04/07/2014 - 08:47

Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

 Khách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm KHCN của TP Cần Thơ tại Trung tâm thông tin tư liệu thuộc Sở KHCN thành phố.

Theo nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia khoa học, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ trung ương, thành phố cần có những chính sách phù hợp để từng bước thúc đẩy hoạt động mua bán sản phẩm KHCN và mở rộng quy mô ứng dụng sản phẩm công nghệ…

Hiện nay, một số thành phố lớn hình thành thị trường KHCN với hình thức như sàn giao dịch KHCN. Năm 2008, Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị (HATEX) của TP Hải Phòng được thành lập, với các hoạt động: tư vấn, cung cấp thông tin và sản phẩm công nghệ. Từ khi hoạt động đến nay, HATEX thu hút trên 41.800 lượt khách đến tham quan, trao đổi và mua bán các sản phẩm KHCN. Ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc HATEX, chia sẻ: “Thông qua các hoạt động liên kết, HATEX có 1.179 viện, trường, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp đăng ký trở thành nhà cung cấp với gần 5.200 thông tin công nghệ, thiết bị được chào bán. HATEX thường xuyên tổ chức hội chợ công nghệ và thiết bị, triển lãm quảng bá sản phẩm công nghệ… làm cầu nối cho 296 hợp đồng ký kết mua bán công nghệ và thiết bị, với tổng trị giá trên 405 tỉ đồng.

Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình hoạt động, HATEX lựa chọn mô hình B2B (doanh nghiệp-doanh nghiệp). Mô hình hoạt động này tạo hiệu quả tối đa cho các công cụ tiện ích, giúp bên bán và bên mua sản phẩm công nghệ giao dịch, đàm phán thuận tiện, dễ dàng, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian. Theo ông Nguyễn Đình Vinh, khi tạo được môi trường diễn ra quan hệ “cung” và “cầu” sản phẩm sẽ thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển.

Là thành phố lớn của phía Nam, từ năm 1999, TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động về thị trường KHCN. Trên nền tảng này và từ nhu cầu cần thông tin mua bán công nghệ ngày càng cao, Sàn Giao dịch công nghệ TP Hồ Chí Minh thành lập năm 2012 và thành phố cấp kinh phí để hoạt động thử nghiệm. TP Hồ Chí Minh và Sở KHCN thành phố có những chính sách hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các viện, trường, doanh nghiệp, nhà khoa học. Song song với hoạt động giới thiệu, quảng bá những sản phẩm KHCN của thành phố được nghiệm thu, có tiềm năng ứng dụng cao đến các đơn vị, doanh nghiệp, Sàn Giao dịch công nghệ thành phố làm nhiệm vụ môi giới cho các bên có nhu cầu bán, mua sản phẩm KHCN. Đồng thời, Sàn Giao dịch công nghệ thành phố sẽ có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tạo thuận lợi quá trình chuyển giao sản phẩm KHCN. Vì chuyển giao công nghệ không đơn thuần mua sắm thiết bị máy móc, mà đó là quá trình từ chuyển giao đến thực hiện, vận hành, vận dụng vào thực tế sản xuất.

Theo ông Lương Tú Sương, Phó Giám đốc Trung tâm KHCN và thiết bị TP Hồ Chí Minh: “Lợi thế của TP Hồ Chí Minh có số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp cao. Bên cạnh công tác liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở KHCN địa phương khác, chúng tôi tăng cường các hoạt động liên kết mạng lưới với các tổ chức quốc tế về chuyển giao công nghệ. Và sự quan tâm thực hiện chính sách là yếu tố quan trọng góp phần vận hành hiệu quả thị trường KHCN thành phố”.

Những năm gần đây, nghiên cứu khoa học và hoạt động KHCN TP Cần Thơ diễn ra khá sôi nổi. Cụ thể như: Chương trình xây dựng và phát triển thị trường KHCN là 1 trong 5 chương trình KHCN trọng điểm giai đoạn 2010-2020, được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 1309/QĐ-UBND ngày 3-6-2008. Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở KHCN TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, Sở đang thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố giai đoạn 2012-2015, Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố giai đoạn 2013-2017. Qua đó góp phần khẳng định, thành phố có quan tâm, đầu tư hoạt động thị trường KHCN”.

TP Cần Thơ có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu với nhiều công trình, dự án nghiên cứu KHCN. Do đó, nhu cầu ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm KHCN vào thực tế sản xuất và đời sống rất lớn. Thời gian qua, Sở KHCN thành phố có nhiều hoạt động khơi gợi về “cung” và “cầu” công nghệ cũng như các hoạt động hình thành thị trường KHCN của thành phố. Thực tế cho thấy, nguồn cung công nghệ thiết bị ứng dụng trong các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ hiện nay khá đa dạng, đặc biệt là các ngành chế biến (xay xát) lúa - gạo, chế biến rau quả, cơ khí, in, nhựa - cao su… sử dụng công nghệ bán tự động sản xuất trong nước.

Hiện nay, các kênh thông tin hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm KHCN tại thành phố còn nhiều hạn chế. Mức độ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học sau khi nghiên cứu thành công còn thấp. Hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ diễn ra tại một số doanh nghiệp, nhưng còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý đồng bộ từ các cơ quan chức năng cũng như thiếu tư vấn của đội ngũ chuyên gia. Bên cạnh đó, do thiếu nguồn nhân lực (đội ngũ quản lý, lao động trình độ cao) cũng như vốn đầu tư nên các doanh nghiệp còn e dè đầu tư phát triển KHCN trong sản xuất. Thời gian tới, để chuẩn bị hoạt động thị trường KHCN TP Cần Thơ, thành phố xây dựng trang thông tin mạng chợ công nghệ thiết bị, gian trưng bày sản phẩm KHCN, sáng kiến, sáng chế, tổ chức hội thảo liên kết doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Chia sẻ bài viết