29/11/2019 - 06:09

Thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo cấy lúa 

Để giảm lượng sử dụng giống, việc dùng nguồn giống tốt, từ cấp xác nhận trở lên và đảm bảo chất lượng là rất quan trọng, giúp cây lúa khỏe ngay đầu vụ và ít hao hụt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới khâu gieo cấy, áp dụng máy sạ hàng, máy phun hạt và máy cấy để không chỉ tiết kiệm giống mà còn đảm bảo mật độ cây lúa đồng đều trên đồng ruộng...

Phải sử dụng nguồn giống chất lượng

Cấy lúa bằng máy cấy tại HTX nông nghiệp Thịnh Phát ở huyện Vĩnh Thạnh. 

Những năm qua ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phải quan tâm sử dụng giống xác nhận để giảm giống hiệu quả, tạo tiền đề áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... theo hướng hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa hiệu quả và bền vững. Từng bước giúp nông dân thay đổi thói quen sạ lúa bằng tay và sử dụng lượng giống quá nhiều, làm tăng chi phí, đồng thời ruộng lúa gieo sạ với mật độ quá cao thường dễ bị sâu bệnh tấn công và đổ ngã do mưa bão.

Thành phố cũng tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa các máy móc cơ giới vào đồng ruộng gieo cấy lúa và thực hiện các khâu sản xuất khác. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, hiện có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 92% diện tích lúa đông xuân; 98% diện tích lúa hè thu và 100% diện tích lúa thu đông. Thực tế với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh… đạt từ 50-60%. 

Thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững được triển khai ở TP Cần Thơ (Dự án VnSAT Cần Thơ), từ năm 2016 thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân xây dựng các mô hình giảm giống gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dự án VnSAT đã hỗ trợ nông dân trồng lúa tại nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và “cánh đồng lớn”, thực hiện giảm lượng sử dụng giống bằng nhiều phương thức xuống giống khác nhau: sạ bằng dụng cụ kéo hàng, máy phun hạt, máy cấy.  Các mô hình này thực hiện cơ giới hóa khâu gieo cấy nhằm vận động nông dân áp dụng để giảm giống, công lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí trong sản xuất lúa, tăng lợi nhuận. Kết quả  tại nhiều mô hình cho thấy, dù mật độ gieo sạ thấp từ 40-130kg/ha tùy mô hình nhưng sự khác biệt về sinh trưởng và quản lý dịch hại rõ rệt so với đối chứng, từ đó lợi nhuận trong mô hình cấy (sử dụng 40kg giống/ha), sạ hàng (100kg/ha), máy phun (130kg/ha) trung bình từ 32,8-49,1 triệu đồng/ha, cao hơn so với sạ tay (150kg/ha) 3,7-16,3 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, Phó giám đốc Dự án VnSAT Cần Thơ, cho biết: “Dự án VnSAT Cần Thơ đang  hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, nhất là cấy máy  để giảm giống hiệu quả. Dự án còn có chương trình hỗ trợ cho nông dân tại các hợp tác xã  trong vùng Dự án thực hiện đầu tư mua máy cấy…”.

Đẩy mạnh cơ giới giảm giống hiệu quả

Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nông dân tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thịnh Phát ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình trình diễn cơ giới hóa trong gieo cấy,  với diện tích hơn 6ha, trong đó có hơn 2ha áp dụng phương pháp cấy máy, 2ha sạ hàng và 2ha sạ thưa bằng máy phun hạt. Nông dân được hỗ trợ 100% chi phí tiền gieo mạ, công cấy và phân bón trong vụ lúa, phân bón do Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ. Trong đó, mô hình cấy máy sử dụng lượng giống ở mức 60kg/ha, còn sạ hàng và sạ bằng máy phun hạt sử dụng 80kg/ha.  Để có nhiều nông dân được tận mắt chứng kiến việc cấy lúa bằng máy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cũng phối hợp công ty TNHH Máy Nông nghiệp Yanmar Việt Nam tổ chức hội thảo “Trình diễn máy cấy lúa” tại HTX Thịnh Phát ngay khi bước vào vụ gieo cấy lúa đông xuân 2019-2020. Tại hội thảo, Ban Tổ chức cũng cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin về máy cấy, hiệu quả đầu tư máy cấy, cách thức tham gia làm dịch vụ cấy máy... để nông dân tự tin áp dụng vào việc sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Thịnh Phát, cho biết:  “Trước đây, nông dân tại HTX chủ yếu sạ tay, với mật độ khá dày, sử dụng khoảng 22-25kg giống/công (tầm lơn 1.300m2). Nhưng nay, được ngành nông nghiệp Cần Thơ chọn làm mô hình trình diễn máy cấy, nông dân tại HTX chỉ sử dụng khoảng 6kg giống/công là một bước tiến rất lớn  giảm giống. Lúa được cấy thẳng hàng, cây có độ thưa đồng đều để ánh nắng chiếu vào thân, rễ từ đó giúp lúa sinh trưởng tốt và ít sâu bệnh. Đây cũng là tiền đề thuận lợi cho nông dân giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn sau”.

Theo anh Đoàn Tuấn Về, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lộc ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, được tham quan thực tế mô hình trình diễn máy cấy, nông dân thấy rất bổ ích vì  không chỉ được tận “mắt thấy, tai nghe” mà còn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với nhiều nông dân và nhà chuyên môn. Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp thành phố và Dự án VnSAT Cần Thơ, HTX Thạnh Lộc cũng đã thí điểm thực hiện mô hình cấy lúa bằng máy  trong vụ hè thu 2019. Hiệu quả từ mô hình là rất tốt bởi không chỉ giúp giảm mạnh lượng giống, với lượng sử dụng chỉ 43kg/ha mà các chi phí tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm khoảng 30% so với trước đây, nhưng năng suất lúa không giảm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết