28/06/2019 - 13:32

Vĩnh Thạnh ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi 

Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh, ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) lây lan, nhưng đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã xuất hiện DTHCP trên đàn heo của một số hộ chăn nuôi. Lực lượng thú y phòng chống dịch bệnh huyện đã khoanh vùng ổ dịch, thực hiện vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng; hỗ trợ các hộ dân xử lý heo chết, đồng thời triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bệnh dịch lây lan…

Chuồng trại chăn nuôi heo được vệ sinh sạch sẽ phòng tránh bệnh DTHCP trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, ngày 24-6-2019, DTHCP đã xảy ra tại hộ bà Nguyễn Thị Hảo, ở ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh. Nhận thông báo, cán bộ thú y huyện Vĩnh Thạnh kịp thời đến nơi, tiêu độc khử trùng chuồng trại và chôn hủy với tổng đàn heo 35 con, tổng trọng lượng 2.582kg, trong đó heo nái có 3 con (617kg), heo thịt 32 con (1.965kg). Tính đến ngày 24-6-2019, DTHCP đã xảy ra tại 3 xã: Thạnh Lợi, Thạnh Thắng và Vĩnh Trinh, tổng đàn heo 97 con (6.391kg), trong đó heo nái 10 con (1.950kg), heo thịt 87 con (4.441kg).

Bà Nguyễn Thị Hảo cho biết: “Trước thông tin bệnh DTHCP, các hộ nuôi heo như gia đình tôi đều được tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng tránh lây lan. Gia đình tôi tập trung vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng không tránh khỏi. Nhiều năm qua, lần đầu tiên tôi mới biết đến bệnh DTHCP và tác hại của nó quá lớn. Nuôi heo là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình, tôi sẽ tiếp tục tái đàn khi ngành chức năng công bố dập tắt bệnh dịch và cho phép ”.

  Trước tình hình dịch bệnh phát sinh nêu trên, Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh DTHCP huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai khẩn cấp các biện pháp chống dịch theo quy định, như: Rà soát, thống kê đàn nguy cơ, điều tra dịch tễ; lập chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ theo quy định; tổ chức tiêu độc chống dịch khẩn cấp tại các vùng dịch, vùng uy hiếp; phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bệnh DTHCP; vận động người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng... Thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm cho đàn heo, như: Lở mồm long móng, tai xanh; tuyên truyền trên đài truyền thanh ngày 2 lượt về thực hiện cam kết “5 không” cho phòng chống dịch bệnh động vật: không giấu dịch, không mua bán vận chuyển động vật bệnh chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết, không vứt các động vật chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt…

Huyện Vĩnh Thạnh có tổng đàn heo với khoảng 40.000 con, chủ yếu nuôi theo hình thức hộ gia đình, tập trung nhiều ở các xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và thị trấn Thạnh An. Để ngăn chặn bệnh dịch xuất hiện, giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm, lây lan, huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTHCP. Trong kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp bệnh dịch, địa phương đề ra phương châm thực hiện lấy phòng là chính. Các giải pháp triển khai, như: tăng cường các biện pháp kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm từ heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc... Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp heo mắc bệnh DTHCP để xử lý triệt để, tránh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh dịch gây ra.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Khi bệnh DTHCP xuất hiện ở các địa bàn lân cận, huyện Vĩnh Thạnh kịp thời xây dựng kịch bản xảy ra trường hợp heo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh DTHCP trên địa bàn. Theo đó, địa phương tuyệt đối không điều trị heo bệnh (vì bệnh DTHCP chưa có vắc-xin và thuốc điều trị), khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Nếu phát hiện dịch bệnh buộc phải tiêu hủy đàn heo trong vòng 24 giờ, kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTHCP. Việc tiêu huỷ đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình, bảo vệ môi trường và có sự giám sát của cán bộ, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương…”.

Để người chăn nuôi duy trì nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống bệnh DTHCP, thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát động vật, thịt heo, sản phẩm heo tiêu thụ, vận chuyển trên địa bàn. Đặc biệt, huyện thường xuyên cung cấp thông tin về bệnh DTHCP, các biện pháp phòng, chống bệnh để các cơ quan truyền thông, đài truyền thanh huyện, các phường tuyên truyền theo tinh thần chống bệnh dịch, vừa bảo vệ và phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang lo lắng quay lưng với thịt heo sạch, thịt heo có nguồn gốc và đã kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của ngành thú y. Ngành thú y tiếp tục phát tờ rơi cho người chăn nuôi tại các xã, thị trấn với nội dung “Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc” và “phòng, chống bệnh DTHCP”; vận động các hộ chăn nuôi heo ký cam kết và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật theo cam kết “5 không”...

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Đến nay, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn, xử lý bệnh DTHCP xuất hiện trên địa bàn. Đồng thời, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cũng đã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng, tránh. Địa phương cũng đã tập huấn biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP cho hộ chăn nuôi và mạng lưới thú y cơ sở; quy hoạch khu vực tiêu hủy, xử lý khi bệnh DTHCP xuất hiện… Các chính sách áp dụng hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn khi bệnh dịch chấm dứt cũng được huyện thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết