31/07/2017 - 21:10

Giữ chân lao động nông nghiệp... 

Theo nhận định từ các chuyên gia, từ nay đến năm 2020, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này và nhiều năm sau nữa, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng và là “bệ đỡ” cho các khu vực kinh tế khác phát triển. Song, một thực tế đã và đang diễn ra là nguồn lao động phục vụ nông nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt và “già hóa” nhanh chóng.

Điều kiện làm việc cực nhọc, thu nhập bấp bênh khiến nhiều lao động trẻ không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Lao động chính của nông nghiệp hiện là phụ nữ và người già, quá tuổi lao động. Không chỉ vậy, tại các trường đại học, cao đẳng việc tuyển sinh vào các khối ngành nông, lâm nghiệp lại gặp không ít khó khăn. Đây là thực trạng đáng báo động, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương vùng ĐBSCL đồng loạt triển khai.

Vì sao người nông dân lại không mặn mà với mảnh ruộng, vườn cây, ao cá bao đời gắn bó? Không khó để nhận thấy, những người sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ mình quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, do đó, họ luôn hun đúc ý chí đổi đời bằng cách thoát khỏi nghề nông.

Song song đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa diễn ra rầm rộ. Đây là “lực hút” lao động nông thôn chuyển ra thành thị làm ăn, sinh sống. Ngoài ra, với nền sản xuất nhỏ lẻ, giá nông sản bấp bênh, thu nhập ít ỏi khiến thanh niên trong độ tuổi lao động dần di chuyển lên thành phố để làm công nhân tại các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động.

Theo các chuyên gia đầu ngành, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ không có đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của ngành nông nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng là hướng đi đúng. Nếu công tác đào tạo nhân lực được thực hiện tốt sẽ làm thay đổi căn bản tư duy, nhận thức của người học qua đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Những năm gần đây, không ít trí thức trẻ, kỹ sư, thạc sĩ nhận thấy tiềm năng phát triển khu vực nông nghiệp đã “bỏ phố về vườn” lập nghiệp và thành công. Đó là những điểm sáng trong cách hiểu, cách làm nông nghiệp rất đáng trân trọng và cần được phát huy.

Xu thế phát triển ngành nông nghiệp hiện đại không phải “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mà là nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP và được vận hành, thực hiện bởi những nông dân nhạy bén, có trình độ.

Do đó, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần đề ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa trong khuyến khích, thu hút lao động nông nghiệp. Vấn đề không chỉ là giữ chân lao động tại chỗ mà còn thu hút lao động, chất xám từ các khu vực khác. Đồng thời, khuyến khích thành lập trang trại, công ty nông nghiệp để tăng khả năng đầu tư về vốn; thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại.

Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng trong việc sử dụng công nghệ để cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho lao động nông nghiệp và đề ra cơ chế, chính sách đặc thù để có những phúc lợi tốt nhất cho nông dân. 

Nhiều ý kiến cho rằng, một khi sản xuất phát triển, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ.

Do đó, các địa phương phải có kế hoạch phát triển mạnh các ngành công nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp (công nghiệp chế biến) và dịch vụ ở nông thôn để thu hút lực lượng lao động dư thừa và hạn chế dòng người đổ ra thành thị tìm việc. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ phục vụ cho sản xuất (cung ứng “đầu vào” và “đầu ra”), cải thiện đời sống vật chất và tinh thần (mua sắm, vui chơi, giải trí…) cho cư dân nông thôn. 

Tất cả mọi nỗ lực nói trên sẽ kéo dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Lúc này, nông nghiệp, nông thôn trở thành nơi đáng sống, nơi làm việc mơ ước không chỉ cho lao động tại chỗ mà còn có sức hút lao động trẻ nơi khác tìm đến. 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết