30/05/2017 - 22:20

Tích tụ ruộng đất: Cần cái nhìn đa chiều

Tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi phù hợp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại. Tại hội thảo "Chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn" tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, các chuyên gia, những người làm công tác quản lý có ý kiến đa chiều về vấn đề này.

Manh nha tích tụ ruộng đất

Trong thời gian qua, tích tụ tập trung đất ở ĐBSCL chủ yếu là liên kết sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), nông dân thuê đất của nông dân, doanh nghiệp (DN) thuê đất của nông dân. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, hiện giá trị gia tăng ngành nông nghiệp chiếm hơn 44,3% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh. Những điểm sáng trong tích tụ ruộng đất tại Bến Tre chủ yếu trên các mô hình liên kết sản xuất, như: Mô hình tổ hợp tác sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong sản xuất. Mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh VietGAP huyện Bình Đại, Giồng Trôm; Mô hình sản xuất lúa sạch các huyện ven biển cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng tốt đã nâng cao ý thức cho người dân về cách quản lý và tổ chức sản xuất mang tính cộng đồng.

Thu hoạch lúa trong cánh đồng lớn ở Tiền Giang. Ảnh: K.C

Tiền Giang có 178.390 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bình quân diện tích đất nông nghiệp/hộ là 0,57ha (bình quân của ĐBSCL là 1,41 ha/hộ). Trang trại có thể coi là một trong những kết quả của quá trình tích tụ ruộng đất. Tỉnh hiện có 410 trang trại, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011 trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trang trại nuôi trồng thủy sản; qui mô trang trại bình quân 2–2,5 ha. Tổng giá trị thu từ kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 1.261 tỉ đồng, tăng 2,35 lần so với năm 2011. Mô hình tập trung ruộng đất qua phát triển kinh tế hợp tác, HTX cũng đang là hướng đi phù hợp để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tích tụ những mảnh ruộng nông dân không thiết tha sản xuất hoặc sản xuất kém hiệu quả thành mảnh ruộng lớn, tạo quỹ đất sạch thu hút doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo nhiều phương thức, nhiều mô hình kinh tế tập thể như thành lập Tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp, xây dựng các HTX nuôi tôm công nghệ cao, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết trên địa bàn các huyện U Minh, Thới bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau;… Bên cạnh đó, thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau đến năm 2021 sẽ trở thành vựa tôm lớn của cả nước, với xuất khẩu thủy sản đạt 2 tỉ USD, vừa qua tỉnh đã xây dựng Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Đề án trình phê duyệt, tỉnh đã chủ động đưa vào nội dung về tích tụ ruộng đất. Mặc dù quá trình triển khai tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm, song với những hoạt động như tổ chức lại sản xuất đã tạo nền tảng và tiền đề tốt cho việc triển khai tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thời gian tới.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), hộ nông dân ở khu vực ĐBSCL sử dụng đất vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất rất thấp. Chủ yếu là nhờ anh chị em đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Kiên Giang có 19.572 hộ nhờ anh chị em đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất nông nghiệp, chiếm 10,7% tổng số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp. An Giang có tổng số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong hạn mức là 326.699 hộ (đạt tỷ lệ 99,98%), ngoài ra, có 42 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vượt hạn mức nhận chuyển nhượng (tỷ lệ 0,02%)… Thực trạng tích tụ ruộng đất hiện nay tại ĐBSCL còn chậm và tích tụ ruộng đất đang là "nút thắt" lớn nhất cản trở sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Hạn điền: còn nhiều băn khoăn

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, giải pháp tích tụ ruộng đất từ cánh đồng lớn còn nhiều vướng mắc, như: DN phải đầu tư lớn, khó quản lý liên kết. Mô hình HTX thì thiếu đồng bộ trong triển khai luật, chính sách, thiếu vốn, trang thiết bị; mô hình nông dân thuê đất của nông dân thì khó đàm phán với nhiều hộ, rủi ro đòi lại đất trước hạn, chi phí đầu tư lớn, khó rút lao động dôi dư… Lẽ đó, cần xem xết đầy đủ hiệu quả kinh tế của từng hình thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

Bưởi da xanh của HTX, tổ hợp tác ở Bến Tre được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Ảnh: T.P

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không quản lý được hạn điền, không phát hiện được người sử dụng đất vượt hạn điền và cũng không xử lý được những người vượt hạn điền. Tại tỉnh Bến Tre, khó khăn trong tích tụ ruộng đất theo phản ánh của Sở NN&PTNT tỉnh, một bộ phận người dân không sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả thấp nhưng vẫn có tư tưởng giữ ruộng, giữ đất, không cho thuê, mượn vì sợ khi có dự án sẽ không được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đất được coi là tài sản bảo đảm từ đời trước đến đời sau và họ muốn giữ lại cho con cháu. Bất cập trong quy hoạch và triển khai quy hoạch sử dụng đất; nông dân thiếu vốn, kỹ thuật và kiến thức thị trường đã cản trở trang trại, hợp tác xã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất.

Về hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai 2013: “Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL và không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi và hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30ha”.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đặt vấn đề: Có nhiều gợi ý "nới hạn điền" để lên sản xuất lớn, để hội nhập quốc tế. Không hoàn toàn như vậy. Nếu nói tích tụ, tập trung đất để sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại thì có thể đúng một phần, nhưng chưa đủ, vì nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đất nông nghiệp ít như: Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng nông nghiệp thuộc hàng tiên tiến nhất thì sao? Ngược lại sản xuất chỉ dựa vào yếu tố tự nhiên (đất và nước mưa) như Campuchia, Lào năng suất thấp nhưng thu nhập của nông dân họ hơn nông dân Việt Nam sản xuất thâm canh, hiện đại là sao? Đưa sản lượng tăng vọt mà sản phẩm chưa khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nào, khiến giá rơi thảm hại, người sản xuất lao đao. Bài học gạo, cá… và mới đây là chuối, heo cho thấy rõ điều này. DN chỉ kêu "bí" đầu ra, chứ không kêu "bí" hạn điền. Mặc dù lâu dài, tâm lý là chưa an tâm về "quyền tài sản" đối với đất, nhưng trước mắt Điều 129 và Điều 130 Luật đất đai 2013 cho phép sang nhượng, nhận quyền sử dụng đất lên 10 lần hạn điền cũ, tức 30ha đất sản xuất cây hàng năm, 100ha đất cây ăn quả và 300ha đất trồng rừng. Như vậy, hạn điền không còn bó buộc hộ sản xuất và DN làm ăn. Sự thật của vấn đề là "thị trường", thị trường nông sản các nước đang mở mạnh ở Việt Nam trong khi thị trường của Việt Nam ở các nước đang teo tóp, bị mất do thiếu chữ "tín", nhưng lại đổ cho "hạn điền". Do đó, hãy làm kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng bắt đầu từ con người, từ niềm tin, chứ không phải từ đất- hạn điền.

BẢO HUY

Chia sẻ bài viết