08/11/2018 - 08:44

Để đôi bên cùng hưởng lợi 

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có lợi thế trong sản xuất nguồn nguyên liệu và cung ứng sản phẩm nông, thủy sản, gia súc, gia cầm… Đây là những sản phẩm mà các nhà phân phối, siêu thị, doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhu cầu hợp tác rất cao. Ngược lại, thị trường ĐBSCL cần các nguồn hàng thủy hải sản tươi, đông lạnh, hồ tiêu, dòng sản phẩm về yến…  Tại Hội nghị Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và doanh nghiệp ĐBSCL vừa diễn ra mới đây, nhà sản xuất và phân phối 2 địa phương có dịp trình bày yêu cầu, tiêu chí thu mua, phân phối nhằm đi đến sự liên kết, hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng hưởng lợi…

Doanh nghiệp ĐBSCL và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Tăng Quang Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Hội nghị nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp 2 địa phương; hình thành mối liên kết bền vững; tạo cơ hội hợp tác phát triển thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Tham gia hoạt động kết nối lần này có 15 doanh nghiệp đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu và 19 doanh nghiệp của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, với các ngành hàng chủ lực: rau củ quả, nông sản chế biến, gạo, thủy hải sản chế biến, bánh kẹo, hồ tiêu, thực phẩm đóng hộp, dòng sản phẩm về yến... Về phía TP Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ Triển lãm TP Cần Thơ đã mời đại diện Ban Quản lý chợ Trần Việt Châu, đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart, đại diện chuỗi cửa hàng tiện lợi SatraFoods… nhằm giúp tỉnh bạn hình thành chuỗi cung ứng các đặc sản của Bà Rịa - Vũng Tàu trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Đông Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “Trong những năm gần đây, hoạt động kết nối giao thương trở thành giải pháp quan trọng trong xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Đồng thời, đề xuất hướng liên kết giữa khâu sản xuất, tiêu thụ, phân phối hàng hóa một cách thiết thực. Với thông điệp “Liên kết để tăng sức cạnh tranh, kết nối để mở rộng thị trường”, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mong muốn bên cạnh việc kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa, các bên có thể cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới công nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường… Về phía ngành chức năng tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và nhà phân phối tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả”.

Để việc kết nối mang lại kết quả, tại Hội nghị các doanh nghiệp đến từ 2 địa phương cung cấp những thông tin về sản phẩm chủ lực mà đơn vị đang đầu tư, sản xuất; quảng bá giới thiệu các sản phẩm lợi thế; trình bày mong muốn kết nối, hợp tác làm ăn... Ông Hà Văn Thống, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Xanh Cần Thơ, chia sẻ: “Đến với buổi kết nối giao thương, chúng tôi mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm rau quả, trái cây, sản phẩm chăn nuôi đến tiêu thụ tại thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, đã thực hiện kết nối được với Công ty cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây để lấy hồ tiêu về tiêu thụ tại thị trường Cần Thơ”. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong rừng Forny, cho biết: “Chúng tôi muốn đem đến cho người tiêu dùng ĐBSCL các dòng sản phẩm mang thương hiệu Forny như: Mật ong nguyên chất, sữa ong chúa, tinh dầu nghệ, tinh nghệ vàng, rau má đậu… Sản phẩm của Forny đã có mặt tại hơn 1.000 siêu thị, nhà thuốc trên toàn quốc. Và lần này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt tại thị trường ĐBSCL”.  

Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐBSCL là nơi có vùng nguyên liệu nông, thủy sản, vườn cây ăn trái quy mô lớn. Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp 2 địa phương đi đến làm ăn, kết nối lâu dài. Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hạnh Phúc, cho biết: “Người tiêu dùng ngày nay có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. ĐBSCL có nhiều vườn cây ăn trái, rừng tràm… rất thích hợp với nghề nuôi ong lấy mật. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với các nhà vườn có diện tích từ 5-10ha để phát triển đàn ong, tìm nguồn mật phù hợp”. Tại Hội nghị, doanh nghiệp đến từ 2 địa phương cũng thông tin: Đối với mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, người dân có xu hướng ưa chuộng và tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACPP... Đối với các mặt hàng thực phẩm công nghệ, chế biến, người tiêu dùng ưu tiên chọn những sản phẩm có uy tín thương hiệu, bao bì đẹp, thông tin rõ ràng.

Như vậy, mong muốn liên kết hợp tác trong vấn đề cung - cầu đã được nhà phân phối, sản xuất 2 địa phương thể hiện rõ. Song để việc liên kết thành công, yêu cầu đối tác phải có năng lực cung cấp hàng ổn định, thường xuyên. Kế đến, sản phẩm phải được đăng ký nhãn hiệu; tuân thủ đúng quy cách đóng gói; chất lượng đảm bảo đúng như Giấy Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoặc Sổ Công bố chất lượng sản phẩm được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền; cung cấp Giấy Chứng nhận Chất lượng sản phẩm do Sở Y tế cấp hoặc Đăng ký Chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng các tỉnh, thành cần thực hiện liên kết để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Có như vậy mới tạo ra nguồn hàng với số lượng lớn, ổn định; chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết