23/07/2017 - 16:13

Giúp nông dân áp dụng triệt để quy trình “1 phải, 5 giảm” 

TTH - Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ luôn định hướng nông dân sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, qua đó góp phần giảm chi phí đáng kể và tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Trong vụ thu đông 2017, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) còn phối hợp với ngành nông nghiệp thành phố và nông dân tổ chức các điểm trình diễn “1 phải, 5 giảm”, hiệu quả của mô hình đã thúc đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất.

Ruộng trình diễn “1 phải, 5 giảm” của nông dân Thái Văn So, lúa đang phát triển tốt.

 

Vụ lúa thu đông 2017, Dự án VnSAT tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân ở 3 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Dự án còn phối hợp với ngành nông nghiệp thành phố và nông dân tổ chức các điểm trình diễn “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Đến nay đã tổ chức được 5 điểm trình diễn áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” với qui mô lớn, mỗi điểm trình diễn từ 2-3 ha (Thới Lai 3 điểm, Cờ Đỏ 1 điểm và Vĩnh Thạnh 1 điểm). Các điểm trình diễn sẽ minh chứng cho thấy hiệu quả của quy trình kỹ thuật canh tác mới, qua đó nông dân mới có thể mạnh dạn áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao và mang tính bền vững, cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn…

Nông dân Thái Văn So (ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai) canh tác 12 ha lúa hàng hóa, trong đó có 3 ha tham gia điểm trình diễn áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trong vụ hè thu 2017. Ông So cho biết: “Tôi áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” được 2 vụ lúa. Trước đây, tôi gieo sạ 25-30 kg/công tầm lớn, bón phân các loại trung bình 65 kg/công. Nhưng sau khi áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, giảm xuống còn 25 kg/công và phân bón còn khoảng 55 kg/công. Qua áp dụng kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả kinh tế thấy rõ so với tập quán sản xuất cũ. Với kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” giảm được chi phí sản xuất khoảng 400.000 đồng/công tầm lớn, trong khi năng suất tương đương so với tập quán cũ. Sạ thưa, bón phân cân đối nên lúa cũng ít sâu bệnh và đổ ngã so với trước đây, lúa tốt dễ bán hơn”. Vụ lúa hè thu 2017, với 12 ha lúa OM 4218, ông So thu hoạch được 84 tấn lúa, bán với giá 5.200 đồng/kg được hơn 430 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 200 triệu đồng.

Cũng theo ông Thái Văn So, tham gia điểm trình diễn “1 phải, 5 giảm”, ông được hỗ trợ 5 triệu đồng và phân bón cho lúa. Nông dân áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Theo đó, với 3 ha trình diễn mô hình, áp dụng sạ máy mật độ thưa với 80 kg/ha, bón phân cân đối và dự kiến cả vụ khoảng 430 kg/ha. Đến nay, ruộng lúa trình diễn đã được hơn 30 ngày tuổi, lúa đang phát triển tốt và ông cũng không phun xịt thuốc sâu, thuốc dưỡng. Nếu so với canh tác theo tập quán cũ  thì áp dụng “1 phải, 5 giảm” tính ra giảm chi phí khoảng 5 triệu đồng/ha. Với trà lúa hiện nay, ông So dự kiến 3 ha trình diễn sẽ cho sản lượng khoảng 20 tấn, với giá lúa trên 5.000 đồng/kg sẽ được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 55 triệu đồng. Tham gia điểm trình diễn giúp ông học hỏi thêm kỹ thuật canh tác mới để áp dụng vào sản xuất lúa ngày càng hiệu quả hơn.

Nông dân Phạm Văn Tuấn (ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ) có hơn 3 ha sản xuất lúa hàng hóa, tham gia điểm trình diễn “1 phải, 5 giảm” với diện tích 2 ha. Theo ông Tuấn, vụ hè thu 2017 sản xuất theo tập huấn cũ, gieo sạ 25-30 kg/công tầm lớn, bón phân khoảng 60-65 kg/công... Cuối vụ, với 25 công tầm lớn ông thu hoạch được 17,8 tấn lúa, bán lúa với giá 4.500 đồng/kg được hơn 80 triệu đồng. Canh tác theo tập quán cũ, chi phí còn cao nên ông chỉ còn lời hơn 20 triệu đồng. Vừa qua, sau khi tham gia lớp tập huấn huấn kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” từ Dự án VnSAT tổ chức ở địa phương, ông Tuấn quyết định tham gia xây dựng điểm trình diễn để hiểu rõ hơn về kỹ thuật canh tác mới này.

Ông Phạm Văn Tuấn cho biết thêm: “Tham gia điểm trình diễn “1 phải, 5 giảm” sạ lan 80 kg/ha, tính ra chỉ với 8 kg/1.000m2 và cũng là vụ đầu tiên áp dụng “1 phải, 5 giảm” nên áp lực rất lớn, nhất là lo lúa không đạt năng suất như canh tác theo tập quán cũ. Nhưng đến nay trà lúa đã hơn 1 tháng, thấy lúa phát triển tốt, năng suất có thể tương đương hoặc cao hơn so với canh tác theo tập quán cũ, tôi mới yên tâm”. Áp dụng “1 phải, 5 giảm” sạ thưa đỡ tốn giống, phân bón chỉ khoảng 400 kg/ha (giảm gần 200 kg so với tập quán cũ) nên tính ra giảm chi phí sản xuất được hơn 4 triệu đồng/ha. Áp dụng “1 phải, 5 giảm” lúa ít sâu bệnh, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật nên người nông dân tiếp xúc với thuốc cũng hạn chế, bảo vệ được sức khỏe của mình… l

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết