01/09/2009 - 20:15

Hỗ trợ lãi suất vốn vay để nông dân mua máy móc nông nghiệp

Cần có cơ chế thoáng hơn

Nông dân tìm hiểu về máy gặt đập liên hợp tại Hội chợ triển lãm “Máy móc nông cụ, thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2009” tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được diễn ra từ 28-8 đến 4-9-2009.

Mới đây, tại tỉnh Vĩnh Long, Cục Chế biến, Thương mại, Nông lâm thủy sản và Nghề muối (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Báo Nông nghiệp tổ chức Hội thảo “Giới thiệu kỹ thuật sử dụng hiệu quả các tính năng trên máy nông nghiệp và hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ”. Nhiều vấn đề được nêu lên nhằm đề xuất tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp...

BỨC XÚC NHU CẦU CƠ GIỚI HÓA

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Cơ giới hóa trong nông nghiệp đang trở thành một yêu cầu cấp thiết trước tình trạng nhân công lao động ở nông thôn ngày càng thiếu do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Mặt khác, trước yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, cần tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất để có thể nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh”.

Theo Tiến sĩ Bảnh, nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch lúa, nông dân có thể thu hoạch 3-5ha lúa/ngày/máy, với chi phí khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/ha. Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH còn giúp giảm 3% lượng lúa thất thoát trong thu hoạch. Trong khi cắt lúa bằng tay, một nhân công chỉ cắt được 1.000 m2 (0,1 ha) lúa/ngày và phải cần thêm nhân công gom và tuốt lúa, tính ra phải mất chi phí từ 2-2,6 triệu đồng/ha và chất lượng lúa gạo có thể bị giảm do việc thu hoạch bị kéo dài. Không chỉ trong sản xuất lúa, mà trong chăn nuôi và sản xuất các loại cây trồng khác như: cây ăn trái, mía... cũng vậy. Hiện nay, trong ngành nông nghiệp đã có nhiều loại máy được sử dụng như: máy xay trộn, cắt, ép thức ăn chăn nuôi; máy làm đất, máy thu hoạch mía...

Theo thống kê, khâu sạ, cấy lúa, hiện mới có 15-20% diện tích lúa ở ĐBSCL được nông dân sử dụng máy gieo sạ. Trong khi sạ hàng giúp giảm lượng lúa giống, phân bón, lại ít sâu bệnh, năng suất lúa có thể tăng 0,5 tấn/ha. Hiện nay, nông dân đã sử dụng máy sạ hàng gắn vào máy kéo nên có thể sạ được 3-5ha lúa/ngày, không như trước đây kéo tay chỉ sạ được 5-7 công/ngày. Ở khâu thu hoạch lúa, nông dân ĐBSCL đang sử dụng 3.400 máy gặt xếp dãy và khoảng 3.000 máy GĐLH để thu hoạch lúa giải quyết gần 30% diện tích thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Với giá máy GĐLH của Việt Nam, Trung Quốc sản xuất hiện trên 200 triệu đồng/máy, nếu nông dân mua máy chỉ phục vụ cắt lúa nhà với diện tích một vài héc-ta thì lãng phí nhưng làm thêm dịch vụ là rất hiệu quả. Với giá thu hoạch máy GĐLH là 1,6 triệu đồng/ha lúa, trừ đi chi phí có thể lời 1-1,2 triệu đồng/ha, 1 vụ lúa làm dịch vụ được 100 ha thì chỉ trong vòng 1 năm là có thể thu hồi vốn đầu tư máy.

KHÓ TIẾP CẬN VỐN VAY

Tại nhiều hội chợ nông nghiệp trong vùng, khi có các gian hàng trưng bày các máy móc mới về nông nghiệp luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân. Nhiều nông dân cho biết, họ đến các hội chợ với mong muốn tìm hiểu thêm về chất lượng, các tính năng, hiệu quả của máy, cũng như giá cả, để đi đến quyết định đầu tư. Nhiều loại máy GĐLH đang có vốn đầu tư khá lớn, nông dân muốn mua phải vay thêm vốn ngân hàng.

Theo nông dân, trong điều kiện lý tưởng, một máy GĐLH mới thu hoạch được 200 ha lúa/năm và chủ máy có thể thu hồi được vốn đầu tư ngay sau 1 năm mua máy. Nhưng trên thực tế, để thu hồi vốn cho một máy GĐLH có vốn đầu tư trên 200 triệu đồng, người đầu tư mua máy phải mất từ 3 năm trở lên. Nguyên nhân do việc sản xuất lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL còn manh mún do nhiều thửa ruộng có diện tích nhỏ và có địa hình cách trở không thuận lợi cho việc đưa máy vào thu hoạch. Hơn nữa, việc sản xuất lúa được xuống giống tập trung nên thời gian thu hoạch lúa tại các cánh đồng thường đồng loạt và chỉ kéo dài khoảng 15-20 ngày nên khi nhiều người có nhu cầu thuê thì máy không đáp ứng kịp. Chưa kể, tình trạng có sự cạnh tranh làm dịch vụ của nhiều máy GĐLH trên cùng một cánh đồng và việc máy bị hư hỏng ngay trong những thời điểm quan trọng cũng ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thu hồi vốn.

Ông Trần Văn Quý (ở ấp An Thạnh Đông, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) có 3ha lúa, ông đang dự định mua một máy GĐLH. Tham quan tại Hội chợ triển lãm “Máy móc nông cụ, thiết bị vật tư phục vụ sản xuất Nông nghiệp & Phát triển nông thôn năm 2009” được tổ chức tại huyện Vũng Liêm, ông Quý cho biết: “Giá nhân công cắt lúa đã ở mức 200.000 đồng/công nhưng vào thu hoạch lúa đông ken, rất khó thuê nhân công cắt và gom lúa. Vì vậy, tôi muốn đầu tư mua GĐLH. Song, để mua một cái máy có giá vài trăm triệu đồng thì vấn đề vốn là khó khăn lớn nhất. Hơn nữa, tôi cũng như nhiều nông dân còn chưa am hiểu nhiều về các loại máy GĐLH. Hiện nay, trên thị trường có các loại GĐLH do Việt Nam sản xuất và hàng nhập khẩu. Hàng Nhật thì chất lượng bảo đảm nhưng giá quá cao, trên 450 triệu đồng/cái, hơn gấp đôi so với hàng lắp ráp trong nước và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, loại máy này lại không nằm trong danh mục máy được hỗ trợ vay vốn”. Ông Lâm Văn Khiêm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Hiện nay, phần lớn các loại máy bán trên thị trường là hàng Trung Quốc và hàng lắp ráp trong nước, với thời gian bảo hành sản phẩm chỉ có 6 tháng hoặc 1 năm. Trong khi đó, phần được bảo hành chủ yếu là động cơ và hộp số của máy...”.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 497/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Theo đó, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng khi mua máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp (do trong nước sản xuất) đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết, giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2009. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nông dân vẫn còn gặp khó và chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất này.

Nhiều nông dân kiến nghị, Nhà nước nên kéo dài thời hạn giải ngân vốn hỗ trợ lãi cho nông dân đến năm 2010 để có thêm nhiều người được vay vốn. Mặt khác, cần mở rộng các loại máy trong danh mục, tạo thuận lợi hơn cho nông dân mua các loại máy móc nông nghiệp tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Cụ thể, Nhà nước nên tăng thời hạn trả nợ vốn vay cho nông dân khoảng 3 năm trở lên, đồng thời có quy định cụ thể thêm về việc hỗ trợ lãi suất đối với những loại máy lắp ráp trong nước có một số bộ phận, linh kiện phải nhập ngoại. Thẩm định và công bố rộng rãi đến những người nông dân về danh sách các loại máy móc nông nghiệp có uy tín, chất lượng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất để nông dân thuận lợi trong việc lựa chọn mua máy. Đồng thời, xem xét hỗ trợ lãi suất cho nông dân, ngư dân khi mua các loại máy nông nghiệp thuộc hàng nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được (máy phục vụ đánh bắt thủy sản xa bờ có động cơ từ 100-120 mã lực trở lên); kiến nghị ngân hàng nên cho thế chấp tài sản ngay trên những máy mà họ đã mua...

Theo Quyết định số 497/QĐ-TTg việc vay vốn của nông dân được tiến hành theo cơ chế thủ tục thông thường, tức phải có giấy quyền sử dụng đất (QSDĐ) để thế chấp, nhưng trước đó phần lớn nông dân đã vay vốn và đã thế chấp QSDĐ cho ngân hàng. Vì vậy, để được vay hỗ trợ lãi suất nông dân buộc phải vay “nóng” bên ngoài để trả nợ ngân hàng, rút QSDĐ ra. Hơn nữa, theo thủ tục nông dân phải mua máy móc trước để có hóa đơn mua hàng nộp vào ngân hàng mới được hỗ trợ lãi suất. Chính vì vậy, dù được hỗ trợ nhưng nông dân chưa được hưởng lợi nhiều và khó tiếp cận vốn vay từ chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (gọi tắt là QĐ 497) tính đến nay cả nước cho vay 812,26 tỉ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ. Trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện 752 tỉ, chiếm 92,6%, ngân hàng thương mại nhà nước và Quỹ Tín dụng Trung ương 797,37 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 98,2%.Tuy nhiên, nhìn lại chỉ có 7/37 Ngân hàng thương mại cổ phần có dư nợ hỗ trợ lãi suất theo QĐ 497. Các Ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và các công ty tài chính chưa có dư nợ hỗ trợ lãi suất.

Qua ý kiến đề xuất của chính quyền địa phương và nông dân, chúng tôi nhận thấy việc đề nghị gia hạn thời gian cho vay đến năm 2010 là phù hợp thực tế. Mặt khác, danh mục các mặt hàng cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp đối với những loại máy được lắp ráp tại Việt Nam nhưng có linh kiện nước ngoài, vừa đáp ứng kích cầu nhưng cũng phải phục vụ tốt thực tế sản xuất. Bộ NN&PTNT sẽ mạnh dạn đề xuất Chính phủ có cơ chế riêng đối với Ngân hàng NN&PTNT. Bên cạnh đó, việc vận dụng phương thức cho vay, khách hàng sẽ có quyền dùng tài sản sắp mua để thế chấp theo giá trị hàng hóa mua là tương đối phù hợp.

Bộ NN&PTNT sẽ sớm đề xuất xin chủ trương Chính phủ, cũng như tiếp tục tìm giải pháp tích cực, cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn để việc tổ chức thực hiện tốt QĐ 497, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân.

HÀ PHƯƠNG (ghi)


Nông dân tìm hiểu về máy gặt đập liên hợp tại Hội chợ triển lãm “Máy móc nông cụ, thiết bị vật tư phục v&#

Chia sẻ bài viết