08/04/2012 - 20:18

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Thời cơ lớn đã đến!

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem đến cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều cơ hội phát triển. Hội nhập quốc tế giai đoạn 2010-2020, cùng với làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, trong đó có ĐBSCL, kèm theo đó là số lượng khách quốc tế đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau sẽ ngày một gia tăng. Trong xu thế hội nhập, khi hàng không và hàng hải của ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đáp ứng đầy đủ thì không gian phát triển kinh tế của ĐBSCL sẽ không còn bó hẹp trong vùng Nam bộ. Các liên kết vùng không chỉ dừng lại ở mối liên kết với TP. Hồ Chí Minh hay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn được mở ra không gian rộng lớn của khu vực ASEAN và rộng hơn nữa, theo luồng hàng hải nối liền Đông-Tây, vành đai Thái Bình Dương...

ĐBSCL có 4 cảng hàng không quan trọng là Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc và Cà Mau, hiện còn là những cảng hàng không nội địa. Đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một số dự án đầu tư, trong đó, sân bay Cần Thơ và Phú Quốc được nâng cấp thành sân bay quốc tế. Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ với tổng vốn đầu tư gần 900 tỉ đồng, sẽ đón tiếp khoảng 2 triệu khách/năm, đường băng cũng cho phép tiếp nhận các loại máy bay như Boeing 676 và tương đương. Sân bay Dương Tơ-sân bay mới trên đảo Phú Quốc vào năm 2012-2015, có khả năng đón nhận máy bay tầm xa. Khi đó, từ Phú Quốc bay đến các tỉnh, thành của Thái Lan, Lào và Campuchia không quá 1giờ rưỡi. Đặc biệt, Phú Quốc có thể nối tour với hai quốc gia có lượng khách du lịch lớn trong khu vực là Singapore và Malaysia. Ngoài ra, An Giang cũng đã đề xuất Chính phủ cho đầu tư sân bay Châu Đốc, sử dụng các máy bay nhỏ, khai thác các tuyến bay ngắn phục vụ du lịch, hướng tới một số tuyến điểm du lịch qua nước Campuchia. Với tuyến bay quốc tế trực tiếp từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... tới vùng, tới sân bay Tân Sơn Nhất (hiện nay), tới sân bay Long Thành (trong tương lai 2015-2020), du lịch ĐBSCL sẽ có nhiều cơ hội mở rộng và khai thác thị trường trong nước, các nước khu vực và thế giới.

 Mekong Riverside Resort & Spa (Cái Bè, Tiền Giang), khu nghỉ dưỡng chuyên biệt cho du khách nước ngoài.

Hợp tác quốc tế trong khu vực vùng vịnh Thái Lan cũng tạo ra nhiều tiền đề phát triển cho du lịch ĐBSCL. Hành lang ven biển vịnh Thái Lan trong tương lai sẽ được thực hiện dọc tuyến đường bộ qua các tỉnh Chanthaburi, Trat (Thái Lan), Kok Kong, TP.Kep, Shihanouk Ville, Cam Pot (Campuchia), rồi đến Kiên Giang, điểm cuối cùng là mũi Cà Mau. Ký kết hợp tác trong du lịch biển của ba nước trong vùng vịnh Thái Lan cụ thể là ba tỉnh ven biển khu vực vịnh Kiên Giang (Việt Nam), Shihanouk ville (Campuchia) và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) sẽ có nhiều hứa hẹn tốt đẹp và đây cũng là những bước khởi đầu cần thiết cho du lịch biển đảo tại Kiên Giang. Các tour du lịch hai chiều bằng đường từ Rạch Giá đi các tỉnh ven biển Campuchia và Thái Lan, trước mắt từ đảo Phú Quốc đi Shihanouk ville của Campuchia và Chanthaburi (Thái Lan) sẽ sớm đi vào khai thác.

Hợp tác phát triển biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Tây Nam Bộ có 3/7 cửa khẩu quốc tế với Campuchia gắn với khu kinh tế cửa khẩu, nhiều chợ biên giới thời gian qua phát triển giao thương rất mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tỉ đô-la, tình hình an ninh chính trị Campuchia ngày càng ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước nói chung và du lịch nói riêng. Trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến đường bộ nối liền và dọc hành lang biên giới, 2 bên xúc tiến khảo sát xây dựng cầu Long Bình-Chrey Thum, thỏa thuận về tuyến đường sắt xuyên Á Singapore - Côn Minh qua Việt Nam và Campuchia... mở ra cơ hội hợp tác phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa trong du lịch, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, chương trình du lịch “Ba quốc gia - một điểm đến” ngày càng phát triển.

Đầu tư của Chính phủ cho cơ sở của hạ tầng của ĐBSCL, đặc biệt là hệ thống giao thông bao gồm đường bộ, hàng không và hàng hải sẽ khai mở nhiều tiềm năng du lịch ĐBSCL, tạo điều kiện cho ĐBSCL phát huy được thế mạnh vị trí địa lý, mở rộng không chỉ là thị trường du lịch, mà còn là thị trường hàng hóa, đầu tư, vận tải, lao động, dịch vụ... Đó là : Sự hình thành tuyến đường thủy quốc tế cho phép tàu trọng tải 10.000- 20.000 tấn lưu thông tới cảng Cần Thơ, sẽ đổi hướng và kích hoạt hàng loạt tiềm năng vận tải hàng hóa, dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu và du lịch trên nền sông nước-một trong những nhân tố đột phá cho phép khai thác đúng tầm thế mạnh truyền thống của toàn vùng ĐBSCL. Tuyến đường bộ cao tốc Sài Gòn-Trung Lương đưa vào hoạt động càng tỏ rõ sức cuốn hút khách du lịch và các nhà đầu tư, khi khoảng cách thời gian tiếp cận các cửa ngõ vào ĐBSCL-Long An, Tiền Giang, Bến Tre-rút ngắn xuống còn 30-60 phút. Sự phát triển của hệ thống cầu và đường bộ sẽ tạo thêm năng lực và động lực khai thác tiềm năng vận tải thủy-phương tiện vận chuyển phong phú, đa dạng, đa năng, linh hoạt và kinh tế chỉ ĐBSCL mới có - tiền đề cho sự phát triển du lịch trên nền văn minh sông nước và dựa vào cơ sở hạ tầng đa dạng gắn với sông nước, vận tải nội vùng, xuất khẩu và “xuất khẩu tại chỗ” khi lượng khách du lịch và ngoài nước có thể đạt hàng chục triệu lượt người/năm. Như vậy, để nhanh chóng khai thác toàn bộ hệ thống một cách tổng hợp, cần đặc biệt quan tâm tới việc hình thành hệ thống cảng sông nhỏ và vừa, qui mô thích hợp, gắn với những điểm dân cư tập trung, các tụ điểm du lịch trên sông nước...

“Dự báo rằng giai đoạn 2011-2020, ĐBSCL sẽ có bước đột phá trong việc hình thành và phát triển mạng dịch vụ liên kết du lịch-vận tải-thương mại, khi quy mô thu hút hàng năm hàng chục triệu khách du lịch trong và ngoài nước...” Viện sĩ Tiến sĩ Nguyễn Trần Dương, một nhà nghiên cứu du lịch ĐBSCL nhiều năm nay đã đưa ra dự báo như vậy.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết