29/06/2018 - 10:22

Xây dựng nhiều phương án quản lý thị trường 

TP Cần Thơ là đầu mối giao thương của vùng ĐBSCL nên lưu lượng luân chuyển hàng hóa qua thị trường rất lớn. Hàng lậu, hàng cấm không chỉ tiêu thụ tại TP Cần Thơ mà còn đưa đi các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Do vậy, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trên địa bàn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Trước thực trạng trên, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ đã xây dựng nhiều phương án ứng phó đối với từng loại hàng hóa, thị trường trọng điểm.

Nhân viên QLTT TP Cần Thơ trong buổi tập huấn phân biệt hàng thật hàng giả. Ảnh: KHÁNH NAM
Nhân viên QLTT TP Cần Thơ trong buổi tập huấn phân biệt hàng thật hàng giả. Ảnh: KHÁNH NAM

Theo Chi cục QLTT TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2018 đã kiểm tra 1.137 vụ. Qua đó, phát hiện 1.023 vụ vi phạm, tăng 103 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 8,9 tỉ đồng. Các tuyến trọng điểm vận chuyển hàng lậu xuất phát chủ yếu từ hai tuyến: tuyến An Giang, Kiên Giang về theo hướng quốc lộ 91; tuyến từ Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp về theo hướng quốc lộ 1. Các mặt hàng này được vận chuyển, cất giấu trên mô tô, xe tải, xe chở khách, trong hành lý cá nhân. Các đối tượng rất manh động, thậm chí có lời lẽ đe dọa, chống đối lực lượng chức năng, bỏ hàng không nhận, hoặc bỏ cả phương tiện để trốn tránh chế tài của pháp luật…

Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Cần Thơ, cho biết: Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu các mặt hàng: thuốc lá điếu nhập lậu, thực phẩm, hàng may mặc, phụ tùng xe, mỹ phẩm… Các vụ việc diễn ra chủ yếu tại các quận: Ninh Kiều, Cái Răng và Thốt Nốt. Nổi trội nhất là các vụ vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến thực phẩm, kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc quản lý cấp tỉnh theo quy định, sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất mì sợi, nguyên liệu sản xuất trà sữa không rõ nguồn gốc… Cùng đó là những vi phạm: bán lâm sản không có hồ sơ hợp pháp, hoặc có hồ sơ nhập khẩu hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản và trình tự, thủ tục quản lý…

Thực tế, công tác QLTT tại TP Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng mỏng, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT hiện nay còn thiếu so với yêu cầu công tác và nhiệm vụ được giao. “Để khắc phục những hạn chế, lãnh đạo Chi cục QLTT TP Cần Thơ sẽ tiến hành tổ chức họp để phân tích từng địa bàn với thủ đoạn và mặt hàng trọng điểm cần quản lý của từng địa bàn cụ thể. Từ đó có sự phân công và hỗ trợ công tác chuyên môn hợp lý và kịp thời có phương án, biện pháp đối phó. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình cơ sở. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành liên quan để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết nhằm đưa ra phương án đối phó hiệu quả” – ông Nguyễn Văn Sanh nhấn mạnh.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết