13/10/2009 - 20:14

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định của Chính phủ

Vẫn còn nhiều nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi

Đầu năm 2009, nhằm giúp tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, ngân hàng, chính sách kích cầu của Chính phủ đã có tác động lớn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,… Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ vẫn còn một số khó khăn nhất định cần tháo gỡ, nhằm giúp đối tượng thụ hưởng, nhất là nông dân, tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn này.

GÓP PHẦN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã làm việc với đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chi nhánh Cần Thơ và đại diện các Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT các quận, huyện để giám sát, theo dõi quá trình triển khai các gói kích cầu của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, tính đến cuối tháng 9-2009, nền kinh tế của thành phố đang sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng là 28.800 tỉ đồng, tương đương 102,2% GDP và 33% giá trị sản xuất của thành phố 9 tháng đầu năm. Trong tổng số dư nợ cho vay có 12.400 tỉ đồng cho 15.200 khách hàng vay hỗ trợ lãi suất với số tiền được hỗ trợ lãi suất là 195 tỉ đồng; trong đó, cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, trung và dài hạn cho tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư mới để phát triển sản xuất, kinh doanh là 12.398 tỉ đồng và cho vay hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (theo Quyết định 497/QĐ-TTg) là 2 tỉ đồng với 40 khách hàng.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, các thành phần kinh tế, người dân... giúp tổ chức, cá nhân giảm bớt khó khăn về tài chính từ đó sản suất kinh doanh ổn định. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, cho biết thêm: “Chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã có tác động tích cực đến nền kinh tế của thành phố, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2009 có thể đạt mức 15%”.

Mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa của nông dân xã Trường Thành, huyện Thới Lai.  

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, cho biết: “Qua giám sát thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội đánh giá việc hỗ trợ lãi suất tín dụng 4% cùng với các chính sách khác, như: hạ dần lãi suất cơ bản, miễn, giảm, giãn thuế,... đã giúp nhiều doanh nghiệp, các hộ sản xuất vượt qua khó khăn, giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Riêng ở TP Cần Thơ, các gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực cho vay hỗ trợ lãi suất trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là cho nông dân vay trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, mua sắm máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất,... còn quá thấp, dưới 7% so với bình quân chung cả nước là 11,5%”.

Ông Huỳnh Văn Tiếp cũng cho biết thêm, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XII, sẽ khai mạc vào ngày 20-10 tới, cử tri nhiều địa phương, nhất là cử tri là nông dân, bày tỏ sự mong muốn được vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, do hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn này còn khó khăn, nên nhiều người chưa vay được vốn.

CẢI TIẾN THỦ TỤC

Số liệu tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cần Thơ, nơi có đối tượng cho vay phần lớn liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, cho thấy: Đến hết tháng 9-2009, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 1.367 tỉ đồng với 12.917 khách hàng, nhưng số tiền giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg chỉ đạt được 1,97 tỉ đồng với 37 khách hàng. Theo ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cần Thơ, nguyên nhân là do nhiều nông dân không còn tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng theo lãi suất ưu đãi, vì đã thế chấp, cầm cố trước đó tại các ngân hàng, hoặc cơ sở bán vật tư. Bên cạnh đó, việc quy định bắt buộc phải chứng minh hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa đối với nông dân gặp nhiều khó khăn, vì phần lớn quan hệ mua bán của hộ cá nhân nhỏ lẻ thường thanh toán với nhau bằng giấy tờ ghi tay, hoặc không có giấy tờ gì nên không thể chứng minh sử dụng vốn đúng mục đích với ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất. Mặt khác, quy định phải mua hàng hóa sản xuất trong nước với những trường hợp nông dân vay vốn hỗ trợ lãi suất không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nông dân. Hay như việc mua máy xới, máy cày, gặt đập liên hợp phải kèm theo phương tiện vận chuyển, máy đẩy,... nhưng các phương tiện vận chuyển lại không nằm trong danh mục cho vay hỗ trợ lãi suất. Ông Châu Văn Truông, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT Phong Điền, nêu thực tế: “Với những hồ sơ cho vay hỗ trợ lãi suất, định mức cho vay thấp, khoảng 7 triệu đồng/ha đối với trồng lúa, thủ tục lại rườm rà. Trong khi đó, với những hồ sơ vay bình thường, người nông dân có thể vay nhiều hơn nên phần lớn chọn giải pháp vay bình thường. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao số hộ vay vốn hỗ trợ lãi suất còn thấp”. Ông Nguyễn Định Thiện, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Thốt Nốt, cho biết thêm: “Ngoài những khó khăn chung như các địa phương khác, ở Thốt Nốt còn có khó khăn là Quyết định 497/QĐ-TTg quy định cho vay hỗ trợ đối với nhà ở nông thôn, nhưng Thốt Nốt đã trở thành quận, xã lên phường, đất ở của người dân trở thành đất ở đô thị nên người dân không được thụ hưởng chính sách, mặc dù thực tế, tỷ lệ lao động nông nghiệp trên địa bàn còn ở mức cao và nhu cầu vay vốn của người dân không phải ít”.

Từ những hạn chế này, đại diện các ngân hàng đề nghị không nên bắt buộc người nông dân phải xuất trình hóa đơn tài chính trong việc chứng minh nguồn vốn sử dụng đúng mục đích. Theo đó, chỉ cần quy định giữa người mua và người bán có giấy tờ xác nhận mua, không cần hóa đơn tài chính. Đối với xuất xứ hàng hóa, với một số chủng loại nên mở rộng cho cả hàng hóa liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài, hoặc máy nhập ngoại... Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét, quyết định kéo dài thêm thời gian thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg lên từ 3 năm, thay vì chỉ 2 năm như hiện nay, để nông dân có thêm cơ hội thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Người nông dân hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ nông sản do giá cả bấp bênh, lại thiếu vốn đầu tư. Việc đơn giản hóa thủ tục để đồng vốn hỗ trợ có thể đến tay nông dân là yêu cầu bức thiết. Song song với thực hiện hỗ trợ lãi suất, cơ quan chức năng cần có giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản và thủy sản để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Bởi nhiều nông dân cho rằng, giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn quan trọng hơn là giải pháp về vốn, vì có vốn tạo ra sản phẩm mà không tiêu thụ được, hoặc giá cả bấp bênh thì không kích thích được sản xuất, tiêu dùng.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết