03/07/2024 - 08:10

Vốn vay ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình 

Trong 10 năm qua (2014-2024), các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội (Chỉ thị số 40). Nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đáp ứng nhu cầu, giúp hộ vay tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Cán bộ NHCSXH quận Ô Môn tham quan mô hình vay vốn TDCS trồng cây ăn trái.

“Hơn 2 năm nay, được chị họ hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật, tôi đang nuôi 30 con dê thịt. Tôi được giới thiệu vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để dựng chuồng trại, mua vật dụng cần thiết. Tôi bán dê thịt từ 100.000 đồng/kg và dê giống từ 1,5 triệu đồng/con, tùy thời giá thị trường, có thu nhập ổn định” - chị Nguyễn Thị Ngọc Bích ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, giới thiệu về mô hình nuôi dê tại nhà. Bên cạnh đó, chị Bích cải tạo công đất vườn, trồng 400 cây ổi lê. Tận dụng nguồn phân dê bón cây, sau 8 tháng, chị Bích thu hoạch từ 300kg ổi/tuần, giá bán từ 3.000-8.000 đồng/kg. 

Chia sẻ việc canh tác 6 công vườn trồng 170 cây nhãn Ido xen canh 400 cây ổi lê từ năm 2019, ông Trần Văn Em ở khu vực Thới Thuận A, phường Thới An, cho biết, kinh tế gia đình nhờ vào lợi nhuận vườn trái cây và tiền công nhật làm mướn của các con. Trước đây, ông Em trồng lúa 3 vụ/năm nhưng cứ lâm cảnh “được mùa mất giá”, không đủ chi tiêu sinh hoạt. Được giới thiệu vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, học hỏi kinh nghiệm nhà vườn và lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái, gia đình ông cải tạo đất, mua cây giống và phân bón. Ông Em nói: “Tháng 7, tôi thu hoạch nhãn đợt 3, hy vọng bán được giá cao. Năm 2023, tôi thu hoạch nhãn, đạt lợi nhuận 60 triệu đồng. Riêng ổi lê tôi hái từ 500-600kg/tuần, giá thu mua từ 3.500-8.000 đồng/kg”.

Đó là 2 trong nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh vận dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi các chương trình TDCS tại quận Ô Môn. Thời gian qua, Quận ủy Ô Môn chỉ đạo phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị số 40 đến các ngành, các cấp, chính quyền địa phương. Để người dân có nhu cầu nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận TDCS, Quận ủy chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra giám sát và đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách về TDCS phù hợp. Trong 10 năm, quận Ô Môn chuyển ngân sách trên 3,7 tỉ đồng ủy thác sang NHCSXH cùng với nguồn vốn các chương trình TDCS giúp hàng chục ngàn hộ vay phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định. Đến cuối tháng 4-2024, các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên 425 tỉ đồng để cho vay, thông qua 218 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bằng nhiều hình thức, Quận ủy Ninh Kiều tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 40 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các ngành, các cấp chính quyền kịp thời nắm bắt, đưa TDCS vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên; tăng cường quản lý, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. 10 năm qua, doanh số cho vay toàn quận trên 538 tỉ đồng, giúp 12.353 lượt hộ vay. Đến cuối tháng 4-2024, quận Ninh Kiều đã chuyển ngân sách trên 4 tỉ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình chỉ định của địa phương. Quận phối hợp cho vay vốn gắn với đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp hộ vay nâng cao hiệu quả nguồn vốn. NHCSXH quận phối hợp hội, đoàn thể ủy thác hướng dẫn, bình xét đối tượng vay vốn; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn; xây dựng 42 mô hình giảm nghèo bền vững; phát động phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”… Toàn quận có các mô hình làm ăn hiệu quả: sửa chữa điện lạnh (phường An Hòa); làm bánh dân gian, mâm quả cưới (phường An Nghiệp); châm cứu y học cổ truyền, gia công cơ khí (phường Tân An), lò hủ tiếu Sáu Hoài, trồng hoa kiểng (phường An Bình), bán cây giống (phường Thới Bình). Đồng thời, bổ sung đối tượng vay vốn đặc thù như dịch vụ du lịch chợ nổi Cái Răng; người chấp hành xong án phạt tù…

Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, nâng cao vai trò, trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể đối với TDCS xã hội; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan TDCS xã hội, tạo điều kiện để người nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời tiếp cận. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm bố trí, huy động nguồn lực các chương trình TDCS, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết