01/06/2011 - 09:10

BÁC SĨ PHẠM THỊ NGUYÊN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TP CẦN THƠ:

Vi chất dinh dưỡng - Ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

 

LTS: Nhằm góp phần cùng xã hội chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, từ tháng 6-2011, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP Cần Thơ hợp tác với Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu với bạn đọc chuyên mục “Sức khỏe quý hơn vàng”. Chuyên mục sẽ xuất hiện mỗi tháng 2 kỳ, qua đó chuyển tải những thông tin y tế cần thiết và nhanh nhất đến bạn đọc. Hy vọng chuyên mục sẽ là một cầu nối vững bền giữa ngành Y tế thành phố và bạn đọc.

Với trẻ em, việc cung cấp  đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ  thể phát triển đóng một vai trò  rất quan trọng. Thiếu các vi chất dinh dưỡng sẽ gây nên những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của trẻ. Ngay cả trẻ không bị suy dinh dưỡng vẫn có thể thiếu các vi chất dinh dưỡng do cách nuôi dưỡng chưa hợp lý. Trao dổi với phóng viên về vấn đề này, Bác sĩ Phạm Thị Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, cho biết:

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể  cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò  rất quan trọng, khi thiếu sẽ có những ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho cơ thể. Vi chất dinh dưỡng bao gồm các loại như: các vitamin (A, B, C, E,...), các vi khoáng (sắt, kẽm, đồng, mangan, I-ốt,…). Vi chất dinh dưỡng giúp não bộ trẻ phát triển tốt, tăng chỉ số thông minh, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh tật và phát triển tốt những năng khiếu bẩm sinh,…

 

Hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ làm cho trẻ dễ mắc bệnh và tử vong; giảm khả năng học tập, đần độn, thiếu thông minh; trẻ dễ bị mù lòa, thiểu năng thị giác; giảm sức đề kháng, dễ bị khuyết tật về thần kinh và khả năng tập trung kém. Các biểu hiện của việc thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ như: trẻ dễ bị nhiễm trùng, dễ bị tiêu chảy, giảm khả năng miễn dịch, biếng ăn, viêm da ngoại vi, loạn dưỡng móng, tóc dễ gãy và rất dễ bị kích thích.

* Thưa bác sĩ, trên thực tế, không ít phụ huynh quan niệm và  nuôi con theo kiểu “ăn gì bổ nấy”, vậy chế độ dinh dưỡng ấy có đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ?

- Đây là quan niệm sai lầm. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, ăn quá nhiều chất béo có thể gây thừa cân, béo phì, ảnh hưởng xấu đến phát triển trí não. Quan niệm “ăn óc bổ óc” là không đúng. Trong óc heo có hàm lượng chất đạm thấp, chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá nhưng hàm lượng cholesterol lại rất cao, chỉ cần ăn 100g óc heo thì cholesterol đã gấp 8 lần nhu cầu hằng ngày (mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250-300mg cholesterol mỗi ngày). Hoặc như quan niệm “ăn thận bổ thận” cũng không đúng, nhất là người bị suy thận cần ăn giảm chất đạm. Quan niệm “ăn tim bổ tim” cũng vậy, người bị bệnh tim mạch thường có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu cứ ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao, rất nguy hiểm.

* Xin bác sĩ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng giúp bổ sung dinh dưỡng tốt cho trẻ và bà mẹ mang thai?

- Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng chúng ta nên đa dạng hóa bữa ăn, bổ sung vi chất dinh dưỡng, tăng cường vi chất vào thực phẩm và kết hợp các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác như: tẩy giun, vệ sinh môi trường và tiêm ngừa đầy đủ cho các cháu. Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tự nhiên trong bữa ăn hằng ngày của trẻ. Cụ thể như các loại thức ăn từ động vật như: cua, cá, trứng, thịt, sữa,… là thực phẩm giàu protein; gan động vật là nguồn cung cấp chất sắt, vitamin A, folat rất tốt. Nhóm thức ăn từ thực vật như: lòng đỏ trứng, sữa nguyên kem giàu vitamin A, chất sắt; các loại trái cây chín có vị chua và rau xanh giàu vitamin C; rong biển chứa nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B2 và B3; vitamin A còn có nhiều ở các loại rau có màu xanh thẫm, các loại củ quả có màu vàng.

Tại TP Cần Thơ, ngày vi chất dinh dưỡng và uống vitamin A đợt 1 năm 2011 được thực hiện từ ngày 1-6 đến 5-6 với mục tiêu sẽ có trên 52.000 trẻ từ 06-36 tháng, trên 9.800 bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng và 100% đối tượng nguy cơ dưới 5 tuổi như: suy dinh dưỡng, sau bệnh sởi, tiêu chảy kéo dài, nhiễm trùng đường hô hấp được uống đúng liều vitamin A. Các đối tượng trên sẽ được cấp phát viên nang vitamin A tại các khoa sản của bệnh viện, nhà hộ sinh, khoa nhi bệnh viện, nhà bảo sanh, phòng khám khu vực và trạm y tế. Riêng đối với phụ nữ mang thai được cán bộ y tế ghi toa bổ sung viên sắt/axit folic thường xuyên hàng tháng cho đến sau sinh 1 tháng.

Nên nấu ăn bằng muối I-ốt, nước mắm có lượng I-ốt sẽ tăng cường nhiều chất sắt; sử dụng đường có tăng cường vitamin A hay cho trẻ ăn vặt bằng bánh quy có tăng cường vitamin A, sắt, kẽm, can xi,... Có thể sử dụng các loại thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng như: bột dinh dưỡng hoặc bột dinh dưỡng dạng bánh có tăng cường đa vitamin và khoáng chất cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi; thuốc bổ sung vi chất dinh dưỡng như viên nang vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi và phụ nữ sau khi sinh.

* Xin cám ơn bác sĩ!

LÊ  KHẢI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết