02/03/2009 - 21:21

Thủy đậu - bệnh dễ lây

Điều dưỡng của Bệnh viện Da Liễu Cần Thơ đang thăm khám cho bệnh nhân bị thủy đậu đang điều trị tại bệnh viện.
Ảnh: T. HẰNG

Hàng năm, vào khoảng tháng 2 đến tháng 6 là vào mùa bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ). Đây là bệnh có tính lây nhiễm cao, nếu người chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể mắc bệnh khi tiếp xúc gần người bệnh. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh này.

*Mọi người đều có thể mắc thủy đậu

Trong tháng 1-2009, phòng khám, Bệnh viện Da Liễu (BVDL) Cần Thơ tiếp nhận 61 ca bệnh thủy đậu. Trong đó, 22 ca phải điều trị nội trú. Tuy nhiên, vào giữa tháng 2, số người bệnh thủy đậu tăng nhanh. Phòng khám tiếp nhận 118 ca bệnh, trong đó đến 38 ca điều trị nội trú.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: “Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt li ti trong không khí thải ra từ mũi, họng người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua sự tiếp xúc với mụn nước của người bệnh. Bệnh thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi... có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Mặt khác, bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con, nếu người mẹ nhiễm bệnh khi mang thai. Vì vậy, lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là trẻ em ở tuổi đi học, đa số từ 5 đến 11 tuổi”.

Nhưng gần đây tình hình đã khác, lượng người lớn mắc bệnh đến khám, điều trị tại BVDL Cần Thơ gấp 3-4 lần so với trẻ em. Ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính từ ngày 1 đến ngày 17-2-2009, có 35 trẻ đến khám, điều trị bệnh thủy đậu. Cộng số liệu chung của hai bệnh viện thì lượng người lớn mắc bệnh vẫn cao hơn từ 1,5-2 lần so với trẻ em. Thông thường người lớn khi mắc bệnh này sẽ bị bệnh nặng hơn và trầm trọng hơn trẻ em.

Thời gian này, nhiều người vẫn chủ quan cho rằng chỉ có trẻ nhỏ mới mắc bệnh thủy đậu. Trương Hữu Nghị (22 tuổi), sinh viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ nói: “Tôi nghĩ lớn rồi làm gì mà mắc bệnh thủy đậu. Ban đầu, tưởng mụn thông thường, càng về sau càng lan ra nhiều, từ mặt, cổ đến tay, chân”.

Nhiều bệnh nhân chủ quan, mắc bệnh nhưng không đến bệnh viện khám ngay mà tự ý ra nhà thuốc mua thuốc uống. Uống vài ngày không bớt, mụn lan ra nhiều, ngứa chịu hết nổi rồi mới đến bệnh viện. Chị Bửu, mẹ của bệnh nhân Đinh Công Triều, 12 tuổi, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trước kia tôi cũng bị bệnh này, không đi bệnh viện ở nhà trị vẫn khỏi. Khi cháu bị bệnh, mua thuốc uống không bớt nên tui đưa cháu nhập viện”.

Bản thân bệnh trái rạ chỉ gây tổn thương trên mặt da, không làm sẹo. Một số người bệnh dùng các phương thuốc dân gian như tắm gốc rạ, nước lá, kiêng tắm rửa, kiêng ra gió ... làm cho da dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm, bệnh nhẹ thành ra nặng. Nếu bị nhiễm trùng da, những nốt trái rạ ăn sâu xuống hình thành những vết sẹo.

Ngoài biến chứng nhiễm trùng da, còn có thể gặp các biến chứng khác như: viêm phổi (tùy theo cơ địa, hay gặp ở trẻ sơ sinh và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch), viêm não... Tuy nhiên, khi mắc bệnh trái rạ, nếu người bệnh tự ý dùng thuốc Aspirin hạ sốt sẽ gây hội chứng Rey. Hội chứng này biểu hiện dấu hiệu thần kinh, kèm với vàng da, men gan tăng đưa đến tình trạng rối loạn hô hấp, di chứng về thần kinh... rất nguy hiểm.

*Đừng đợi vào mùa dịch mới chích ngừa

Theo bác sĩ Lê Thị Bích Liên, BVDL Cần Thơ: “Cách tốt nhất là nên giữ gìn sức khỏe, tránh tiếp xúc với người bệnh, có điều kiện nên tiêm ngừa để phòng tránh bệnh. Nếu phát hiện mình bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Trong thời gian điều trị bệnh, người bệnh nên ăn thức ăn dễ tiêu, có nhiều năng lượng, uống nhiều nước chanh, nước cam để tăng cường sức đề kháng”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: “Bệnh thủy đậu khi chưa nổi mụn nước, nghĩa là trước khi phát bệnh 1-2 ngày, người mang siêu vi trùng trái rạ đã có khả năng lây bệnh cho người khác và khả năng lây lan này còn kéo dài nhiều ngày sau khi mụn nước đã đóng vảy. Do vậy, dù cách ly người bệnh nhưng thường không hiệu quả trong cách phòng tránh. Điều này lý giải vì sao khi có người bị bệnh thủy đậu thì bệnh lây lan rất nhanh và thường tồn tại dai dẳng”.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, những tháng bệnh dịch chưa bùng phát, số lượng người đi tiêm ngừa thủy đậu rất ít. Khi người dân phát hiện trong khu vực làm việc, sinh hoạt hoặc gia đình có người thân mắc bệnh thủy đậu thì mới đi tiêm ngừa. Bác sĩ Đỗ Thụy Bằng, phụ trách phòng Tiêm ngừa, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: “Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất cho người chưa bị nhiễm bệnh là tiêm vắc-xin. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Bình quân, mỗi ngày có 15 người đến tiêm ngừa bệnh thủy đậu, tăng gấp đôi so với tháng trước. Tuy nhiên, mọi người nên tiêm ngừa khi cơ thể khỏe mạnh và dịch bệnh chưa xảy ra. Không nên đợi đến khi có dịch xảy ra mới tiêm ngừa, vì lúc đó có thể đã bị gây bệnh, vắc-xin không kịp có tác dụng bảo vệ (vì vắc-xin chỉ có hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm 6 tuần) hoặc khan hiếm vắc-xin do nhu cầu tiêm ngừa tăng cao. Mọi người có nhu cầu tiêm ngừa có thể đến Trung tâm Y tế dự phòng TP và các quận, huyện để được tư vấn tiêm ngừa”.

HOÀNG-HOA

Chia sẻ bài viết