31/07/2017 - 21:02

Cần “công bằng” hơn cho vùng ĐBSCL 

Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), bức tranh kinh tế ĐBSCL có nhiều gam màu sáng: tổng sản phẩm trong nước, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ… tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định: Cùng với cả nước, kinh tế ĐBSCL sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Phương Nam.

 

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: Những tháng đầu năm 2017, vấn đề của kinh tế ĐBSCL là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến thủy sản (tôm và cá tra). Đây là vấn đề mới xuất hiện gần đây, không phải do nhu cầu tăng đột biến mà do sự thay đổi cấu trúc ngành nghề. 

Điển hình ở ngành hàng cá tra: giá cá giống tăng vọt rất cao do chuyển đổi của những người làm giống sang ngành nghề khác vì lỗ lã từ nhiều năm trước khiến cá giống bị khan hiếm.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xói lở bờ sông, bờ biển, hay như tình trạng heo hơi giảm giá mạnh người chăn nuôi thua lỗ lớn… đã và đang diễn ra, tác động xấu đến hoạt động sản xuất và dân sinh của người dân ĐBSCL.

Đáng lưu ý là tình trạng cát xây dựng tăng đột biến trong thời gian ngắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ nhiều công trình xây dựng lớn, trọng điểm của vùng. Tất cả những vấn đề này là những nguy cơ tiềm ẩn tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL.

Một vấn đề khác khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt chính là tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Theo VCCI Cần Thơ, tăng trưởng kinh tế của vùng những năm 2006- 2010 trên 10%, 2011-2015 trên 8%, đến 2016 chỉ còn khoảng 7%...

Dễ nhận thấy nhất là ngành nông nghiệp - một thế mạnh riêng có của vùng. Theo đó, những năm trước đây, ngành này tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm rồi giảm còn 5% và 2 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 3%.

Đi liền kề với suy giảm kinh tế là hiện tượng di dân đã và đang xảy ra rất nhiều ở các tỉnh ven biển – có thế mạnh về khai thác nuôi trồng thủy sản, như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Ngay như tỉnh thuần về nông nghiệp, như An Giang cũng có tỷ lệ di dân khá cao…

“Kinh tế dựa vào lợi thế về nông nghiệp, thủy sản đã không đủ sức giải quyết công ăn việc làm, thu hút người lao động… Khoảng 30 năm trước, ĐBSCL chiếm khoảng 22% dân số của cả nước nhưng hiện nay chỉ khoảng 19,6%. Tỷ lệ tăng dân số trung bình của vùng hiện chỉ khoảng 0,4%  thấp hơn phân nửa so với tốc độ tăng dân số của cả nước. Đây là những thách thức mới đối với khu vực ĐBSCL. Nó biểu hiện tình trạng suy giảm kinh tế khiến một bộ phận dân cư di chuyển sang các vùng miền khác tìm kế sinh nhai” – ông Võ Hùng Dũng nhận định.

Cần “công bằng” hơn cho ĐBSCL

Theo các chuyên gia kinh tế, dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng kinh tế ĐBSCL vẫn còn nhiều lợi thế phát triển ở 3 khía cạnh quan trọng. Đó là: ĐBSCL có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ tương đối ổn định với mảng xanh của vườn cây ăn trái, sông nước… thích hợp cho phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng.

Nông nghiệp nhà kính kết hợp với năng lượng tái tạo được dự báo sẽ là một hướng đi mới cho vùng ĐBSCL trong việc phát triển xuất khẩu nguồn nông sản, nhất là nguồn nông sản sạch. ĐBSCL có lợi thế về địa chính trị với vùng biển Đông và biển Tây thích hợp phát triển ngành du lịch, năng lượng gió, dầu khí, cảng biển...

Bên cạnh đó, vị trí địa lý tiếp giáp trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - TP Hồ Chí Minh, nối kết các địa phương miền Đông Nam bộ, Campuchia, các nước tiểu vùng sông Mekong… mở ra nhiều cơ hội giao thương là những thuận lợi lớn cho phát triển.

So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của vùng ĐBSCL tăng 6,45%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,5%; tổng  mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,1%... Toàn vùng thu hút 67 dự án đầu tư nước ngoài mới với vốn đăng ký khoảng 1,7 tỉ USD. Số dự án thu hút thấp hơn so với cùng kỳ nhưng số vốn đăng ký cao hơn. Cũng trong thời gian này, toàn vùng có khoảng 4.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 30.816 tỉ đồng…

Tuy nhiên, muốn phát huy được các lợi thế trên, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng: “Cần đối xử công bằng với ĐBSCL”.

Bởi lẽ, theo các tổng hợp, nghiên cứu của TS Huỳnh Thế Du trong những năm vừa qua, sự quan tâm, đầu tư của trung ương đối với ĐBSCL là có, nhưng còn hạn chế nhiều hơn so với nhiều vùng miền khác trong cả nước.

Điều này thể hiện ở việc mức thu nhập và thu - chi ngân sách bình quân đầu người. Điển hình: Giai đoạn 2010-2014, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL khoảng 26,327 triệu đồng, đứng thứ 3, sau Đồng bằng sông Hồng (35,736 triệu đồng/người/năm) và Đông Nam bộ (khoảng 68,637 triệu đồng/người/năm).

Tuy nhiên, giai đoạn này, thu ngân sách bình quân đầu người ở vùng ĐBSCL khoảng 3,256 triệu đồng/người/năm) và mức chi ngân sách bình quân đầu người của vùng khoảng 4,585 triệu đồng/người/năm thuộc hàng thấp nhất so với các vùng miền khác trong cả nước.

“Có gì đó chưa “công bằng” đối với vùng ĐBSCL – nơi vựa lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chiếm phần lớn tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu gạo, thủy sản… của cả nước. Các nhà khoa học, nhà quản lý,… cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để ĐBSCL có nguồn ngân sách đầu tư từ trung ương trong phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư… Từ đó, tạo lập, hình thành và thúc đẩy những nhân tố cơ bản của nền kinh tế: xây dựng lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh, giữ chân người giỏi và khuyến khích người giàu cùng phát triển kinh tế vùng trong tương lai” – Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất.

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư từ trung ương, nhiều công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL đã được đưa vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, những trục đường  kết nối giữa các địa phương trong vùng còn yếu. Vùng ĐBSCL thiếu trung tâm logistics lớn; thiếu trung tâm về công nghiệp, công nghệ và ứng dụng…

Tất cả những điều này hạn chế rất nhiều việc thúc đẩy hiệu quả các ngành hàng đang có, như: lúa gạo, cá tra, trái cây... và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế của vùng.

“Vì vậy, trung ương và các địa phương trong vùng cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bởi chỉ có gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông thì mới có thể thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy kinh tế vùng phát triển” – ông Võ Hùng Dũng nói. l

Bài, ảnh: H.Triều

Chia sẻ bài viết