15/06/2012 - 06:37

Tìm giải pháp gỡ khó cho nuôi tôm nước lợ

Doanh nghiệp vừa thiếu nguyên liệu, vừa phải cạnh tranh về giá và đối phó với rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu.

Con giống, thời tiết, môi trường, dịch bệnh... vốn dĩ là những khó khăn thường nhật trong mỗi vụ nuôi tôm ở ĐBSCL. Nhưng khi những khó khăn này vẫn chưa giải quyết một cách căn cơ, thì ngay vụ nuôi năm 2012, cả người nuôi tôm, doanh nghiệp chế biến và ngân hàng lại phải đối mặt với những khó khăn mới đến từ vốn, thị trường tiêu thụ. Những khó khăn này đã và đang được các ngành hữu quan tìm giải pháp tháo gỡ...

Khó cũ chưa qua...

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, hiện có 3 cái khó cho vụ tôm 2012. Đó là: Môi trường nuôi đang bị ô nhiễm khá nặng, chất lượng con giống kém và những xáo trộn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Khởi phân tích: “Chất lượng con giống tôm thẻ chân trắng dòng sạch bệnh, lớn nhanh vừa qua đang có vấn đề. Theo thông tin từ các đơn vị nhập giống, thì dòng tôm giống này đã bị “lỗi kỹ thuật” trong quá trình lai tạo, nhân giống nên khi đưa vào nuôi tỷ lệ chết cao, nhất là từ 15-30 ngày tuổi”. Riêng về tình hình dịch bệnh trên tôm, theo nhận định của ngành nông nghiệp, khác với vụ nuôi 2011, thiệt hại năm nay chỉ diễn ra tập trung tại một số điểm, một số vùng.

Ông Nguyễn Văn Khởi băn khoăn: “Hiện nay, trên thị trường đang lưu thông khoảng 10.000 sản phẩm phục vụ cho nghề nuôi tôm nên việc quản lý ở cấp tỉnh là rất khó khăn”. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thừa nhận: “Tình hình bệnh gan tụy năm nay xuất hiện trên nhiều địa phương và đang gây thiệt hại nặng cho người nuôi tôm. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về tác nhân gây bệnh, chỉ mới đưa ra được sự hiện diện của Cypermethrin - một loại thuốc diệt giáp xác”. Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, đến nay vẫn chưa phát hiện có sự liên quan giữa bệnh gan tụy với chất lượng con giống, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng số lượng tôm giống được kiểm soát còn rất ít so với thực tế sản xuất, lưu thông trên thị trường. Đây cũng là nguy cơ làm gia tăng một số dịch bệnh trên tôm nuôi.

Năm 2011, tình hình nuôi tôm gặp khó khăn do Hội chứng teo và hoại tử gan tụy, khiến trên 70% diện tích tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại. Tình hình trên đã làm dư nợ cho vay nuôi tôm ở chi nhánh Ngân hàng NN& PTNT tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng gần 500 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ đầu tư cho nuôi tôm toàn tỉnh. Trong khi người nuôi tôm không có nguồn trả nợ vay ngân hàng đúng thời hạn cam kết, thì từ đầu vụ nuôi 2012 đến thượng tuần tháng 6, hội chứng teo và hoại tử gan tụy tiếp tục xuất hiện gây thiệt trên 7.300ha tôm nuôi, chiếm 29% diện tích thả nuôi. Ngoài chuyện dịch bệnh, giá cả cạnh tranh, con tôm Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng còn bị các hàng rào kỹ thuật từ phía Nhật- một thị trường lớn của tôm Việt Nam, khi mỗi năm nước này đều đưa vào kiểm soát thêm 1-2 chất cấm mới.

...Khó mới phát sinh

“Con tôm Sóc Trăng hiện đang mắc một căn bệnh mới cũng nguy hiểm không kém đó là “thiếu vốn”- ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cho biết. Bà Lê Thị Hiền, một hộ nuôi tôm ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, than: “Thiệt hại vụ tôm 2011 đã lấy hết hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản thế chấp của hộ nuôi rồi. Nếu không được vay vốn bổ sung sẽ rất khó cho người nuôi tôm trong việc trả nợ”. Theo ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, nghề nuôi tôm rủi ro quá lớn đã vượt sức chịu đựng của các ngân hàng. Người nuôi tôm đã gần như kiệt quệ, nguy cơ phá sản cao và một bộ phận hộ nuôi sẽ trở thành hộ nghèo, ảnh hưởng chung đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Chỉ riêng đồng vốn Ngân hàng NN&PTNT thì cũng như “muối bỏ biển” nên không thể giải quyết hết được những khó khăn hiện tại, mà cần có sự chung tay góp sức của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp khác” - ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, nói.

Theo các doanh nghiệp chế biến, tôm sú cỡ lớn thường được tiêu thụ tại thị trường Mỹ. Nhưng năm nay, thị trường này gặp phải sự cạnh tranh từ lượng tôm cỡ lớn khá dồi dào tại khu vực vịnh Mexico. Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, mới đây, giá tôm cỡ lớn tại thị trường Mỹ tiếp tục giảm thêm, từ 7,1USD/pound xuống còn 5,1 USD/pound. Đối với tôm thẻ chân trắng, Indonesia đang có thế mạnh ở cỡ tôm 30-40 con/kg, còn thế mạnh của Thái Lan là cỡ 40-70 con/kg. Như vậy có thể thấy, Việt Nam hiện chỉ còn thế mạnh đối với tôm sú cỡ 35-40 con/kg và tôm thẻ chân trắng cỡ 50-70 con/kg. Ông Hồ Quốc Lực nhận định: “Tôm thuộc kích cỡ khác vẫn có thị trường tiêu thụ, nhưng do cạnh tranh kém nên giá sẽ thấp hơn. Nhìn chung, sản lượng tôm thế giới năm nay là không thiếu, nên các nhà nhập khẩu không mua hàng vào dự trữ nhiều như mọi năm”.

Chung tay gỡ khó

Ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, bức xúc: “Người nuôi đang rất cần biết được tác nhân gây bệnh gan tụy và cách phòng trị cũng như mô hình nào cho nghề nuôi tôm đạt hiệu quả. Ngoài ra, công tác quan trắc môi trường cần phải thực hiện tốt hơn, mật số dầy hơn, nếu không nghề nuôi sẽ tiếp tục gặp khó”. Vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: “Bộ NN&PTNT đã huy động toàn bộ lực lượng khoa học trong và ngoài ngành kết hợp cùng các phòng thí nghiệm, chuyên gia nước ngoài để tập trung nghiên cứu vấn đề này. Tới đây, Bộ sẽ có quyết định chính thức về việc tạm dừng sử dụng các sản phẩm có chứa Cypermethrin trong sản xuất nông nghiệp, vì kết quả nghiên cứu cho thấy, chất này đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần trên hệ thống kinh rạch tại những vùng sản xuất lúa”.

Căn bệnh “thiếu vốn” thật sự là đề tài nóng được nhiều người quan tâm. Ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho rằng: “Vốn cho nuôi tôm hiện nay đang là vấn đề khó và người nuôi đang rất trông chờ vào một lối thoát từ các ngành, các cấp; nhất là phía ngân hàng. Vì thế cần có cơ chế chính sách đầu tư cho hộ nuôi tái sản xuất”. Bà Lê Thị Hiền, hộ nuôi tôm ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, gợi ý: “Hiện nay, tuy tình hình dịch hại vẫn còn xảy ra, nhưng ít hơn năm 2011 và đặc biệt là vẫn có những mô hình nuôi thành công. Ngân hàng nên xem đây là cơ sở để đầu tư bổ sung, tạo điều kiện cho hộ nuôi tái sản xuất có tiền trả nợ”. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, đề xuất thêm: “Ở vụ nuôi 2011, tôm chết đến hai lần cùng với lãi suất ngân hàng quá cao đã khiến người nuôi tôm gần như kiệt quệ. Vì vậy, đề nghị ngân hàng nên nâng định mức cho vay thêm 10-15%/giá trị tài sản thế chấp với cơ chế cho vay linh hoạt hơn”.

Trước những bức xúc về vốn của hộ nuôi, ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Ban tín dụng, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cho biết: Agribank đang nghiên cứu phương án cho vay qua doanh nghiệp (đầu vào và đầu ra) nếu hộ nuôi có hợp đồng liên kết. Riêng hộ có tham gia bảo hiểm, sẽ có chính sách cho vay khác hơn đối với hộ thông thường. Ông Tiết Văn Thành, Trưởng văn phòng khu vực phía Nam Agribank, khẳng định thêm: “Hiện nay, Agribank không thiếu vốn, nhưng để tháo gỡ khó khăn cần có sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” và cần có sự tham gia của doanh nghiệp bảo hiểm vào chuỗi giá trị này để cùng chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn”. Theo một số hộ nuôi tôm, đối với hộ nuôi tôm có tham gia bảo hiểm, ngoài định mức cho vay theo giá trị tài sản thế chấp, ngân hàng nên nghiên cứu thêm phần giá trị bảo hiểm mà hộ nuôi đã mua để làm cơ sở nâng định mức cho vay... Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngay từ lúc này, các tổ chức, cá nhân trong chuỗi giá trị con tôm phải cùng đoàn kết để vượt qua thời điểm khó.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Doanh nghiệp vừa thiếu nguyên liệu, vừa phải cạnh tranh về giá và đối phó với rào cản kỹ thuật từ các nư&#

Chia sẻ bài viết