31/12/2014 - 09:30

Tháo gỡ khó khăn, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai Nghị quyết Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần hết sức chú ý đến việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh...

Chủ động giảm khó

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, năm 2015 sẽ có thêm nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được nước ta ký kết với các đối tác có hiệu lực như: FTA với Liên minh thuế quan, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến cũng sẽ kết thúc đàm phán vào năm 2015. Thị trường xuất khẩu hàng hóa vì thế cũng sẽ được mở rộng rất nhiều, nhưng xuất khẩu sẽ không tăng như mong muốn, nếu chúng ta không quan tâm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng xuất khẩu. Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân kiến nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong việc giúp người dân và doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, kiến thức và lộ trình thực hiện các FTA để chủ động hội nhập”.

Mua bán xăng dầu tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Trong bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm mạnh, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần tận dụng tốt các cơ hội và thách thức của việc giảm giá này. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi có tác động hai chiều đến kinh tế nước ta. Giá dầu thế giới giảm có tác động tích cực làm giảm giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí sản xuất, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ. Ước tính, giá xăng dầu giảm khoảng 10% thì chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,914%. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cũng đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu tăng cường mua dầu để dự trữ khi giá rẻ và hạn chế khai thác dầu thô để nền kinh tế có lợi lâu dài. Thay vì dự trữ ngoại hối, chúng ta dự trữ dầu vì đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất. Trước đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, vừa qua đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng có liên quan đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương án phù hợp để xử lý vấn đề khai thác dầu thô trong năm 2015.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, năm 2014 ít xảy ra thiên tai nhưng mới chuẩn bị bước vào năm 2015, tình hình khô hạn đã xuất hiện tại nhiều vùng miền như: vùng Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Năm 2015, vùng sản xuất nông sản chủ lực của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều nguy cơ xuất hiện tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập sớm. Do vậy, các địa phương cần chú ý chủ động cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất, nơi nào thấy thiếu nước cho sản xuất lúa phải chủ động chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước như bắp nhằm tránh mất mùa do khô hạn. Ngoài ra, phải luôn cảnh giác với tình hình bão, lũ lụt và chủ động phòng tránh các loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trình bày Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp điều hành chủ yếu cho năm 2015. Trong đó, nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng được đặt lên hàng đầu. Chính phủ cũng quan tâm đề ra nhóm nhiệm vụ và giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mới trong kinh doanh và chủ động ứng phó với các thách thức. Ngoài ra, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin truyền thông.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong năm 2015 các bộ, ngành và địa phương cần hết sức chú ý đến tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy cơ chế, chính sách các địa phương như nhau, nhưng địa phương nào, ngành nào quan tâm việc này sẽ giải quyết được rất nhiều việc. Thủ tướng nhấn mạnh: “Bây giờ kinh tế là trung tâm, cả nước có khoảng 400.000  doanh nghiệp hoạt động. Nhiệm vụ của chính quyền là tạo mọi thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn để doanh nghiệp, người dân làm ăn. Các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, chú ý tập trung gỡ khó những lĩnh vực đang có khó khăn vướng mắc. Chúng ta phải sát dân, doanh nghiệp, với tinh thần phục vụ cao nhất để phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, giúp kinh tế phát triển”. Thủ tướng cũng nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập, ai thắng, ai vươn lên được chính là ở năng lực cạnh tranh. Không có cách nào khác chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh lên.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong năm qua có nhiều khó khăn và tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Nhưng nước ta đã kiên quyết đấu tranh, giữ được chủ quyền, hòa bình và ổn định đất nước. Có 13/14 chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội giao Chính phủ đã hoàn thành (chỉ có 1 chỉ tiêu lao động qua đào tạo còn chưa đạt) đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Nền kinh tế đất nước trong năm qua đã thể hiện đà phục hồi rõ nét, các lĩnh vực phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Song, nhìn nhận về mặt hạn chế, Thủ tướng cho rằng, kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật vững chắc, ngân sách thu vượt dự toán đảm bảo chi, nhưng cơ cấu chi vẫn còn đáng lo, chủ yếu chi thường xuyên cho trả lương và nợ, chi đầu tư phát triển giảm, trong khi nhu cầu cao. Chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện nhưng còn thấp so với nhiều nước ASEAN. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc như: tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn khá nghiêm trọng; hộ nghèo của cả nước còn chiếm 5,86%...Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị là phải tìm cách giải quyết nhanh.

Kết luận tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các bộ, ngành và địa phương phải bám sát Nghị quyết Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế mà cụ thể hóa kế hoạch hành động của bộ, ngành và địa phương mình một cách phù hợp và quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm, với tinh thần phấn đấu cao nhất, nhằm đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2015…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, bởi là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014.Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Chia sẻ bài viết