22/10/2012 - 20:21

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ DINH DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN (16-23/10/2012)

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em

Một bà mẹ đang thực hành nấu cháo dinh dưỡng tại ấp Thới Bình, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ sẽ rất tốt cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bà mẹ nuôi con nhỏ còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Do đó, việc tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ và thai phụ sẽ góp phần rất lớn trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.

Trong 2 ngày 12-10 và 17-10-2012, đã có 2 buổi tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng kết hợp với các hoạt động giáo dục truyền thông dinh dưỡng được tổ chức tại nhà người dân ở ấp Thới Bình (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) và xã Trường Thành (huyện Thới Lai), TP Cần Thơ. Cờ Đỏ và Thới Lai là hai địa phương có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao hơn các quận, huyện khác, bởi kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng chăm sóc trẻ nhỏ của người dân còn nhiều hạn chế. Hàng tháng có từ 1 hoặc 2 buổi thực hành dinh dưỡng được tổ chức lần lượt tại các xã trên địa bàn hai huyện này.

Buổi thực hành dinh dưỡng ở ấp Thới Bình, có gần 30 bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tham dự. Đa số họ là người dân tộc Khmer, sinh sống bằng nghề nông hoặc làm thuê, làm mướn; việc chăm sóc con nhỏ thường được giao phó cho ông, bà hoặc gửi nhờ nhà hàng xóm. Kinh tế gia đình khó khăn, thiếu trước hụt sau, cộng với việc ông, bà đã lớn tuổi nên việc chăm sóc trẻ khó chu đáo, đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến con cái của họ bị suy dinh dưỡng.

Vợ chồng chị D.T. H, 36 tuổi, có hai con bị suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống hằng ngày không đầy đủ thịt, cá, rau củ, sữa,… Chị H. cho biết: "Sáng sớm hai vợ chồng tôi đã gởi 2 cháu ở nhà cho bà ngoại trông nom để đi làm mướn. Đến chiều tối mới về đến nhà. Việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi của các cháu đều do bà ngoại trông coi. Tuy nhiên, bà đã già yếu nên việc chăm sóc cháu không được tốt lắm. Các bác sĩ cho biết hai con tôi đều bị suy dinh dưỡng và phải có chế độ chăm sóc thật tốt, nếu không sẽ mắc nhiều bệnh tật liên quan".

Vợ chồng chị N.T.T, ấp Thới Bình, cũng đã rất lo lắng khi biết đứa con trai đầu lòng của mình bị suy dinh dưỡng. Cháu D.V.H, 3 tuổi tuy được chị dành nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng. Cháu gầy còm, biếng ăn, thường xuyên đổ nhiều mồ hôi và quấy khóc. Chị T. cho biết: "Tôi thường mua những thức ăn bổ dưỡng như thịt, cá, lươn,… để nấu cháo cho cháu ăn nhưng cháu ăn rất ít và rất khó đút cháu ăn. Tháng nào, cộng tác viên dinh dưỡng đến cân trẻ cũng cho biết cháu thiếu cân. Có những tháng cháu bị bệnh, sụt ký rất nhanh".

Nhiều bà mẹ có mặt tại buổi thực hành dinh dưỡng đều cho rằng mỗi lần các cô ở Trạm Y tế xuống hướng dẫn nấu cháo dinh dưỡng thì các cháu ăn rất nhiều, còn khi về nhà thì các cháu lại biếng ăn. Chị P.T.M cho biết: "Tôi chỉ biết mua thịt, cá về nấu cháo cho cháu ăn. Hôm nào cháu chịu ăn tôi rất mừng, còn nếu cháu không ăn, tôi chỉ biết ráng đút ép, chứ cũng không biết nguyên nhân tại sao. Có đi dự các buổi hướng dẫn như vầy tôi mới hiểu được những chất dinh dưỡng có trong thịt cá, rau củ quả hay dầu ăn là gì, và nó giúp ích gì cho sức khỏe của trẻ. Tôi cũng biết cách chế biến hợp khẩu vị và bắt mắt hơn để trẻ thèm ăn hơn".

Buổi thực hành dinh dưỡng thường bắt đầu bằng việc cán bộ chương trình dinh dưỡng nói rõ cho các bà mẹ nắm được nguyên nhân vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng và trẻ cần được bổ sung thành phần dinh dưỡng nào để phục hồi dinh dưỡng. Kế đến là việc hướng dẫn các bà mẹ cách chế biến và nấu cháo dinh dưỡng bằng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình như thịt, cá, trứng gia cầm, các loại rau củ quả,… Cán bộ chương trình dinh dưỡng luôn chú trọng và nhắc lại nhiều lần cho các bà mẹ hiểu rõ, nhớ thật kỹ phải luôn cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm trong những bữa ăn của trẻ.

Sau khi cán bộ chương trình dinh dưỡng hướng dẫn và làm mẫu cụ thể từng bước quá trình chế biến thức ăn cho trẻ thì lần lượt sẽ có từ 1 đến 2 bà mẹ thực hành tại chỗ cách chế biến món ăn vừa được hướng dẫn. Điều này giúp cho các bà mẹ nhớ lâu hơn và cán bộ y tế có thể kịp thời uốn nắn các thao tác sai trong quá trình chế biến. Bà Bùi Thị Hằng Nga, Cán bộ Chương trình dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe TP Cần Thơ, cho biết: "Những trẻ bị suy dinh dưỡng đa số đều sinh sống trong những gia đình nghèo, đời sống kinh tế khó khăn, do đó các cháu không được chăm sóc và cho ăn uống đầy đủ như những gia đình khá giả. Chính vì vậy, trong những lần tổ chức thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng, chúng tôi luôn khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật mới, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, giàu dinh dưỡng và an toàn tại gia đình và địa phương như thịt cá, trứng gia cầm, các loại rau trồng xung quanh nhà, cây trái có sẵn tại địa phương. Đó cũng là cách tiết kiệm tiền bạc cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Việc duy trì tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng tại địa phương đã đạt được kết quả tốt, góp phần làm giảm dần tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm".

Trong những buổi thực hành dinh dưỡng luôn có hoạt động lồng ghép giáo dục truyền thông dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, thai phụ và người dân. Những tờ rơi, tờ bướm cung cấp kiến thức về dinh dưỡng được phát tận tay cho người dân, với hy vọng từng bước nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng của địa phương nói riêng và TP Cần Thơ qua từng năm.

Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển từ ngày 16-10 đến 23-10-2012 do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát động với chủ đề "Tích cực tạo ra và sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho mọi gia đình". Các hoạt động truyền thông đều hướng đến mục đích khuyến khích người dân lựa chọn mua và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, chế biến và sử dụng đa dạng mọi nguồn thực phẩm sạch và an toàn sẵn có ở địa phương, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, giúp trẻ phát triển tốt để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì, tăng cường thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu,…

Nguồn thực phẩm ở địa phương luôn sẵn có và dồi dào. Điều quan trọng là các địa phương cần tích cực phối hợp tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân, nhất là các bà mẹ nuôi con nhỏ và thai phụ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, tránh tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ trong tương lai.

Bài, ảnh: LÊ KHẢI

Chia sẻ bài viết