29/05/2021 - 08:07

Thunberg muốn thay đổi phương thức sản xuất thực phẩm 

Nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi người Thụy Ðiển Greta Thunberg vừa đặt ra mục tiêu thay đổi cách thế giới sản xuất và tiêu thụ thực phẩm để chống lại bộ ba mối đe dọa: khí thải carbon, bùng phát dịch bệnh và đau đớn của động vật.

Thunberg ngồi cạnh Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong một hội nghị về khí hậu.

Trong đoạn video đăng trên Twitter hôm 22-5, Thunberg cho rằng tác động môi trường của việc trồng trọt cũng như sự bùng phát dịch bệnh như COVID-19 sẽ được giảm bớt bằng cách thay đổi phương thức sản xuất thực phẩm. “Cách chúng ta trồng trọt và đối xử với thiên nhiên, chặt phá rừng và phá hủy môi trường sống, đang tạo điều kiện hoàn hảo để dịch bệnh lây lan từ động vật này sang động vật khác và lây lan sang con người... Hàng triệu người đã chết vì các bệnh COVID-19, Zika, Ebola, bệnh sốt bờ Tây sông Nile, SARS, MERS, HIV-AIDS”, Thunberg nêu rõ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, SARS-CoV-2 có thể được truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật khác, trong khi giới khoa học khẳng định 60% các bệnh truyền nhiễm ở người xuất hiện trong giai đoạn 1990-2004 là do động vật.

Thunberg còn nói về hậu quả của việc sản xuất thực phẩm đối với môi trường và tin rằng việc chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giảm tới 8 tỉ tấn CO2/năm. Nữ sinh 18 tuổi này đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh nhu cầu về những lựa chọn thay thế không có thịt ngày càng tăng do lo ngại về sức khỏe, cuộc sống của động vật và môi trường.

Thực phẩm là thành phần ảnh hưởng lớn đến sự gia tăng chỉ số dấu chân sinh thái và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật là “thủ phạm” chính gây ra vấn đề này. Việc ăn thịt, đặc biệt là thịt bò có tác động cực kỳ sâu sắc tới Trái đất. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science phát hiện trong 40.000 nông trại ở 119 nước, gia súc chỉ cung cấp 18% lượng calorie con người hấp thụ, nhưng đất sử dụng cho chăn nuôi lại chiếm đến 83% đất nông nghiệp. Việc chăn nuôi và cung cấp thức ăn cho gia súc cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường hơn so với việc trồng cây nông nghiệp. Hơn 33% đất trồng được sử dụng để trồng thức ăn cho gia súc. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu từng đưa ra cảnh báo về ảnh hưởng của nền nông nghiệp và hoạt động con người đến đất đai - “bồn chứa” khổng lồ trong việc giảm khí CO2 cùng với các khu rừng và đại dương.

Chăn nuôi gia súc không những tạo ra khí nhà kính mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Ðược biết, 1kg thịt bò cần tới 15.400 lít nước để sản xuất. Lượng thức ăn cần để chăn nuôi gia súc quá lớn là nguyên nhân chính dẫn tới việc sử dụng 1/3 lượng nước sạch trên thế giới vào ngành công nghiệp này.

Theo nghiên cứu gần đây của Liên Hiệp Quốc, hơn 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra có thể là từ cách chúng ta sản xuất, chế biến và đóng gói thực phẩm. Tài liệu chỉ ra rằng, lượng khí thải từ các hệ thống xử lý, chế biến thực phẩm ước tính khoảng 18 tỉ tấn CO2 trong năm 2015.

Khi mới 15 tuổi, Greta Thunberg đã nghỉ học vào mỗi thứ Sáu để biểu tình bên ngoài Nghị viện Thụy Điển, kêu gọi tăng cường chống biến đổi khí hậu. Chẳng bao lâu sau, hành động của cô lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới. Năm 2019, Tạp chí TIME bình chọn Thunberg là Nhân vật của năm, vượt qua cả Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump. Cô cũng từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết