27/03/2011 - 18:48

Xóm lúa thơm

Thu hoạch lúa thơm bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Viên Bình.

Ở đây, gần như nhà nào cũng trồng lúa thơm. Người ít thì năm bảy công, người nhiều lên đến năm bảy héc-ta. Cả cánh đồng rộng gần 1.500ha chỉ trồng độc nhất một giống lúa thơm ST5 chín vàng, tỏa hương thơm ngát. Từ ngày có cây lúa thơm ST5 xuất hiện, cái tên xóm nghèo Đào Viên, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được thay bằng một tên gọi mới: xóm lúa thơm.

* Gia đình tỉ phú lúa thơm

Chỉ tay về cánh đồng lúa chín vàng trước nhà, anh Lai Thol cười hề hề, khoe: “Thấy lúa đã hông? Toàn ST5 không đó! Hôm qua, thương lái mới vô trả 7.300 đồng/kg rồi nhưng tôi chưa bán. Vụ này cầm chắc năng suất khoảng 10 tấn/ha như chơi. Cũng nhờ trồng giống lúa thơm ST5 của kỹ sư Cua (Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng), anh em tôi ai cũng cất nhà to đùng hết”. Đối diện với nhà Lai Thol là nhà Trần Nhanh, phía sau con đường đan là nhà Trần Quêl... Tất cả đều rất bề thế và khang trang đủ thấy họ đích thực là những người khá giả ở vùng này...

Nhờ trồng lúa thơm nhiều nông dân ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề đều trở thành tỉ phú.

... Anh Lai Thol kể: Do gia đình đông anh em, nên khi ra riêng mỗi người chỉ được chia 4-5 công ruộng. Đất ít, vốn lại thiếu, nhưng cả 6 anh em đều không cam chịu cái nghèo nên cùng nhau khai phá đất hoang ven sông Mỹ Thanh để trồng thêm 2-3 vụ màu/năm. Nguồn thu từ rau màu được chuyển vào chăn nuôi và cứ thế nguồn vốn tích lũy bao nhiêu được đầu tư trở lại cho việc mua thêm đất sản xuất. Đến năm 2003, mỗi người đã có trong tay từ 13-20ha đất sản xuất lúa. Lai Thol nhớ lại: “Lúc đó cực lắm, nhưng không ai nản hết! 6 anh em đều cố gắng làm để sang nhượng thêm đất vì đất ít sẽ khó lòng thoát nghèo được chứ đừng nói chi đến chuyện làm giàu”. Trần Nhanh nói: “Anh rễ tôi luôn là người đi đầu trong mọi công việc, nhất là chuyện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ổng là đệ tử nhân giống lúa của kỹ sư Cua đó. Giống ST cũng là do ổng khởi xướng cho mấy em cùng trồng nên ai cũng có thu nhập vài trăm triệu mỗi năm hết”. Đây chính là bước ngoặc quan trọng của 6 anh em trên bước đường vươn lên thành tỉ phú.

* Sức lan tỏa của ST5

Sau thành công của anh em nhà Lai Thol, đến năm 2007, trên địa bàn xã Viên Bình (trước đây chỉ trồng lúa Jasmine) đã xuất hiện cánh đồng lúa thơm ST5 400-500ha và đến vụ đông xuân 2009-2010, diện tích này đã lên đến trên 1.000ha. Tuy nhiên, ở vụ này, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch mới chỉ chiếm khoảng 10%. Riêng vụ đông xuân 2010-2011, diện tích lúa thơm giống ST5 xuống giống tập trung trên một cánh đồng đã lên đến 1.440ha và toàn bộ đều thực hiện cơ giới hóa từ đầu đến cuối. Tất cả đều do nông dân tự giác hợp tác với nhau...

Kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định: Vùng đất Viên Bình nói riêng và cả huyện Trần Đề nói chung, thuộc vào loại tốt nhất để trồng lúa thơm. Ngành nông nghiệp đang phối hợp cùng Công ty Lương thực Sóc Trăng tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư thủy lợi và thực hiện theo liên kết “4 nhà”. Biết được thông tin này, nhiều nông dân rất mừng. Nông dân Tư Quân nói: “Như vậy coi như khép kín được rồi! Nông dân tụi tui chỉ cần lo sản xuất sao cho đạt năng suất, chất lượng tốt là được...”.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết