27/08/2009 - 20:21

Vị thuốc Đông y phòng bệnh cúm

* Bác sĩ CKI Vũ Đình Quỳnh
Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ

Cúm A(H1N1) đang lan rộng. Phòng chống cúm A (H1N1) nói riêng và bệnh cúm nói chung là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu hiện nay. Theo y học cổ truyền (YHCT), có thể phòng tránh bệnh cúm bằng những vị thuốc thường dùng làm gia vị trong ăn uống hằng ngày.

1. Tỏi

Tỏi, tên khác là Đại toán. Củ của cây tỏi thường được dùng làm gia vị, có tên khoa học: Allivum Sativum.

Theo y học cổ truyền, tỏi có vị cay, tính ôn (ấm) vào hai kinh can và vị. Tỏi có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ. Tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, kiết lỵ, tiết tả, phòng trị cảm cúm.

Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, nên dùng 3- 4g tỏi/ lần, 2- 3 lần/ ngày.

Một số kinh nghiệm trị bệnh bằng tỏi:

+ Trị chứng trẻ em ăn no đau tức bụng, nằm ngồi khó khăn: dùng 2-3 tép tỏi tươi để cả vỏ nướng chín cho trẻ ăn. Sau ăn khoảng 5 phút, ợ được là khỏi.

+ Trị côn trùng cắn hoặc rết cắn: dùng 3-5 tép tỏi tươi giã nát đắp vào vết cắn.

+ Phòng trị cúm hoặc khi bị nghẹt mũi: dùng 1-2 tép tỏi tươi nghiền nát, ngâm với 10- 15 ml nước sôi để nguội nhỏ vào mũi ngày 2-3 lần.

Ăn tỏi thường hôi miệng, có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách ngậm quế hoặc kẹo quế sẽ hết.

2. Đại hồi

Đại hồi có tên khác là Hồi hương, Bát giác Hồi hương. Bộ phận được dùng là quả hồi. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, hồi là vị thuốc được dùng trong cả Đông y và Tây y.

Tây y dùng hồi làm thuốc trung tiện, giúp tiêu hóa, lợi sữa. Hồi còn có tác dụng giảm co bóp nên được dùng để làm thuốc chữa đau dạ dày và trường hợp ruột co bóp mạnh. Ngoài ra, hồi còn được sử dụng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng. Tuy nhiên nếu dùng hồi nhiều, với liều quá cao sẽ gây ngộ độc.

Theo tài liệu cổ của Đông y, Đại hồi có vị cay, tính ôn vào 4 kinh: can, thận, tỳ và vị. Hồi có tác dụng trục hàn, kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc của thịt cá.

Liều dùng: 3- 8 g dưới dạng thuốc sắc. Với những thông tin mới cập nhật, người ta đã xác định Đại hồi là nguồn nguyên liệu công nghiệp quan trọng nhất để sản xuất a-xít Shikimic- thành phần quan trọng cơ bản để sản xuất Tamiflu- thuốc điều trị và phòng ngừa cúm A (H5N1 và H1N1).

3. Gừng

Gừng còn có tên gọi là Khương, Sinh khương (gừng sống), Can khương (Gừng khô )... Bộ phận thường dùng là thân rễ gừng, dân gian gọi là củ.

Gừng tươi có vị cay, tính hơi ôn vào 3 kinh: phế, tỳ và vị. Gừng tươi có tác dụng giải biểu tán hàn, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thủy, giải độc. Trong dân gian, gừng là vị thuốc giúp tiêu hóa tốt, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa tiêu lỏng, cảm mạo phong hàn, làm thuốc ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng. Liều dùng từ 3- 6g dạng thuốc sắc hoặc giã nhỏ pha thêm nước sôi với 1- 2 muỗng cà phê mật ong hoặc 20- 30 ml rượu, uống 2-3 lần/ ngày.

Tỏi, đại hồi, gừng là những vị thuốc y học cổ truyền, đồng thời là gia vị trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Bên cạnh việc chấp hành tốt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, về phòng chống dịch cúm A (H1N1) mà các ngành chức năng khuyến cáo, thì việc sử dụng các gia vị trong chế biến món ăn hằng ngày sẽ giúp chúng ta phòng chống dịch tốt hơn.

Chia sẻ bài viết