19/03/2019 - 07:01

Phòng chống sạt lở trong mùa khô

Ứng phó kịp thời, giảm nhẹ tác động thiên tai 

TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vừa có tác dụng phục vụ sinh hoạt, phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, vừa tạo nét đẹp đặc trưng của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian gần đây do quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH)... làm cho bờ sông bị sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Giải pháp khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống cho người dân ven sông, rạch đang được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên phải) kiểm tra công trình xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn. Ảnh: HÀ VĂN

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên phải) kiểm tra công trình xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn. Ảnh: HÀ VĂN

 

Thiên tai ngày càng khốc liệt hơn

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những năm gần đây, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp với những thảm họa động đất, siêu bão diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh và phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, hằng năm, thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP, làm hàng trăm người chết và mất tích. Riêng năm 2018, cả nước xuất hiện nhiều trận mưa lịch sử gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ĐBSCL… Trong năm, thiên tai đã làm 218 người chết và mất tích, gây thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng…

Ở TP Cần Thơ, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Cụ thể, năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 24 đợt lốc xoáy, làm chết 1 người, sập 46 căn nhà, tốc mái 205 căn, xiêu vẹo 3 căn; xuất hiện 17 điểm sạt lở bờ sông, làm sụp đổ hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn nhà bị sạt một phần, với tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở gần 600m. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 36,9 tỉ đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã vận dụng phương châm 4 tại chỗ để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân, hỗ trợ thiệt hại trên 3,7 tỉ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai của thành phố.

Vào thời điểm mùa khô hiện tượng sạt lở bờ sông thường xuyên xảy ra. Bởi, vào mùa khô mực nước xuống thấp làm giảm độ kết dính của đất. Bên cạnh đó, do tác động BĐKH, dòng chảy trên sông, rạch thay đổi làm hiện tượng sạt lở bờ sông xuất hiện thường xuyên, gây thiệt hại tài sản, kinh doanh, sản xuất của người dân. Tại TP Cần Thơ, từ năm 2010 đến cuối năm 2018 xuất hiện 170 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở khoảng 6,6km, làm trên 100 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Ngoài ra, TP Cần Thơ còn có trên 106 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7km.

Nỗ lực khắc phục

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Khi thiên tai xảy ra, các sở, ngành của thành phố và địa phương đã tổ chức ứng phó kịp thời, huy động lực lượng khắc phục hậu quả, giúp người dân bị ảnh hưởng giảm nhẹ tác hại của thiên tai. TP Cần Thơ cũng đã chi hàng tỉ đồng từ quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ, giúp người dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống".

Hiện TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) nhằm bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị... Điển hình, Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn được chia làm 3 giai đoạn đầu tư, với tổng chiều dài 4.331,64m, tổng mức đầu tư trên 416,7 tỉ đồng, từ nguồn  ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện từ năm 2009 đến 2020. Giai đoạn 1 từ cầu Ô Môn đến Rạch Tắc Ông Thục; giai đoạn 2 từ Rạch Tắc Ông Thục đến Rạch Gốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng giai đoạn 3 từ Rạch Gốc đến Rạch Ranh (1.750m) đang thi công, ước đạt trên 90% tổng khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp Lễ 30 Tháng 4 tới. Dự án kè chống sạt lở khu vực Thới An, quận Ô Môn (phía bờ phải) có chiều dài 430m, với giá trị dự toán xây dựng trên 45,7 tỉ đồng. Công trình được giới hạn từ rạch Vàm Điểm đến Vàm Thới An, với hạn mục tường kè, vỉa hè, cầu thang, đường giao thông sau kè, cấp thoát nước. Hiện công trình đã khởi công gần 2 tháng và dự kiến hòan thành trước khi mùa lũ năm 2019 đổ về… Đây là những công trình góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông Ô Môn, đảm bảo an toàn, ổn định cho cuộc sống cũng như sinh hoạt người dân sinh sống ven sông; đồng thời ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng sông, bờ sông, kết hợp chỉnh trang đô thị…

Để ổn định nơi ở an toàn cho người dân sống cặp sông, rạch, TP Cần Thơ đã quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, toàn thành phố có khoảng 9.353 hộ bị ảnh hưởng sạt lở và xâm nhập mặn cần được bố trí ổn định cuộc sống. Trong đó, bố trí ổn định tại chỗ 5.827 hộ (chiếm 62,3% tổng số hộ cần bố trí), bố trí đến cụm dân cư tập trung mới 1.620 hộ (chiếm 17,32%) và xen ghép vào cụm, tuyến dân cư hiện hữu 1.906 hộ (chiếm 20,38%). Riêng, đối với những hộ có nguy cơ sạt lở cao là đối tượng bắt buộc phải bố trí di dời chỗ ở đến nơi ở mới. Toàn thành phố có 2.424 hộ bị ảnh hưởng sạt lở cao, thuộc các sông, kênh, rạch lớn hoặc ở gần sông, kênh, rạch có dòng chảy nguy hiểm như: sông Hậu (sông Cần Thơ), sông Ô Môn, sông Cái Sắn, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy... Những hộ ở khu vực này được ưu tiên bố trí ổn định đến năm 2020. Đối với những hộ có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở, thành phố thực hiện hỗ trợ ổn định dần dần theo từng năm, trong đó sẽ có một số hộ được bố trí xen ghép để đảm bảo yêu cầu chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới, còn lại phần lớn số hộ sẽ được hỗ trợ ổn định tại chỗ...

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Các dự án đã có kế hoạch đầu tư  thực hiện, các sở, ngành chức năng sớm hoàn thành thủ tục để triển khai. Song song đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ đơn vị thi công các công trình chống sạt lở, tạo mỹ quan đô thị ở khu vực ven sông, rạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời gia cố đê bao, đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở... Thành phố sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế hỗ trợ, bổ sung nguồn vốn thực hiện các công trình, dự án phòng chống sạt lở các sông, rạch, góp phần phát triển đô thị, ổn định sản xuất, kinh doanh...".

 

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết