14/11/2017 - 12:44

Biến chứng khó lường do đái tháo đường 

Ảnh: H.HOA

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Sang, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, nhiều bệnh nhân đến khi nhập viện vì nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mù mắt, suy thận mạn, hoại tử chân... mới biết mình đã bị đái tháo đường (ĐTĐ) từ lâu. ĐTĐ là một trong 7 nguyên nhân gây chết người hàng đầu ở nước ta.

* Thưa bác sĩ, vì sao ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng?

- Khi đường huyết chỉ hơi cao hơn bình thường, chưa có các biểu hiện như: tiểu nhiều, khát nước, uống nhiều nước, sụt cân... thì ĐTĐ đã âm thầm tiến triển, làm hư hệ thống mạch máu. Chẳng hạn như tổn thương mạch máu ở đáy mắt gây mù mắt; gây suy thận mạn; nhồi máu cơ tim; gây tai biến mạch máu não; gây hoại tử chân... Có những người phát hiện bệnh ĐTĐ tình cờ khi vào bệnh viện điều trị bệnh lý khác.

Các hiệp hội ĐTĐ trên thế giới và Việt Nam đã khuyến cáo, ở người khỏe mạnh bình thường, năm 45 tuổi nên đi tầm soát bệnh ĐTĐ. Nếu kết quả bình thường, lặp lại mỗi 3 năm. Còn nếu người có yếu tố nguy cơ cao bị bệnh ĐTĐ như thừa cân, béo phì, có ba, mẹ, anh, chị, em ruột bị ĐTĐ, tăng huyết áp… thì nên đi tầm soát ở độ tuổi trẻ hơn. Nếu kết quả bình thường, 1-2 năm nên tầm soát lại.

* Cách tầm soát bệnh ĐTĐ như thế nào, thưa bác sĩ ?

- Có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh, tuy nhiên để tiện lợi cho việc tầm soát, bác sĩ dùng phương pháp thử đường huyết lúc đói qua đêm (hay đường huyết đói lúc sáng sớm chưa ăn), hoặc làm xét nghiệm HbA1c. HbA1c ≥ 6,5% là ĐTĐ, người bệnh không cần phải nhịn ăn trước đó (chú ý: xét nghiệm này đòi hỏi phải được chuẩn hóa). Đường huyết đói buổi sáng bình thường là < 5,6 mmol/L (100 mg/dL). Nếu đường huyết từ 5,6 – 6.9 mmol/L (100-125 mg/dL) tức là tiền ĐTĐ; đường huyết ≥ 7 mmol/L (126 mg/dL) là ĐTĐ. Tuy nhiên,  HbA1c và đường huyết nếu chỉ làm 1 lần thì chưa chẩn đoán ĐTĐ mà cần làm lần thứ 2 vào một ngày khác. Sau khi 2 lần liên tiếp thì mới kết luận.

Người được làm xét nghiệm tầm soát đường huyết không được nạp năng lượng (tức không ăn uống) ít nhất 8 giờ qua đêm, sáng sớm được làm xét nghiệm trước khi ăn.

* Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ bị ĐTĐ. Nguyên nhân do đâu, thưa bác sĩ?

- ĐTĐ được phân loại thành 4 nhóm lớn: ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2, ĐTĐ tuýp đặc biệt và ĐTĐ thai kỳ. ĐTĐ tuýp 2 chiếm 90% các trường hợp. Nguyên nhân do cơ thể đề kháng với insulin (một hormone do tuyến tụy tiết ra, có vai trò điều hòa chuyển hóa của các chất đường, đạm và mỡ). Cơ thể đề kháng với insulin làm cho tuyến tụy tăng tiết insulin nhiều hơn để bù trừ, duy trì được lượng đường huyết bình thường ở giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài tuyến tụy bị suy yếu, không tiết đủ lượng insulin cần thiết nữa thì lượng đường trong máu tăng cao gây ra bệnh ĐTĐ.

Hiện nay, ĐTĐ xuất hiện ở người trẻ tăng lên rất nhiều, nhất là ở các nước đang phát triển như vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các yếu tố môi trường như chế độ ăn uống không hợp lý, nạp năng lượng dư thừa vào cơ thể, ăn thức ăn nhanh, sử dụng nhiều đồ ăn thức uống ngọt, lười vận động, béo phì, thừa cân… gây ra đề kháng với insulin và đến một mức độ nào đó sẽ gây ra bệnh ĐTĐ.

* Thưa bác sĩ, nhiều người cho rằng ăn ngọt dễ bị ĐTĐ. Đây có phải là nguyên nhân?

- Ăn ngọt không phải nguyên nhân gây ĐTĐ nhưng ăn ngọt kéo dài, tích tụ nhiều năng lượng, cộng với ít vận động làm cho thừa cân, béo phì gây nên đề kháng insulin và nếu có tiền căn gia đình bị bệnh ĐTĐ thì rất dễ dẫn đến ĐTĐ. Với người có tiền căn gia đình mắc bệnh ĐTĐ, nếu biết điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện không để thừa cân và béo phì thì khả năng bệnh ĐTĐ sẽ ít hơn.  

Khi lượng đường hơi cao, người bệnh ở giai đoạn tiền ĐTĐ, các biến chứng vẫn diễn tiến như đã bị ĐTĐ. Tiền ĐTĐ vẫn có chỉ định điều trị nhưng không dùng thuốc, mà điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện thể dục để cải thiện đề kháng insulin. Sau đó, 3 tháng kiểm tra đường huyết.

 Chế độ ăn rất quan trọng với tất cả mọi người. Chế độ ăn (quy ra kcalo) tương xứng cân nặng, công việc của người đó.  Trong đó, 50-60% chất bột đường, 25-30% đạm và còn lại là lipit. Khi bị tiền ĐTĐ, ĐTĐ, bệnh nhân cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nội tiết về chế độ ăn, tập luyện phù hợp với từng người.

* Nếu bị ĐTĐ thì cần điều trị thế nào ?

- Bệnh nhân cần được điều trị kết hợp 3 phương pháp: chế độ ăn và luyện tập thể dục, dùng thuốc.  Hiện nay, nhiều bệnh nhân nghĩ rằng cứ hạ đường là đủ. Lượng đường cao hoặc thấp quá có thể không tốt cho một số đối tượng, có nguy cơ gây biến chứng. Điều trị không phù hợp hay không đúng cách sẽ gây biến chứng cho bệnh nhân.

Hơn 80% người bệnh ĐTĐ tử vong do các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não… hay tử vong vì biến chứng suy thận. Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi, điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để làm trì hoãn hay giảm thiểu tối đa các biến chứng xảy ra.

* Xin cảm ơn bác sĩ !

H.HOA (thực hiện)

Tỷ lệ gia tăng đái tháo đường ở Việt Nam đến 200%

Theo thống kê vào năm 2014 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh ĐTĐ đang ảnh hưởng đến 422 triệu người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ước tính có 7 triệu người mắc bệnh. 50% số trường hợp chưa được chẩn đoán và 60-70% chưa điều trị đúng cách.

Chia sẻ bài viết