17/09/2012 - 09:56

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:

Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần thúc đẩy KT - XH thành phố

 

Trong 3 năm (2009-2012) thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và bước đầu đã đạt một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ về những kết quả đạt được từ cuộc vận động này.

* Thưa đồng chí, Thành ủy Cần Thơ đã xác định mũi đột phá trọng tâm nào để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"?

-Sau khi tiếp thu, quán triệt sâu sắc Thông báo số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Công văn số 766-CV/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc cuộc vận động. Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Quyết định 1329-QĐ/TU ngày 29-9-2009) để tổ chức phát động trong toàn thành phố và chỉ đạo các sở, ban ngành đoàn thể thực hiện tốt cuộc vận động theo đúng kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 264-TB/TW.

Công tác tuyên truyền, vận động được ưu tiên hàng đầu trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người, mọi nhà nâng cao hiểu biết ý nghĩa cuộc vận động, thống nhất ý chí nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động. Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã vận dụng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và từng cấp, từng ngành đều có chương trình, kế hoạch cụ thể, đưa ra giải pháp thiết thực, định hướng rõ ràng, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong và ngoài thành phố. Điều này khẳng định sự đúng đắn của Đảng ta về chủ trương, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức. Trong 3 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp trong thành phố được củng cố, kiện toàn kịp thời, phát huy được vai trò, trách nhiệm. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng từng bước đi vào nề nếp.

* Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân của thành phố ra sao, thưa đồng chí?

-Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo đưa nội dung Cuộc vận động vào Nghị quyết thường kỳ của HĐND thành phố hằng năm. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị xã hội làm gương trong mọi hành vi mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, chỉ mua sắm hàng ngoại khi trong nước chưa sản xuất được. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong từng cơ quan, đơn vị đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóaViệt Nam tại nơi công sở và trong gia đình. Lựa chọn hàng Việt Nam là biểu hiện của tinh thần yêu nước, thông qua việc thay đổi hành vi nhận thức tiêu dùng theo hướng ủng hộ, tôn vinh sản phẩm sản xuất trong nước.

Phiên chợ  hàng Việt  về  nông thôn  tại huyện Thới Lai thu hút đông đảo người dân tham quan mua sắm. Ảnh: THU HOÀI

Bên cạnh đó, việc đưa hàng Việt về vùng ngoại ô thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam, từng bước xóa dần tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước được giới thiệu, quảng bá thương hiệu thông qua nhiều hình thức, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Cùng với những nỗ lực tích cực của các sở, ngành thành phố trong thực hiện cuộc vận động còn phải kể đến sự đồng hành đầy trách nhiệm của doanh nghiệp hàng Việt trong việc tiếp cận thị trường, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để đưa sản phẩm phù hợp túi tiền người tiêu dùng với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng.

* Để cuộc vận động ngày càng sâu rộng và đạt hiệu quả cao hơn nữa, theo đồng chí cần phải thực hiện những giải pháp cụ thể gì?

-Mặc dù cuộc vận động đã mang lại những kết quả thiết thực, song cũng còn không ít hạn chế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cuộc vận động ở một số địa phương, đơn vị còn biểu hiện hình thức; đồng thời cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, doanh nghiệp ở một vài nơi chưa nhận thức sâu sắc, hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động; một bộ phận người tiêu dùng còn tâm lý sính ngoại, nên công tác tuyên truyền đôi lúc hiệu quả chưa cao. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu và chưa đáp ứng kịp thời thị hiếu tiêu dùng, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng vẫn còn hạn chế.

Để cuộc vận động ngày càng thiết thực thì các nhà sản xuất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa trong sản xuất sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu, thị hiếu và chú trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng cần bám sát, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, kịp thời giải quyết mọi vướng mắc của doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín sản phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Bên cạnh đó, rất cần chính sách hỗ trợ thiết thực từ các bộ, ngành Trung ương giúp cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, cập nhật thông tin thị trường, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn… Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần được tiến hành từng bước, kiên trì và lâu dài; do vậy, cần vận động để tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khi tạo được sự đồng thuận cao, cuộc vận động sẽ có nhiều kết quả thiết thực hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa nước ta tiến lên công nghiệp hóa một cách vững chắc.

* Xin cảm ơn đồng chí!

THU HÀ (Thực hiện)

-Theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ: hiện người tiêu dùng trên địa bàn thành phố xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam chiếm 53%; trong đó cán bộ công chức chiếm 71%, công nhân 39%. Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam chiếm 48% (cán bộ công chức có ý kiến đánh giá cao nhất chiếm đến 60%, công nhân 32%); trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn thay bằng mua hàng Việt Nam chiếm 31%.

-Có 59%/2.000 đối tượng được hỏi trên địa bàn thành phố cho biết là rất quan tâm đến tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; quan tâm có mức độ 35%; ít quan tâm 5% và không biết 1%.

Chia sẻ bài viết