19/09/2010 - 20:59

Diễn biến dịch heo tai xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Vừa chống dịch, vừa lo tái thiết đàn

Thời gian qua, dịch heo tai xanh (DHTX) đã hoành hành trên phạm vi cả nước, trong đó 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều phát sinh dịch bệnh, gây ra thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Ngoài việc tiếp tục nỗ lực áp dụng các biện pháp phòng chống DHTX, vấn đề tái thiết đàn heo sau dịch cũng đang là việc làm khó khăn đặt ra cho vùng ĐBSCL...

NỖ LỰC PHÒNG CHỐNG DỊCH

Tại TP Cần Thơ, vào ngày 9-8-2010, lực lượng thú y thành phố đã phát hiện ổ DHTX đầu tiên xảy ra tại 1 trại heo thuộc xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Đến nay, dịch bệnh này đã xảy ra tại 3 huyện của thành phố là Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai. Theo Chi cục Thú y TP Cần Thơ, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, DHTX đã xảy ra tại 88 cơ sở và hộ chăn nuôi heo ở tất cả 11 xã, thị trấn của huyện với 1.575/2.434 tổng đàn nuôi bị nhiễm bệnh heo tai xanh. Trong đó, 396 con bị tiêu hủy, số heo còn lại đã khỏi bệnh hoặc đang được điều trị (chiếm 75% số heo nhiễm bệnh)... Ngày 8-9, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định công bố DHTX trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên, sau ngày 12-9 đến nay, Vĩnh Thạnh không phát sinh thêm ổ dịch mới. Huyện Cờ Đỏ đã có 8 ổ DHTX xảy ra tại 1 trại và 7 hộ chăn nuôi thuộc 4 xã, thị trấn với 839 con bệnh, 136 con bệnh chết phải tiêu hủy và số còn lại đã được điều trị khỏi bệnh... Sau ngày 13-8 đến nay, tại huyện Cờ Đỏ không phát sinh thêm ổ DHTX mới...

Bà Hoàng Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: Sau khi DHTX xảy ra, UBND huyện Cờ Đỏ đã củng cố Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện và cấp xã, thị trấn. Đồng thời, UBND huyện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tới tận cán bộ các ấp. Các công tác phòng chống dịch trọng tâm là bao vây dập tắt các ổ dịch, tiêu độc khử trùng môi trường, điều tra nắm tình hình dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi... Nhờ vậy, đến nay DHTX trên địa bàn huyện đã được chặn đứng, không còn phát sinh thêm...

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình phòng chống DHTX tại 1 cơ sở nuôi heo ở huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: ANH KHOA 

Theo Chi cục Thú y TP Cần Thơ, rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, sau khi phát hiện DHTX ngành thú y thành phố đã đưa ra phát đồ điều trị bệnh heo tai xanh và yêu cầu các hộ có dịch tuân thủ nghiêm ngặt. Trong khi đó, người dân đã hợp tác tốt với ngành thú y, tuân thủ phát đồ điều trị heo bị nhiễm bệnh nên tỷ lệ heo điều trị khỏi bệnh đạt khá cao, giảm thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế do DHTX gây ra so với nhiều địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành thú y thành phố đang tiêm phòng thí điểm 9.000 liều vắc-xin (vắc-xin loại mới của Trung Quốc). Nếu đạt hiệu quả, từ nay đến cuối năm ngành thú y sẽ đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn heo nuôi nhằm chủ động phòng chống DHTX...”.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Thời gian tới, ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống dịch trong dân; tăng cường kiểm soát chặt chẽ giết mổ, vận chuyển gia súc, nhất là trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh; áp dụng các biện pháp phòng chống thích hợp sớm đẩy lùi DHTX trên địa bàn thành phố...

Tỉnh Trà Vinh cũng vừa có quyết định công bố DHTX ở huyện Cầu Kè. Theo Chi cục Thú y tỉnh Trà Vinh, kể từ ngày 2 đến 15-9-2010 trên địa bàn huyện Cầu Kè đã xuất hiện 4 ổ DHTX, với tổng đàn mắc bệnh 302 con (đã tiêu hủy 283 con). Để chủ động phòng, chống DHTX, không để dịch lây lan, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh heo tai xanh trên địa bàn 20 xã với kinh phí trên 30,6 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này tập trung vào công tác như: phun xịt thuốc sát trùng khu nuôi có dịch hoặc phòng khu chưa xảy ra dịch, tiêu hủy gia súc mắc bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi có heo chết phải tiêu hủy do mắc bệnh...

ĐẾN LO PHÁT TRIỂN ĐÀN SAU DỊCH BỆNH

Dự báo của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng DHTX trên diện rộng cả nước nên thời gian tới khả năng sẽ thiếu nguồn cung ứng heo con giống cũng như heo thịt. Do đó, việc hỗ trợ vốn và con giống là nhu cầu cần thiết để phát triển chăn nuôi sau khi các tỉnh, thành ĐBSCL công bố hết dịch.

Hiện nay, tại An Giang, heo con giống (cỡ 20-22kg/con) giá bán 55.000 đồng/kg và giá heo hơi trên thị trường đã tăng lên 3,5 triệu đồng/tạ. Dự báo trong thời gian tới, giá heo thịt sẽ còn tăng mạnh và nguồn cung ứng con giống nuôi cũng sẽ hút hàng. Bởi qua khảo sát những vùng đã xảy ra DHTX trên địa bàn An Giang, đối tượng mắc bệnh cao là heo nái và heo con. Các chuồng trại có heo bệnh, từ 80-90% heo con dưới 15kg đã chết và 90% heo nái bị sẩy thai ở giai đoạn cuối (đẻ non). Những con nái còn lại dù được chữa khỏi nhưng khi đẻ ra, con chết khô trong bụng hoặc chết sau khi sinh vài ngày. Theo kỹ sư Nguyễn Đình Hòa, việc tái phát triển đàn sau dịch tai xanh rất khó. Bởi, hầu hết những đàn nái sinh sản đã “dính” dịch thì không thể cho sinh sản tiếp, mà phải thay hoàn toàn con giống bố mẹ, trong khi nguồn cung ứng con giống sạch bệnh trên thị trường đang khan hiếm. Còn việc chờ phục hồi con giống (nái đã bị sẩy thai do nhiễm bệnh tai xanh) phải mất thời gian dài. Ít nhất từ ba tháng mới đào thải hết vi rút trong cơ thể heo đã nhiễm bệnh. Chu kỳ mang thai đến 3 tháng 25 ngày và heo con sau 45 ngày mới tách mẹ để nuôi thịt. Do đó, việc xảy ra thiếu nguồn cung ứng con giống để phát triển chăn nuôi và heo thịt khó tránh khỏi trong thời gian tới. Anh Nguyễn Văn Bịch, Phó Ban tự quản ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho biết: “Khoảng 30% số hộ dân trong ấp sống nhờ nghề chăn nuôi heo. Vì thế, chúng tôi rất cần vay vốn và mua con giống sạch bệnh để tái phát triển đàn, ổn định kinh tế gia đình”.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: Sở đã có tờ trình UBND tỉnh đề nghị các ngân hàng cho khoanh nợ và không thu lãi phát sinh đối với những hộ chăn nuôi vay vốn ngân hàng có heo bị nhiễm bệnh đã tiêu hủy hoặc bệnh chết. Người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch nếu có nhu cầu tái phát triển đàn hoặc chuyển đổi ngành nghề, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách giúp đỡ. Bởi theo bà Hòa, nhiều hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh tai xanh chữa không khỏi và đã chấp hành tiêu hủy hoặc heo chết đang gặp khó khăn về kinh tế, như trả vốn vay, đóng lãi và tái sản xuất.

Vấn đề tái đàn sau dịch, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cục Chăn nuôi đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chính sách hỗ trợ mua con giống bố mẹ lần đầu là 300.000 đồng/con đối với những hộ có heo bị tiêu hủy do dịch tai xanh. Riêng những đàn giống thuộc chương trình giống quốc gia sẽ được xem xét hỗ trợ theo chính sách. Đề nghị Bộ cấp miễn phí tinh heo và 3 loại vắc-xin tiêm phòng. Trước mắt, sau khi địa phương công bố hết dịch, sau 21 ngày mới cho phát triển nuôi trở lại. Người chăn nuôi phải xử lý tiêu độc, khử trùng chuồng trại một tháng trước khi thả nuôi.

Nhóm PV-CTV

Chia sẻ bài viết