vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho trẻ từ 1-10 tuổi và nhân viên y tế nguy cơ cao.
Dịch sởi là một trong những hệ lụy kéo dài của đại dịch COVID-19 do nhiều trẻ trong đại dịch không được tiêm chủng định kỳ và tiêm nhắc theo lịch. Sau đại dịch, tình trạng khan hiếm vaccine cũng ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng cho trẻ. Cùng với dịch sởi, hiện nay có nhiều loại bệnh truyền nhiễm bao gồm các bệnh đang lưu hành, bệnh tái nổi và mới nổi cũng đe dọa sức khỏe cộng đồng, như sốt xuất huyết và tay chân miệng. Anh Lương Quang Vinh, Trưởng Trạm Y tế phường Trường Lạc cho biết, sốt xuất huyết và tay chân miệng xuất hiện quanh năm và dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch theo chu kỳ. Năm nay địa phương lại có thêm những ca mắc sởi mà nhiều năm qua không có. Bên cạnh đó còn có các bệnh theo mùa, bệnh truyền nhiễm do môi trường, nguồn nước ảnh hưởng đường tiêu hóa, hệ hô hấp, cũng tạo áp lực lớn đến y tế địa phương.
Trong tháng 12-2024, một dịch bệnh "bí ẩn" ở Congo đã dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan đến các quốc gia trên thế giới. Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ được cho có nguồn gốc từ châu Phi cũng gây lo lắng cho toàn cầu. Ngoài bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa, ung thư… là những bệnh do lối sống không lành mạnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa, với rất nhiều biến chứng cho sức khỏe. Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2023 của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong; có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhi và hơn 55% bệnh nhân có biến chứng về tim mạch, thần kinh, thận, mắt. Tại Cần Thơ, theo thống kê của ngành Y tế, trong nhóm người từ 40 tuổi trở lên thì có 30% mắc bệnh tăng huyết áp và 18% mắc đái tháo đường. Sự gia tăng các loại bệnh tật truyền nhiễm và không lây nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân, mà còn tạo áp lực lên hệ thống y tế, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội và cả cộng đồng. Trong khi nếu làm tốt công tác YTDP sẽ hạn chế bớt các nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
NGỌC YẾN - THU SƯƠNG
-------------
Bài 3: Ðịnh vị lại vai trò của YTDP trong tình hình mới