15/03/2021 - 09:16

Xâm nhập mặn ở ÐBSCL sẽ bớt gay gắt 

Xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô năm nay ở vùng ÐBSCL đang trong thời kỳ cao điểm, nhưng diễn biến từ đầu mùa đến nay không gay gắt như đã xảy ra trong mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Cống Láng Thé (Trà Vinh, ảnh) và cống Cái Tôm (Vĩnh Long) là hai trong những công trình kiểm soát mặn quan trọng ở vùng Nam Măng Thít (2 tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long).

Số liệu quan trắc của các cơ quan chuyên môn từ đầu mùa khô đến nay cho thấy, XNM năm nay trong vùng ÐBSCL không xuất hiện sớm, bất thường như mùa khô năm 2019-2020.

Phía sông Cổ Chiên, trong khi năm ngoái, mặn xuất hiện rất sớm. Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 9-12-2019 độ mặn 3,5‰ (phần ngàn) đã xuất hiện trên địa bàn huyện Vũng Liêm (cách cửa biển khoảng 60km). Nhưng đến ngày 12-12-2020, tại 2 trạm Láng Thé và Cái Hóp (thuộc huyện Càng Long, Trà Vinh), độ mặn đo được là 0‰.

Ðầu tháng 2-2021, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo, việc giảm xả thủy điện Trung Quốc xuống hạ lưu, mặn ở ÐBSCL lên cao nhất từ ngày 8 đến 16-2-2021, đúng dịp Tết Nguyên đán 2021. Nhưng số liệu thực đo trong đợt này rất thấp tại tỉnh Vĩnh Long đạt dưới 2‰, tại tỉnh Trà Vinh theo số liệu của Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long và Cầu Kè: độ mặn cao nhất tại cống Bông Bót (sông Hậu) và Cái Hóp (sông Cổ Chiên) đều thấp hơn 3‰.

Ðến đợt rằm tháng Giêng (cuối tháng 2-2021), đỉnh mặn đợt này (đạt đỉnh vào ngày 26 và 27-2) cũng chỉ bằng 1/2 đỉnh mặn kỷ lục năm 2020. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long và Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long và Cầu Kè (Trà Vinh) tại các điểm đo như: phía sông Cổ Chiên, tại cống Cái Hóp (Trà Vinh) chỉ lên mức cao nhất 7,2‰ (trong khi đỉnh mặn của mùa khô năm 2020 tại đây là 11,8‰), cống Nàng Âm (Vĩnh Long): 5,7‰ (trong khi đỉnh mặn của mùa khô năm 2020 tại đây là 10‰), vàm Măng Thít (Vĩnh Long): 3,2‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 6,2‰).

Phía sông Hậu, tại cống Bông Bót (Cầu Kè) chỉ lên mức cao nhất 5,72 ‰, cống Tân Dinh (Cầu Kè): 3,14‰, vàm Trà Ôn (Vĩnh Long): 1,3‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 2,2‰); và phía sông Tiền, tại vàm Cái Muối (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) chỉ đạt 0,2‰ (đỉnh mặn năm 2020 là 4,5‰)... Từ ngày 3 đến 5-3, độ mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều dưới 1,5‰ thuận lợi để tưới cho cây trồng và cấp cho sinh hoạt.

Một yếu tố quan trọng nhất đóng góp làm cho mặn không xâm nhập sâu vào nội vùng là từ những tháng cuối năm 2020 đầu năm 2021, nguồn nước về ÐBSCL đều cao hơn các năm trước. Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, trong tháng 11-2020, mực nước dọc dòng chính Mekong giảm nhanh nhưng tổng lượng dòng chảy về ÐBSCL của Việt Nam qua 2 trạm Tân Châu và Châu Ðốc trong nửa cuối tháng ở mức gần 20 tỉ mét khối, xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, đến này 31-12-2020, trên dòng chính Mekong, mực nước tại trạm Chiang Saen (miền Bắc Thái Lan) đạt mức 2,6m (cao hơn cùng thời điểm năm 2016 là 0,95m, cao hơn năm 2020 là 0,02m). Tại trạm Kratie (Campuchia) đạt mức 8,19m (cao hơn cùng thời điểm năm 2016 là 0,45m, cao hơn năm 2020 là 0,8m). Tại trạm Prekdam (Campuchia) đạt mức 2,45m (cao hơn cùng thời điểm năm 2016 là 0,71m, cao hơn năm 2020 là 0,96m). Tại Biển Hồ, mực nước là 4,08m (cao hơn 1,43m so với năm 2019 và cao hơn 1,35m so với năm 2015).

Từ đầu tháng 3, nước từ thượng nguồn Trung Quốc sau thủy điện Cảnh Hồng đang gia tăng trở lại, hiện vào khoảng 1.100m³/s đóng góp đáng kể nguồn nước về hạ lưu Mekong. Ðến ngày 4-3-2021, mực nước tại trạm Chiang Saen đạt mức 2,2m (cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,37m, cao hơn năm trung bình 0,7m), trạm Kratie đạt mức 6,84m (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,35m, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,58m, cao hơn năm trung bình 0,43m). Dung tích của Biển Hồ là 2,34 tỉ mét khối (cao hơn 0,43 tỉ mét khối so với năm 2020 và cao hơn 0,62 tỉ mét khối so với năm 2016).

Ở đầu nguồn ÐBSCL, mực nước lớn nhất ngày 4-3 tại Tân Châu đạt 1,35m (cao hơn từ 0,13- 0,38m so với so với năm trung bình, năm 2016 và năm 2020 ở cùng thời kỳ). Tại Châu Ðốc đạt 1,52m (cao hơn từ 0,17-0,42m so với năm trung bình, năm 2016 và năm 2020 ở cùng thời kỳ). Tại Mỹ Thuận đạt 1,43m (cao hơn từ 0,3-0,51m so với năm trung bình, năm 2016 và năm 2020 ở cùng thời kỳ) và tại Cần Thơ đạt 1,52m (cao hơn từ 0,32-0,62m so với năm trung bình, năm 2016 và năm 2020 ở cùng thời kỳ).

Theo dự báo từ các Trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, hiện tượng ENSO (hiện tượng El Nino - Dao động Nam) có xu hướng chuyển dần sang La Nina (pha lạnh) từ tháng 9-2020 trở đi. Vào tháng 10-2020, xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và hiện tượng La Nina đã xuất hiện và sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 3-2021 với xác suất trên 95%. Ðây là hiện tượng gây ra mưa trái mùa, góp phần cung cấp lượng nước đáng kể trong mùa khô.

Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam: Từ đầu mùa khô đến nay đã xuất hiện mưa trái mùa rải rác hoặc diện rộng ở các tỉnh trong vùng ÐBSCL nên mức độ ảnh hưởng XNM bớt căng thẳng hơn so với dự báo trước đó. Do ảnh hưởng mưa trái mùa, nền nhiệt độ thấp đã góp phần giảm hạn mặn năm nay, dự báo từ cuối tháng 3 nước điều tiết gia tăng từ thủy điện sẽ làm giảm XNM.

Ở Vĩnh Long, Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho hay: Tổng lượng mưa tháng 1 tại trạm Vĩnh Long cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 64,8mm và cao hơn so với trung bình nhiều năm 53,7mm (hay cao hơn khoảng 484%). Từ giữa tháng 1 đến ngày 9-2, lượng mưa tại trạm Vĩnh Long cao hơn so với trung bình nhiều năm 14mm (vượt khoảng 280%).

Một yếu tố nữa cũng làm dịu bớt XNM là gió chướng hoạt động yếu. Các xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới) không xuất hiện trên biển Ðông. Thời tiết trong vùng cũng không gay gắt. Tại Vĩnh Long, nhiệt độ trung bình tháng 1 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 1,9°C và thấp hơn so với trung bình nhiều năm là 1,2°C. Trong đó, từ giữa tháng 1 đến ngày 9-2, nhiệt độ trung bình thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 0,3°C.

Tuy nhiên theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, XNM trong vùng ÐBSCL còn biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện ở thượng lưu và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng, có khả năng kéo dài tới tháng 5-2021. Tháng 3 là thời kỳ cao điểm của mùa khô năm nay, các địa phương cần thường xuyên theo dõi nguồn nước, sẵn sàng phương án ứng phó đối với các kịch bản hạn hán, XNM xảy ra như đã định trước.

Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết