25/06/2017 - 18:43

Yêu cầu nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu

Hiện nay, các nước trên thế giới ban hành nhiều quy định gắt gao nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm hàng nhập khẩu. Để vượt qua các rào cản kỹ thuật này, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của nước ta phải kịp thời nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường nhập khẩu và quốc tế.

Yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) là vấn đề đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đặt lên hàng đầu. Trước sức ép của xu thế tự do thương mại, để bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa trong nước, nhiều quốc gia dựng lên ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật trong thương mại, hạn chế nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Thu hoạch cá tra xuất khẩu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Theo bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia về chuỗi cung ứng và an toàn thực phẩm, Công ty Kim Delta, TP Cần Thơ, sau sự cố "bò điên" năm 1996, các nước trong khối Cộng đồng chung Châu Âu (EU) đã xây dựng khung pháp lý tổng quát về việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bắt buộc nhà sản xuất thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu của luật định tại tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Đến nay, không chỉ duy trì hệ thống luật định hiệu quả nhằm đảm bảo vấn đề ATTP, các nước EU còn khuyến khích khối tư nhân cùng gánh vác trọng trách này. Có nhiều hiệp hội và tổ chức quốc tế đã tham gia hình thành các tiêu chuẩn tự nguyện nhằm quản lý chất lượng sản phẩm như: GlobalGAP (tiêu chuẩn của tổ chức Food Plus GmbH-Đức), BRC (của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc), ASC (của Hội Đồng Nuôi trồng thủy sản Hà Lan), BAP, GMP+, FAMI-QS, ISO/FSSC 22000… Chính quyền nhiều nước không bắt buộc các sản phẩm bán trên thị trường phải đạt theo các tiêu chuẩn tự nguyện. Nhưng nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ hàng tại nhiều nước đòi hỏi phải có chứng nhận này mới mua hàng và coi như công cụ đảm bảo ATTP của sản phẩm thực phẩm đầu vào. Đây là lý do giải thích vì sao nhiều tiêu chuẩn tự nguyện do các hiệp hội đặt ra vẫn tồn tại hàng chục năm qua và nhiều nhà sản xuất thực phẩm, nông thủy sản buộc phải áp dụng.

Bà Nguyễn Kim Thanh cũng cho biết: Gần đây, Hoa Kỳ đã ban hành Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) với nhiều quy định mới nhằm kiểm soát chặt các sản phẩm nhập khẩu bằng cách chuyển trọng tâm từ ứng phó sang phòng ngừa. Các chuyên gia nhìn nhận, FSMA là một cách sâu rộng nhất trong luật ATTP của Mỹ trong hơn 70 năm qua và dẫn đến việc thực hiện các quy định chi tiết mới để đảm bảo nguồn cung thực phẩm của Hoa Kỳ là an toàn. Ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc CTRMS Việt Nam, cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, cho rằng: "FSMA dẫn đến một phương pháp tiếp cận ngăn ngừa. Các quy tắc mới được đặt ra trong luật đã thay đổi trọng tâm từ phản ứng với nhiễm bẩn và các mối nguy sang ngăn ngừa. Các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp thực phẩm phải phân tích và "lường trước" tất cả những rủi ro của thực phẩm cho người, động vật và phải ghi rõ các biện pháp đã thực hiện để ngăn ngừa trong quá trình sản xuất, vận chuyển… Điều này, đòi hỏi tất cả các nhà xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ phải trao đổi và làm việc tích cực với các người mua, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ để hiểu các yêu cầu mới và tuân thủ chúng".

Cần hành động kịp thời

Vừa qua tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo quốc tế dành cho doanh nghiệp Mekong với chủ đề "Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập". Các chuyên gia tại hội thảo khuyến cáo, doanh nghiệp tại ĐBSCL cần quan tâm cập nhật và thực hiện tốt các quy định bắt buộc về quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại các nước để giảm thiểu rủi ro về khả năng hàng hóa xuất khẩu bị trả về hay bị tiêu hủy, thậm chí bị xử phạt nặng và có thể bị cấm nhập khẩu trong những lần sau. Mặt khác, việc cập nhật thông tin và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tự nguyện được các hiệp hội đưa ra cũng rất quan trọng trong quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Theo ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc CTRMS Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật Hoa Kỳ, nhất là các quy định từ 2 cơ quan rất quan trọng là Cục Hải quan và Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nếu không sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi". Theo các quy định mới của Hoa Kỳ, hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ không chỉ bị trả về mà còn có khả năng bị tiêu hủy kèm các hình thức xử phạt bổ sung rất nặng và bị mất quyền xuất khẩu vào thị trường Mỹ nếu không đảm bảo các yêu cầu về hồ sơ thủ thục và tiêu chuẩn chất lượng. Do vậy, doanh nghiệp cần phải cân nhắc, tìm hiểu và tuân thủ tốt các quy định có liên quan trước khi xuất khẩu hàng hóa.

Ông Nguyễn Huy, Giám đốc thực phẩm Bureau Veritas Việt Nam, cho biết: FSMA được ban hành năm 2015 và đã có hiệu lực từ tháng 9-2016 đối với các doanh nghiệp có quy mô trên 500 lao động. Đến tháng 9-2017, FSMA sẽ có hiệu lực đối với các doanh nghiệp quy mô dưới 500 lao động và doanh thu trung bình trong 3 năm xuất khẩu vào Mỹ đạt trên 1 triệu USD. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, FSMA có hiệu lực từ tháng 9-2018. FSMA có một yêu cầu rất đặc trưng là buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trước hết cần có một cá nhân đủ năng lực kiểm soát phòng ngừa ATTP và phải được hoàn tất khóa đào tạo theo yêu cầu. Trước thực tế đó, Bureau Veritas Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp các bên liên quan để mở các khóa đào tạo nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, 20 năm qua, Hội đã kiên trì hỗ trợ doanh nghiệp với các chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao. Bước sang giai đoạn hội nhập mới hiện nay, Hội xác định cần thêm chương trình hỗ trợ mới và đã xúc tiến việc xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chí mang tên "hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập". Cơ quan quản lý chất lượng quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan quản lý chất lượng ngành y tế, các tổ chức kiểm định quốc tế… đã tham gia với Hội để xây dựng nhãn hiệu bộ tiêu chí này. Theo đúng lộ trình, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao quyền chủ sở hữu hợp pháp để trao lại cho doanh nghiệp.

Bài,ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết