28/09/2010 - 21:08

THỊ TRƯỜNG SỮA TRƯỚC GIỜ “G”

Các hãng sữa ngoại tranh thủ "đẩy" giá

Người tiêu dùng hy vọng Thông tư 122 sẽ tích cực quản lý được giá sữa trong tình hình hiện nay.

Ngày 1-10, Thông tư 122/2010/TT-BTC qui định quản lý giá mới của Bộ Tài chính có hiệu lực. Thời điểm này, nhiều hãng sữa ngoại tranh thủ tăng giá các dòng sản phẩm. Trong khi đó, nhiều hãng sữa, đặc biệt là sữa nội vẫn cam kết giữ ổn định giá bán trong thời điểm này.

* Sữa ngoại tăng 7-10%

Ngay sau 10 ngày Thông tư 122 công bố, hàng loạt hãng sữa ngoại đồng loạt tăng giá bán từ 7-10%. Theo mức giá mới, sản phẩm sữa bột Meizi số 1 bán ra 362.000 đồng/hộp, Meizi số 2 là 344.300 đồng/hộp thiếc loại 900gram. Sữa bột Milax loại hộp thiếc 900gram cũng tăng lên 356.000 đồng/hộp. Sản phẩm sữa bột Friso cũng điều chỉnh mức giá tăng thêm khoảng 20.000 đồng/hộp loại 900gram, giá mới của sản phẩm Friso gold số 1 là 357.300 đồng/hộp, số 2 lên mức 382.600 đồng/hộp. Trong đợt này, hãng Nestlé cũng điều chỉnh tăng thêm 9% (trung bình 10.000 đồng/hộp) đối với các dòng sữa bột Nestlé gấu và Lactogen...

Được xem là một trong những sản phẩm đứng đầu của thị trường sữa bột tại Việt Nam, hãng sữa Abbott cũng liên tục có những đợt điều chỉnh giá. Sau đợt điều chỉnh tăng vào đầu tháng 8 ở mức 7% với các dòng sản phẩm: Similac Eye-Q Plus, Similac Gain Eye-Q Plus và Gain plus Eye-Q Plus. Đầu tháng 9, Abbott tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm 7-10% đối với các nhãn sữa như: Ensure Gold, Similac Eye-Q Plus, Similac Gain Eye-Q Plus và Gain plus Eye-Q Plus và PediaSure. Bên cạnh lý do về tỷ giá ngoại tệ tăng, giá nguyên liệu tăng, bổ sung dưỡng chất, công thức pha chế tiên tiến hơn... nguyên nhân tăng lần này được Abbott đưa ra là đổi mẫu sản phẩm mới. Cùng với Abott, nhãn sữa Anmum nhập khẩu từ New Zealand cũng tăng 10% kể từ ngày 1-9.

Chị Ngọc Anh, nhà ở đường 30 Tháng 4, than: “Vài năm nay, việc giá sữa tăng đã trở thành câu chuyện không mới. Rất nhiều nguyên nhân cho mỗi lần điều chỉnh tăng, còn người tiêu dùng lãnh hậu quả. Mặc dù vậy, do con mình đã quen dùng sữa ngoại nên phải chấp nhận”.

Tuy nhiên, không phải hãng sữa nào cũng tăng giá trước thời điểm Thông tư 122 có hiệu lực. Theo thông tin từ Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho đến thời điểm ngày 24-9, Mead Johnson Việt Nam là hãng sữa duy nhất chính thức gởi cam kết tới Bộ sẽ không tăng giá cho đến hết năm 2010. Thông tin từ các hệ thống siêu thị bán lẻ, các hãng sữa nội hiện cũng cam kết không tăng giá bất kỳ sản phẩm nào trong thời điểm này. Bà Bùi Thị Hương, đại diện Vinamilk, khẳng định: “Mặc dù hiện nay giá nguyên liệu đầu vào cũng như nhiều loại chi phí tăng, nhưng Vinamilk sẽ không tăng giá bất cứ sản phẩm trong đợt này”.

Theo Bộ Công Thương, nguyên liệu và giá sữa ở nước ngoài trong thời điểm này không tăng. Như vậy, lý do giá nguyên liệu, tỷ giá tăng mà các doanh nghiệp đưa ra như hiện nay là bất hợp lý, bởi mức điều chỉnh tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 2% mà giá sữa lại tăng 7-10%.

* Vẫn khó kiểm soát giá?

Trước sự bất hợp lý của giá sữa, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý giá, tuy nhiên các phương án không mang tính khả thi cao. Trên thực tế, đây là mặt hàng rất khó kiểm soát. Không những thế, sữa không phải là mặt hàng có thể can thiệp giá trực tiếp bởi có thể vi phạm các quy định cam kết của WTO. Thông tư 122/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-10-2010, với mục đích tìm ra phương án khả thi nhất cho việc quản lý giá sữa trong tình hình hiện nay.

Theo Thông tư 122, từ ngày 1-10-2010 các doanh nghiệp phải đăng ký giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá trong đó có mặt hàng sữa. Thông tư có 2 điểm sửa đổi so với Thông tư 104/2008/TT-BTC về quản lý giá đưa ra trước đó. Đó là bỏ quy định biên độ tăng giá 20% trong vòng 15 ngày thì mới áp dụng bình ổn giá. Thay vào đó, nếu hãng sữa tăng giá bất hợp lý thì áp dụng biện pháp bình ổn ngay. Thứ 2 là mọi đối tượng có sản xuất kinh doanh mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá của Chính phủ đều phải đăng ký giá theo quy định, không phân biệt loại hình doanh nghiệp (trước đây các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước 51% mới đăng ký giá). Theo quy định thì trong bảng đăng ký giá, doanh nghiệp phải giải thích rõ cơ cấu giá bán, chi phí, quy trình bán sản phẩm ra thị trường. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra việc đăng ký giá có phù hợp hay thị trường có hiện tượng liên kết độc quyền về giá... để có biện pháp xử lý kịp thời như thu hồi lợi nhuận chênh lệch, rút giấy phép kinh doanh...

Các doanh nghiệp kinh doanh sữa bột dùng cho trẻ dưới 6 tuổi phải đăng ký giá bán với các cơ quan quản lý giá địa phương, hoặc Cục Quản lý giá Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp có thị phần lớn hoặc Nhà nước). Trong trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh, nếu không thực hiện đăng ký giá theo đúng quy định trong thông tư sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể như đình chỉ việc thực hiện giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định không hợp lý so với các quy định hiện hành; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp có thời hạn hoặc không có thời hạn theo quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh doanh trong ngành sữa, Thông tư 122 vẫn chưa thể kiểm soát được giá sữa, do thiếu phần quản lý những mặt hàng như: sữa dành cho người mang thai, người già, người bệnh, sữa nước,... Trên thực tế, những mặt hàng này vẫn chiếm một số lượng lớn trên thị trường và số lượng tiêu thụ ngày càng cao. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, thị phần sữa nội chỉ chiếm hơn 20%, trong khi khoảng 80% thị phần là sữa ngoại. Không những thế, giá sữa tại thị trường Việt Nam cao hơn khoảng 220% so với sản phẩm cùng loại bán ở các nước như: Thái Lan, Indonesia... Theo các nhà quản lý, các biện pháp hành chính chỉ là công cụ, để việc thực thi có hiệu quả thì cần phải có sự chung sức của cả người tiêu dùng. Bởi nhiều năm qua, tâm lý sử dụng sữa ngoại của người tiêu dùng đã góp phần rất lớn cho việc “làm giá” sữa ngoại trên thị trường.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết