11/10/2010 - 21:48

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng ?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2010 đạt 3,5 tỉ USD. Theo các ngành hữu quan, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong những tháng cuối năm gia tăng cả nội địa lẫn xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL cũng như cả nước tăng tốc, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tăng trưởng “bất chấp” khó khăn

Theo Bộ NN&PTNT, tại vùng ĐBSCL nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển nhanh, khá toàn diện. Cùng với phát triển sản xuất tôm sú giống, các địa phương trong vùng đã tiếp thu và áp dụng thành công công nghệ sản xuất nhiều giống nuôi mới như: cua biển, ghẹ biển, cá lăng... Song song đó, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển sôi động và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, an toàn và bền vững... Các địa phương có sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt cao trong 9 tháng đầu năm 2010 như: Kiên Giang (68.515 tấn), Sóc Trăng (71.292 tấn), Cà Mau (172.540 tấn), Hậu Giang (29.770 tấn, trong đó cá tra 13.140 tấn), Đồng Tháp (243.671 tấn, trong đó cá tra 209.215 tấn), Bến Tre (132.600 tấn, trong đó cá tra 86.000 tấn), TP Cần Thơ (132.368 tấn, trong đó cá tra đạt 114.580 tấn)...

Chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG 

Trong chế biến và xuất khẩu thủy sản, đầu năm đến nay, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL và cả nước gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi cộm lên nhất là tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến. Đối với con tôm, theo Bộ NN&PTNT, mặc dù năm nay sản lượng tôm nuôi tương đối ổn định, nhưng do số lượng các nhà máy chế biến tôm gia tăng nhanh chóng cộng với nhiều nhà máy mở rộng dây chuyền sản xuất dẫn tới sản lượng tôm nguyên liệu không đủ cho chế biến, xuất khẩu. Theo Sở NN&PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, ngay cả vào thời điểm chính vụ, nguồn tôm nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng tối đa 70 - 80% công suất chế biến... Đối với con cá tra, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), khoảng đầu tháng 8-2010 cho đến nay việc tiêu thụ đang gặp một số khó khăn nhất định như: giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm đang ở mức thấp và thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định do sự mất giá của đồng Euro so với USD đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng phát triển chậm. Không chỉ vậy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra gặp thêm các rào cản từ các thị trường như Brazil, Ukraina... Đặc biệt, mới đây nhất là động thái của Mỹ dự kiến áp dụng phương thức tính thuế chống bán phá giá mới do vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ đã ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường xuất khẩu của con cá tra ĐBSCL...

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng. Theo Bộ NN&PTNT, tháng 9 năm 2010, giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 490 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2010 đạt 3,5 tỉ USD. Thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản (chiếm tỉ trọng 18,4%), tiếp theo là Hoa Kỳ (17,9%)...

Về đích trên 4,8 tỉ USD?

Cùng với cả nước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nhiều địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm 2010. Cụ thể như: giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh An Giang đạt trên 242 triệu USD; TP Cần Thơ đạt 268,4 triệu USD; Cà Mau đạt 542 triệu USD; Sóc Trăng đạt 264,6 triệu USD... Các số liệu vừa nêu đều có bước tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2009.

Về tình hình xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng, ông Lê Văn Hừng, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận định: Thông lệ hằng năm, vào quý IV, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia tăng, đặc biệt là thủy sản phục vụ các dịp lễ, Tết... Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hoàn tất các hợp đồng ký kết, tạo đà thuận lợi cho năm mới tiếp theo. Chính vì thế, xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2010. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giá trị xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tăng do nền kinh tế thế giới hồi phục, thị trường được mở rộng, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ các nước đã và đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung đã có phần giảm, nhất là tôm sú cỡ lớn. Với sản lượng tôm đông chế biến trong 9 tháng đầu năm 2010 trên 36.000n tấn, cùng với diện tích tôm nuôi còn lại gần 10.000 ha chưa thu hoạch nên khả năng thu mua, chế biến và xuất khẩu tôm của Sóc Trăng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2010. Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm - lúa là rất tích cực và đã mang lại kết quả bước đầu. Cộng với giá tôm nguyên liệu tăng cao bình làm cho người dân phấn khởi đẩy mạnh nuôi tôm, sản lượng tôm nuôi... Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tiếp tục tăng tốc...

Theo Bộ NN&PTNT dự báo, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong những tháng cuối năm 2010 sẽ gia tăng cả nội địa lẫn xuất khẩu. Bên cạnh, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác của các nước nhập khẩu vào mùa đông lại giảm đáng kể. Đây là điều kiện thuận lợi để nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL và cả nước tăng tốc đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Với đà tăng trưởng khả quan như dự báo, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2010 của cả nước sẽ đạt khoảng 4,815 tỉ USD, cao hơn con số 4,786 tỉ USD tại dự báo tháng 7 -2010...

H.TRIỀU - X.TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết