28/04/2018 - 07:22

Điều trị thành công cho bệnh nhân 10 năm bị trào ngược dạ dày thực quản 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy- 48 tuổi, ở thành phố Nha Trang - khổ sở bởi khi ăn vào lại bị nôn ngược trở ra do bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Gần 10 năm qua, không biết bao nhiêu lần chị nhập viện điều trị từ bệnh viện (BV) của tỉnh đến các BV ở TP Hồ Chí Minh nhưng bệnh không khỏi. Vừa qua, chị đã được các bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ phẫu thuật nội soi, điều trị dứt điểm căn bệnh này.

Ăn vào cứ bị trào ra

3 ngày sau ca phẫu thuật nội soi, chị Thủy tươi tỉnh chia sẻ, chị đã được ngủ ngon giấc, ăn uống dễ dàng, không còn phải chịu cảnh “ăn vào trào ra” như 10 năm nay. 

Bác sĩ La Văn Phú trò chuyện với bệnh nhân chịu đựng 10 năm căn bệnh ăn vào trào ra. Ảnh: THU SƯƠNG
Bác sĩ La Văn Phú trò chuyện với bệnh nhân chịu đựng 10 năm căn bệnh ăn vào trào ra. Ảnh: THU SƯƠNG

Khoảng 10 năm trước, chị Thủy bắt đầu phát bệnh, với các cơn ợ hơi, ợ chua, đau nóng rát vùng sau xương ức. Dần sau đó, bệnh càng nặng, chị ăn vào, thức ăn xuống dạ dày, dạ dày co bóp, đẩy thức ăn trở ngược ra. “Mỗi lần ăn như bị tra tấn, vì ăn vào là trào ngược trở ra. Bất kể thức ăn đặc hay lỏng, thậm chí tới uống sữa cũng bị trào ngược. Mỗi lần ăn, tui sợ lắm. Tôi phải ăn từ từ, rồi ngưng, đứng lên đi vòng vòng, cho thức ăn xuống, êm êm, rồi ăn thêm một chút...” - chị Thủy nhớ lại. Chưa kể, sau khi ăn xong, chị Thủy còn bị tức ngực, nhiều lần đau quằn quại, phải nhập viện cấp cứu vào lúc nửa đêm. Mấy năm sau này, bệnh nặng, chị Thủy sụt hơn 10kg.

Tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, thường xuyên bị các cơn đau khó chịu hành hạ nên hằng tháng chị Thủy đều phải vào các BV ở thành phố Hồ Chí Minh khám, điều trị. Nhiều nơi chẩn đoán chị bị trào ngược dạ dày - thực quản, điều trị nội khoa, bệnh chẳng cải thiện. Trước các cơn đau tức ngực của chị, nhiều bác sĩ chẩn đoán chị bị nhồi máu cơ tim, hay bệnh mạch vành, chỉ định đo điện tim gắng sức 2-3 lần và điều trị nhưng bệnh không khỏi.

Tìm hiểu thông tin, biết được BV Đa khoa TP Cần Thơ có thể điều trị được căn bệnh này, chị Thủy đã quyết định vào miền Tây trị bệnh.

Không nên xem nhẹ triệu chứng ban đầu

Bác sĩ CKII La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật cho chị Thủy, cho biết: Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản là một rối loạn đường tiêu hóa mà các chất chứa trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Bình thường tâm vị, chỗ nối thực quản với dạ dày, giống như một cái van giúp thức ăn trong dạ dày không bị trào lên thực quản trong lúc dạ dày co bóp. Còn người bệnh, do cơ chỗ tâm vị bị nhão, nên các chất chứa trong dạ dày trào lên thực quản.

Khi bệnh, các chất trong dạ dày - gồm: thức ăn, dịch vị (có axit) - trào lên làm bệnh nhân viêm thực quản. Triệu chứng hay gặp: bệnh nhân ợ hơi, đau tức nóng rát vùng sau xương ức, tùy mức độ viêm mà đau tức, nóng rát nhiều hay ít, đặc biệt triệu chứng này nhiều vào ban đêm. Từ triệu chứng đau tức, nóng rát vùng sau xương ức, mức độ dữ dội dễ làm chẩn đoán nhầm là cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim. Tình trạng trào ngược làm viêm thực quản, nếu không điều trị sẽ loét, thủng thực quản hoặc xuất huyết tiêu hóa. Trường hợp loét lâu ngày có thể dẫn đến ung thư.

Nguyên nhân chính xác gây bệnh chưa được biết rõ, nhưng một số yếu tố thuận lợi dễ gây ra bệnh như: uống rượu bia, ăn sô-cô-la, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, uống thức uống có cồn, ăn quá cay, hút thuốc, đặc biệt là ăn trễ vào buổi tối.

Theo bác sĩ CKII La Văn Phú, bệnh này thường gặp, tùy theo mức độ mà có biểu hiện trên lâm sàng cũng như mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh càng nặng, mức độ ảnh hưởng càng nhiều. Đa số các trường hợp được điều trị bằng nội khoa: thay đổi lối sống, chế độ ăn uống dễ tiêu, ăn nhiều trái cây và quan trọng là phải ăn cơm tối trước khi đi ngủ ít nhất 2-3 giờ, khi ngủ nên nằm ở tư thế kê cao đầu. Bệnh nhân có thể dùng thuốc trung hòa axit và thuốc ức chế tiết dịch vị ở giai đoạn sớm bệnh cũng có thể khỏi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cần phải chỉ định phẫu thuật. Chỉ định phẫu thuật nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc bệnh nhân không muốn điều trị uống thuốc lâu dài. Hiện nay, kỹ thuật khâu xếp nếp đáy vị kiểu Nissen được áp dụng nhiều nhất và được xem là tiêu chuẩn vàng để điều trị bệnh này. Về phẫu thuật, có thể mổ mở hoặc nội soi. Với trình độ của phẫu thuật viên và trang thiết bị hiện đại, đa số đều được phẫu thuật nội soi. Kỹ thuật này được thanh toán Bảo hiểm y tế.

Bác sĩ Phú khuyến cáo, bệnh nhân có các dấu hiệu: cảm giác đau tức, nóng rát thượng vị, xương ức, ợ chua, nên đến bác sĩ chuyên khoa về tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, chưa có biến chứng.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết