23/10/2012 - 22:21

Hoàn cảnh sống và những tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ

Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Thần kinh diễn ra ở New Orleans (Mỹ) vừa qua, các chuyên gia về sức khỏe đã công bố nhiều nghiên cứu có cùng nhận xét cho rằng những đứa trẻ lớn lên trong những nghịch cảnh cuộc sống, chẳng hạn đói nghèo hay bị hành hạ về thể xác và tinh thần, có thể dẫn đến những thay đổi về chức năng của não bộ cũng như sự phát triển thể chất khi trưởng thành.

Hoàn cảnh sống thời thơ ấu ảnh hưởng đến sự phát triển trí não

Trong bản báo cáo trình bày ở hội nghị, Tiến sĩ Eric Pakulak thuộc Đại học Oregon phát hiện rằng, những người trưởng thành trong hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp có khả năng ghi nhớ thấp hơn những người sống trong những gia đình khá giả. Để có được kết luận này, Tiến sĩ Pakulak đã yêu cầu 72 người tham gia (đều ở tuổi trưởng thành) hoàn thành một bài kiểm tra trí nhớ bằng cách ghi nhớ các ký tự trong một dãy câu. Kết quả cho thấy, những người lớn lên trong hoàn cảnh xã hội từ trung bình đến khó khăn chỉ có thể ghi nhớ 2 từ trong khi những người có hoàn cảnh sống tốt hơn có thể nhớ đến 4 từ.

Sống trong môi trường lành mạnh và nhận được sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ rất có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ về sau. Ảnh: Funderstanding. 

Không chỉ vậy, môi trường sống còn tác động không nhỏ đến kích thước các vùng khác nhau của não. Suzanne Houston, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Nam California cho biết, nếu xét trên phương diện tổng thể, kích thước của các vùng não dường như không có sự thay đổi lớn. Nhưng trên thực tế, qua những kiểm tra và tính toán, các nhà khoa học phát hiện những yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ của trẻ em. "Chúng tôi phát hiện con cái của những gia đình có nền tảng giáo dục tốt thì vùng hạch hạnh nhân (amygdala) kiểm soát cảm xúc nằm ở tâm của não nhỏ hơn – nghĩa là khả năng tự chủ tốt hơn, và con của những gia đình có thu nhập cao hơn thì phần não bộ chịu trách nhiệm về trí nhớ và khả năng vận dụng từ ngữ (Hippocampus) cũng lớn hơn", Houston kết luận.

Theo Tiến sĩ Pakulak, quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về hoàn cảnh xuất thân rất hữu ích. Chẳng hạn, ông đã thiết lập các khóa học dành riêng cho những gia đình có con nhỏ và hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn, mục đích là giúp cha mẹ cải thiện hành vi để giảm bớt căng thẳng tinh thần (stress) và giúp con của họ điều chỉnh hành vi và nâng cao nhận thức trong vòng vài tuần. "Sau tám tuần, chức năng vùng não đảm nhiệm ghi nhớ và chọn lọc ở nhóm trẻ được chúng tôi rèn luyện ngang bằng với những đứa trẻ được sống trong môi trường khá giả" Pakulak phấn khởi kết luận.

Ngoài ra, hội nghị còn lắng nghe kết quả từ một nghiên cứu khác do Martha Farah, Giám đốc Trung tâm Thần kinh học và Xã hội tại Đại học Pennsylvania thực hiện trong 20 năm, trong đó chứng minh trẻ em nếu được tiếp xúc với sách vở và những loại đồ chơi mang tính giáo dục cao có thể tạo tác động tích cực đến não của chúng khi bước vào lứa tuổi thiếu niên.

Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Farah đã thu thập dữ liệu từ các cuộc điều tra về đời sống gia đình của 64 người tham gia, sau đó cho tiến hành quét não của họ trong cuộc nghiên cứu kéo dài 20 năm. Bà phát hiện, sự khuyến khích nhận thức, giáo dục và chăm sóc từ cha mẹ đối với những đứa trẻ khi chúng lên 4 đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một số bộ phận của vỏ não, chẳng hạn lớp chất xám ở bên ngoài khi chúng lớn lên. Đặc biệt, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là phần vỏ não trái, có nhiệm vụ ghi nhớ ngữ nghĩa, xử lý ý nghĩa từ và kiến thức chung về thế giới.

Trong quá trình phát triển từ thời thơ ấu đến tuổi vị thành niên, các tế bào não trong vỏ não sẽ được sàng lọc lại. Khi đó, các tế bào không cần thiết được loại bỏ, vỏ não trở nên mỏng hơn. Tiến sĩ Farah cho biết, những người tham gia trong nghiên cứu nhận được sự kích thích nhận thức vào lúc nhỏ qua kiểm tra cho thấy họ có vỏ não mỏng và phát triển hơn hẳn.

…và cả thể chất

Tiến sĩ Layla Banihashemi thuộc Đại học Pittsburgh cho biết hoàn cảnh sống lúc nhỏ ngoài tác động đến sự phát triển trí óc còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nghiên cứu của bà cho thấy những người từng bị ngược đãi trong thời gian dài khi còn nhỏ dễ bị tăng huyết áp khi đảm trách những công việc có tính chất căng thẳng. Và hậu quả là họ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Banihashemi đã yêu cầu 155 người lớn khỏe mạnh, với độ tuổi trung bình 40, hoàn thành bài trắc nghiệm về những biến cố làm tổn thương tâm lý thời thơ ấu. Kết quả cho thấy, huyết áp ở những người lúc nhỏ không bị tổn thương hoặc tổn thương ở mức độ nhẹ chỉ tăng từ 2.73-4.71mmHg (so với mức bình thường là 90mmHg) khi đối mặt với những tình huống căng thẳng, trong khi tỷ lệ tăng huyết áp ở nhóm những người từng bị sang chấn tâm lý ở mức trung bình hoặc sâu sắc trong thời thơ ấu là 5,45 mmHg. "Những người thay đổi huyết áp với cường độ lớn và thường xuyên có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tim mạch", Banihashemi cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị, chuyên gia về stress Bruce McEwen thuộc Đại học Rockefeller cũng nhất trí với quan điểm trên khi công bố kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em bị tổn thương trong giai đoạn phôi thai và thời thơ ấu có thể thúc đẩy một chứng rối loạn tâm thần và bệnh tim trong cuộc sống sau này. "Nghiên cứu này không chỉ để hướng đến việc phát hiện, điều trị và cải thiện các nguyên nhân dẫn đến suy giảm nhận thức, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh mãn tính, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa tình trạng ngược đãi và bỏ bê trẻ em", McEwen nói.

VI VI (Theo Guardian, IANS)

Chia sẻ bài viết