13/06/2013 - 22:20

Vùng ven phát triển mô hình trồng rau

Ông Tám Bi có kinh nghiệm trồng rau xanh mượt.

Những năm qua, giá lúa bấp bênh, tiêu thụ gặp khó khăn, một số nông dân ở các quận, huyện vùng ven TP Cần Thơ đã chuyển hướng sang trồng rau. Từ đó, đã hình thành những vùng trồng rau chuyên canh đạt hiệu quả hơn so với trồng lúa.

Rau cần dày lá làm thảo dược

Vùng trồng rau cần dày lá làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến dược phẩm bất ngờ tăng nhanh ở các phường Long Hưng, Thới Hưng, Thới Long, quận Ô Môn và một số vùng đất ven sông Hậu thuộc quận Thốt Nốt. Nông dân sản xuất theo hợp đồng ký kết bao tiêu 3.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2012. Anh Lê Thanh Hải, khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, không ngại thuê 8 công đất theo đuổi mô hình trồng rau cần dày lá được 3 năm. Sau mỗi vụ, anh bán cho một chủ tư nhân làm đầu mối bao tiêu, thu gom cung ứng cho các doanh nghiệp chuyên chiết suất tinh dầu thảo dược ở 2 tỉnh Đồng Tháp và Long An. Anh Hải cho biết: Rau cần dày lá là cây chịu hạn, dễ trồng. Mùa khô sau vụ lúa đông xuân thích nghi tốt nhất. Còn nếu trồng vào mùa mưa phải chú ý thoát nước chống ngập úng. Trồng loại rau này không nên bón thừa phân. Nếu cây bị vàng lá chất tinh dầu không đạt. Và cũng chính vì đặc điểm giống rau này có chất dầu nên ít sâu bệnh, chi phí thấp. Một vụ, tổng chi phí khoảng 4 triệu đồng/công bao gồm: giống, phân (chủ yếu là phân DAP) bón lót một lần và kể cả khoản tiền thuê đất 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/công/vụ. Sau 4 tháng, người trồng chăm sóc đúng kỹ thuật đạt năng suất trung bình 4-4,5 tấn/công, lợi nhuận khoảng 9 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Cùng là dân trồng rau như anh Hải, anh Phan Văn Mến ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ thuê 2,3 ha đất tại phường Thới Hưng, quận Ô Môn trồng rau cung ứng cho Công ty TNHH ADC. Anh Mến cho biết, công ty cung cấp cây giống và bao tiêu 3.000 đồng/kg nên nông dân làm theo hợp đồng an tâm sản xuất. Tuy nhiên, điều kiện qui ước là trồng cây thảo dược nên sau khi trồng 75 ngày phải ngưng dùng phân, thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm phẩm chất tốt. Từ thời điểm này phải chăm sóc thật kỹ và đúng kỹ thuật để đảm bảo năng suất cao nhất...

Tại khu vực vàm sông Cần Thơ Bé, thuộc phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, có 12 hộ nông dân chuyên canh với hơn 200 công rau cần dày lá bán qua đầu mối thương lái cung ứng cho các nhà máy chiết suất tinh dầu bào chế thảo dược. Do có kinh nghiệm, họ trồng đạt năng suất trên 4,5 tấn/công.

Rau muống an toàn...

Gần 10 năm qua, Hợp tác xã (HTX) Hòa Phát ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn duy trì 18 xã viên với 4,5 ha chuyên canh rau muống. Nhờ bền bỉ cung cấp rau ngon an toàn đều đặn ra thị trường nên đã “định vị” được uy tín với đầu mối thu mua rau quả ở các chợ lớn nhỏ quanh TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu… Ông Tám Bi (Nguyễn Văn Bi), Chủ nhiệm HTX Hòa Phát, cho rằng: Do điều kiện đất sản xuất ít, bà con trong xóm chuyển đổi từ đất lúa sang trồng hoa màu. Những năm đầu bà con xã viên trồng đủ loại dưa, hành, cải xanh, cải bắp…, nhưng không thành công, vì “đụng hàng” dội chợ với rau Đà Lạt. Từ năm 2005 bà con xã viên dần dần chuyển sang trồng rau muống chuyên canh. Mỗi ngày cung ứng ra thị trường ổn định 5-7 tấn. Trong 2 năm gần đây, sau khi được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, cùng với kinh nghiệm của nông dân, cải tiến cách trồng rau muống như: Không gieo hạt dày, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ rơm mục, dùng thuốc trừ sâu sinh học và giảm tối đa việc dùng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học. Nhờ vậy rau tươi ngon, giòn, ngọt, để đến 3 ngày không bị héo.

Theo ông Tám Bi, rau muống có thời gian sinh trưởng ngắn. Mỗi lứa rau trồng khoảng 30 ngày, từ sau 18 ngày có thể thu hoạch. Trồng rau muống ít rủi ro sâu bệnh, giá bán tương đối ổn định và được tiêu dùng thông dụng. Mùa nắng trồng rau thuận lợi, người trồng giỏi có thể đạt 3 tấn/công, nếu tính giá bình quân 3.000 đồng/kg, thu 9 triệu đồng/công/vụ. Gia đình ông Tám Bi có 4.000m2 đất trồng rau muống, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/vụ, mỗi năm sản xuất khoảng 10 vụ. Nhờ rau muống nhiều hộ xã viên từ xóm nhà lá năm nào nay đã xây được nhà tường mái tôn khang trang và còn góp sức xây dựng cầu, đường nông thôn sạch, đẹp.

Hiện nay, HTX rau muống Hòa Phát đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm rau muống an toàn. Trong khi chờ được cấp chứng nhận, bà con xã viên mong muốn được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ đầu tư máy sơ chế, bảo quản rau tươi ngon lành đến chợ và vào siêu thị.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

 

Chia sẻ bài viết